Chuyên gia Việt chứng minh sức mạnh kinh tế của Nga-Mỹ

22/08/2019 9:37:22 SA

PV: - Nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ, tỷ phú Jim Rogers nhận định rằng, nền kinh tế Nga đang trải qua giai đoạn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ sẽ còn phải đối mặt với sự suy thoái. Trước đó, nhà đầu tư này cũng dự báo khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng một năm tới là 100% bởi theo ông, cứ mỗi chu kỳ 4-7 năm, nước Mỹ lại phải trải qua suy thoái, bất luận bởi nguyên nhân gì.

Ông bình luận như thế nào về những nhận định của nhà đầu tư Mỹ, đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang được đánh giá có dấu hiệu phục hồi khả quan? Theo ông, cơ sở nào để ông Rogers đưa ra những nhận định như vậy?

TS Lê Xuân Sang: - Trước khi đi vào chi tiết, cần khẳng định rằng việc dự báo chính xác về suy thoái, đặc biệt là khủng hoảng tài chính rất khó. Chính vì thế, hàng trăm năm qua, các loại hình khủng hoảng tài chính vẫn cứ diễn ra, đặc biệt là khủng hoảng nợ công; các nước vẫn chưa có được cách thức hữu hiệu để phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với các cuộc khủng hoảng tài chính. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, dự báo khủng hoảng tài chính vừa được coi là khoa học vừa là nghệ thuật.

Thực tế cho thấy, có một số nhà kinh tế nổi tiếng, được giải thưởng Nobel kinh tế cũng có những nhận định, dự đoán không chính xác về triển vọng khủng hoảng kinh tế Mỹ cũng như triển vọng kinh tế các nứớc công nghiệp mới nổi Đông Á.

Chuyen gia Viet chung minh suc manh kinh te cua Nga-My
TS Lê Xuân Sang (ngoài cùng bên trái) trong một cuộc tọa đàm năm 2015. Ảnh: Viện Kinh tế Việt Nam

Trở lại với nhận định của nhà đầu tư tài ba Jim Rogers. Theo tôi biết, trả lời phỏng vấn của truyền hình Bloomberg ngày 4/3, ông cho rằng nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ là rất lớn, mặc dù nền kinh tế phục hồi khá mạnh. Lập luận đầu tiên của Rogers là nợ nước ngoài của Mỹ tăng mạnh. Lập luận khác của Rogers là sự đình trệ/suy giảm về tăng trưởng của Nhật Bản và Trung Quốc có thể khiến đồng USD được mua vào nhiều khiến đồng USD tăng giá, từ đó, hình thành bong bóng về đồng tiền này. Rogers đã khuyên các nhà đầu tư Mỹ mua vào và nắm giữ USD.

 
 

Cá nhân tôi đồng ý một phần với hai lập luận của nhà đầu tư này. Nợ công tăng mạnh là một trong những nguyên nhân có thể gây ra khủng hoảng nợ công. Với điều kiện các nhân tố khác giữ nguyên, tỷ giá tăng có thể làm giảm tính cạnh tranh hàng hóa của nền kinh tế nước này. 

Tuy vậy, khả năng xảy ra một trong 4 loại hình khủng hoảng tài chính tại Mỹ trong 3-5 năm tới là tương đối nhỏ. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng năm 2008 tại Mỹ  về bản chất là khủng hoảng ngân hàng, xuất phát một phần từ việc giám sát nợ xấu, đặc biệt là nợ dưới chuẩn (subprime debt) không theo kịp so với việc áp dụng những sáng tạo tài chính (financial innovations) cụ thể là công cụ phái sinh, chứ không không liên quan đến nợ công. Nợ xấu này liên quan đến nợ gia đình, nợ bất động sản được chứng khoán hóa (ví dụ MBS) đã biến thành con virus lây nhiễm rất nhanh giữa các tổ chức tài chính – ngân hàng ở Mỹ và lan sang những nước có quan hệ gần gũi về mặt tài chính với Mỹ như châu Âu.

Thời gian qua, nợ công, nợ nước ngoài của Mỹ tăng rất mạnh. Nợ chính phủ tăng rất mạnh, từ mức tương đương 87% GDP năm 2009 lên 104% GDP (tháng 12/2015). Thâm hụt ngân sách tăng mạnh, tương đương 2,5% GDP. Nợ nước ngoài đã tăng từ mức 5,2 ngàn tỷ USD cuối năm 2014 lên 7,5 ngàn tỷ tính đến tháng 1/2016 (theo Ngân hàng thế giới -WB). Đây chỉ là một nguy cơ thôi, còn để xảy ra khủng hoảng nợ công, nợ nước ngoài phải có nhiều nhân tố đồng thời xảy ra và kích hoạt lẫn nhau.

Trong lịch sử 200 năm gần đây, khủng hoảng nợ công thường diễn ra nhiều nhất ở châu Mỹ La tinh (nhất là Argentina) và nhiều nước Tây Âu phát triển (ví dụ Đức, Áo, Bồ Đào Nha,..). Nguyên nhân khủng hoảng nợ công cao thường do vay nợ quá nhiều (có phần xuất phát từ chủ nghĩa dân túy – populism), trong khi khả năng phục vụ nợ kém, nhất là khả năng giám sát, quản lý nợ công yếu kém.

Tại Mỹ, trong lịch sử và hiện nay các nhân tố này không hiện diện tất cả. Thêm vào đó, Mỹ không có truyền thống bị khủng hoảng nợ/vỡ nợ công, chưa kể đến quốc gia này có đồng USD có quyền đặc hữu của đồng tiền quốc tế - vị thế độc tôn và hỗ trợ đáng kể cho sức chịu đựng nợ công, nợ nước ngoài.

Khả năng xảy ra khủng hoảng ngân hàng Mỹ trong 3-5 năm nữa cũng thấp. Sau khủng hoảng 2008, chính phủ Mỹ đã cải cách khá sâu, rộng hệ thống giám sát tài chính; đặc biệt họ chuyển từ Basel 2 sang Basel 3 với những biện pháp rất đặc thù để giảm rủi ro hệ thống, kể cả hệ thống chuẩn mực kế toán và trong hành xử đối với các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc gia. Bên cạnh đó, tình hình thị trường bất động sản cũng đã tốt lên nhiều, tăng trưởng GDP (theo năm) và việc làm phục hồi ngoạn mục. Lòng tin của nhà đầu tư đã phục hồi rất tốt (chỉ số cổ phiếu hiện nay đã tăng hơn gấp đôi so với lúc xảy ra khủng hoảng 2008).

Phần lớn các chỉ dấu ổn định kinh tế - tài chính của kinh tế Mỹ được cải thiện khá rõ.

Tuy vậy, một số chỉ báo về an toàn vĩ mô vẫn chậm được cải thiện song chưa đáng lo ngại. Ví dụ, theo số liệu của Trading economics, tính đến tháng 3/2016, thâm hụt cán cân vãng lai vẫn tăng (tương đương -2,7% GDP); thâm hụt thương mại của Mỹ ở mức 4,7 tỷ USD. Đáng lưu ý là tăng trưởng (dương) GDP theo quý từ năm 2014- 2015 lại hầu như giảm dần từ đầu năm đến cuối năm và quý 1năm 2016 lại rất thấp. Đây có thể là yếu tố được Rogers đưa ra nhận định về suy thoái kinh tế Mỹ.

Đánh giá chung, phần lớn các chỉ dấu ổn định kinh tế - tài chính của kinh tế Mỹ được cải thiện khá rõ. Do đó, khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế và sa vào khủng hoảng tài chính trong ngắn hạn và trung hạn là thấp. Điều này cũng trùng hợp với nhiều phân tích của nhiều chuyên gia của Wall Street. Tuy vậy, khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tự thân (self-fulfilling crisis) tuy rất thấp, song có thể xảy ra, nhất là khi Chính phủ Mỹ có những “bất cẩn” trong quản lý kinh tế - tài chính vĩ mô. 

PV: - Trong 2 năm qua, kinh tế Nga vô cùng khó khăn do lệnh trừng phạt của các nước phương Tây và giá dầu lao dốc. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Nga đã xác định đây cũng là cơ hội để Nga cải cách, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đặc biệt là trong nông nghiệp, du lịch. Liệu đây có phải là nền tảng để nước Nga có một thị trường ổn định và trở thành một nền kinh tế có triển vọng đầu tư, có thể trụ vững trong tương lai mà không hề bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu?

TS Lê Xuân Sang: - Đối với kinh tế Nga lại có nhiều điểm thú vị khác. Tôi đồng ý với một số nhà phân tích rằng, Nga có rất ít điểm yếu, xét về các chỉ tiêu an toàn tài chính.

 
 

Nga khác rất nhiều nước đang chuyển đổi khác, đó là trong thời gian cấm vận, khủng hoảng tài chính toàn cầu, hầu như tất cả các chỉ số an toàn tài chính vĩ mô lại tốt lên; trong khi đó, các chỉ số tăng trưởng về GDP, việc làm, xuất khẩu, thu ngân sách kém đi. Theo số liệu của IMF, WB và Trading economics, nợ chính phủ/GDP của Nga rất thấp: tính đến tháng 12/2014 chỉ tương đương 18% GDP trong khi Mỹ là 104% GDP. Cán cân thương mại liên tục thặng dư, dao động trong khoảng 7-15 tỷ USD dù bị Mỹ và các nước EU cấm vận. Cán cân vãng lai cũng luôn thặng dư, tương đương 3-10% GDP trong khi những chỉ số này của Mỹ là âm và ngày càng tồi đi.

Thêm vào đó, động thái đáng lưu ý là trong bối cảnh bị cấm vận, luồng vốn vào Nga vẫn thặng dư (ròng vào 17-27 tỷ USD ); trong khi trước đó, ngay sau khi Nga bị áp đặt lệnh cấm vận, luồng vốn này bị chảy ra ngoài mất 43 tỷ USD (tháng 1/2015). Nợ nước ngoài của Nga vào cuối năm 2015 là 732 tỷ USD, lúc tốt nhất là 515 tỷ USD, song chỉ tương đương 1/3-1/4 GDP của Nga. Cần lưu ý rằng Nga là nước “thừa hưởng” gánh nợ nước ngoài khoảng 250-300 tỷ USD lúc Liên Xô sụp đổ, tuy nhiên, đến bây giờ mức nợ của họ tương đối thấp như tôi đã nói.

Dự trữ quốc tế của Nga cũng được cải thiện. Dự trữ vàng của Nga tăng mạnh (1.414 tấn tháng 12/2015); dự trữ ngoại hối được cải thiện đáng kể, tại tháng 3/2016 là 387 tỷ USD. Bên cạnh đó, kiều hối tăng liên tục bổ sung vốn vào, luôn chiếm 4-5 tỷ USD.

Lưu ý là yếu tố có thể dẫn đến rủi ro khủng hoảng ở Nga là khả năng tấn công tiền tệ (đồng RUB) đã qua. Trong khi Trung Quốc mất khoảng 800 tỷ USD để giữ giá đồng Nhân dân tệ thì Nga chỉ hao hụt khoảng 40-50 tỷ USD chủ yếu do họ tăng lãi suất lên để hạn chế lạm phát và bảo vệ đồng RUB và ngăn đào thoát vốn. Hiện dự trữ ngoại hối khá cao, đồng tiền ổn định và đang tăng giá mạnh. Tuy vậy, cái giá phải trả là mức lãi suất huy động vốn khá cao, khiến khả năng phục hồi kinh tế bị hạn chế và có thể tăng nợ từ khu vực doanh nghiệp.

Nông nghiệp, nhân tố mới của Nga, nhờ cấm vận đã được cải thiện khá mạnh, xuất khẩu ngày càng tăng, đóng góp vào GDP năm 2015 tương đương 1/2 công nghiệp khai khoáng và ngày càng tăng, phản ánh năng lực nội sinh của Nga được cải thiện.

Vốn FDI vào Nga gần đây giảm vì cấm vận nhưng không phải quá tồi. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể. Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh (The Ease of doing business Index) đã tăng từ mức xếp hạng là 124 (năm 2010) lên thứ hạng 51 (năm 2015) và tháng 3/2016 đứng vị trí 40. Sáng tạo công nghệ của Nga, đặc biệt công nghệ quân sự được đánh giá ngày càng cao (gần đây đứng thứ 12 thế giới).

Như vậy, xét về hầu hết chỉ số an toàn tài chính quốc gia, hiện kinh tế Nga không đến nỗi quá bi quan như nhận thức của nhiều người. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế, ngân sách của họ khá dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài.

Cấm vận kinh tế từ các đối tác quan trọng nhất (châu Âu, Mỹ) và giá dầu giảm mạnh đã khiến tăng trưởng kinh tế giảm đáng kể (sản xuất dầu thô chiếm 15-16% GDP, trên 50% thu ngân sách và trên 70% kim ngạch xuất khẩu). Chính sách lãi suất cao tuy giúp kiềm chế lạm phát và duy trì dự trữ ngoại hối quốc gia song lại đổ gánh nặng kinh doanh lên khu vực doanh nghiệp, cùng với cấm vận đã khiến khu vực này khó khăn trong sản xuất. Cũng nên lưu ý là, trong bối cảnh cấm vận và giá dầu giảm mạnh, GDP theo quý (tính theo đồng RUB) của Nga đã cải thiện dần từ năm 2015 đến quý 1/2006.

Trong lịch sử vài ba trăm năm lại đây, nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, cùng với tính cách là “hiệp sỹ” của nhiều giới lãnh đạo Nga (“hiệp sỹ” là lời của Joseph Stiglitz  đối với hành động của Putin ở Syria) và “tấm lòng nhân hậu Nga” (lời “tự phong” của Nga) là các nhân tố chính yếu khiến nỗ lực thoát khỏi “lời nguyền tài nguyên”, tái cơ cấu kinh tế bị thất bại và các hành động quốc tế mang thường đặt lợi ích chính trị cao vượt trội lợi ích kinh tế đơn thuần, thậm chí do vậy bị cô lập hoặc cấm vận trên trường quốc tế.

 
 

Việc bị cô lập, cấm vận khiến tăng trưởng kinh tế khó khăn, đóng kín, thường hướng tới tự chủ, tự cung-tự cấp và trì trệ; các trao đổi tri thức, công nghệ, ý tưởng, vốn bị hạn chế. Vòng luẩn quẩn giữa 4 yếu tố: Can dự các cuộc chơi quốc tế lớn - Cấm vận - Nền kinh tế thiếu hiệu quả - Dựa dẫm vào tài nguyên thiên nhiên... đã khiến Nga khó đạt được và trụ vững những ngôi vị hàng đầu về kinh tế. Tình trạng này không chỉ xảy ra từ thời nước Nga Xô viết mà bắt đầu từ khi nước này trở thành cường quốc khu vực mấy trăm năm trước.

Cần lưu ý là “sức mạnh” của đợt cấm vận hiện tại của Mỹ và châu Âu đối với nền kinh tế Nga là không lớn so với các đợt giảm giá dầu trước đây. Nếu vào thời kỳ khủng hoảng dầu hỏa những năm 1970, Nga/Liên Xô gần như bị cô lập với các nước tư bản/kinh tế thị trường; trong khi đó, nền kinh tế kế hoạch tập trung nước này lúc đó đã không còn hiệu quả trong khi phải “cõng” các nước đồng minh yếu kém, kể cả Trung Quốc.

Khoảng 2 năm trở lại đây, Nga cũng bị cô lập, bị “đánh hội đồng” nhưng vị thế Nga đã khác: Nga là nền kinh tế thị trường và mở với thu nhập của người dân Nga vào dạng giữa nước thu nhập trung bình cao và nước thu nhập cao (tùy vào từng năm), và có các đối tác kinh tế mạnh, nhất là các nước BRICS, nhất là Trung Quốc. Việt Nam thời nay là đối tác kinh tế quan trọng có thể hỗ trợ Nga trong việc đa dạng hóa thị trường, vượt qua cấm vận.

Đợt cấm vận này cũng khác với thời khắc 1998, khi Nga tuyên bố vỡ nợ bởi lúc đó dầu giảm quá sâu (8 USD/thùng), nền kinh tế  vốn ốm yếu vừa thoát ra khỏi đống vỡ vụn sụp đổ của Liên Xô và phải trả nợ của Liên Xô, trong khi lại xóa nợ cho nhiều nước khối xã hội chủ nghĩa khác. Từ năm 2000, nền kinh tế Nga đã tiếp tục vận hành theo cơ chế thị trường, cùng với giá dầu tăng trong hơn một thập niên đã giúp nền kinh tế và sức mạnh ngân sách Nga hồi phục mạnh.

Trong tương lại 3-5 năm tới, khả năng Nga sa vào khủng hoảng tài chính hoặc lâm sâu hơn vào suy thoái  kinh tế không phải là cao nếu xét theo tình hình cấm vận và xu thế sản xuất - giá dầu hiện nay. Tuy thế,  khủng hoảng tự thân, như nhiều nước khác là vẫn có thể xảy ra, nhất là khi lòng tin kinh tế, chính trị sụt giảm mạnh bất chấp tình hình kinh tế.

Kịch bản có khả năng lớn nhất là tình hình chính trị quốc tế vẫn “cò cưa” như bây giờ, khi đó, cấm vận tuy có được nới lỏng hoặc giảm tác dụng song nền kinh tế Nga vẫn khó cất cánh và tiếp tục trì trệ. Tuy vậy, do hầu hết chỉ số an toàn tài chính của Nga đã cải thiện gần đây nếu sau này xấu đi thì cũng khó mà  dẫn tới khủng hoảng tài chính ở nước này, ngoại trừ có biến cố chính trị lớn đối với nước Nga.

PV: - Nhân tố Trung Quốc vẫn luôn được nhắc tới như là cường quốc duy nhất có thể thay thế vị trí của Mỹ. Nếu xảy ra kịch bản kinh tế Mỹ suy thoái mạnh, liệu Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội như thế nào? Nga sẽ đứng ở đâu trong cuộc tranh hùng giữa các cường quốc này?

TS Lê Xuân Sang: - Trước khi Trung Quốc gặp khó khăn, nhất là trước khi họ thực hiện tự do hóa giao dịch đồng Nhân dân tệ, mọi yếu tố của Trung Quốc đều tương đối tốt và có nhiều dự báo rằng, trong giai đoạn 2025-2030, GDP Trung Quốc sẽ vượt Mỹ. Tuy nhiên, gần đây mô hình kinh tế của Trung Quốc gặp khó khăn, khó khăn ấy cùng với những nóng vội tự do hóa tài chính ra bên ngoài (quốc tế hóa Nhân dân tệ) trong bối cảnh trong nước và quốc tế nhiều bất trắc khiến tình hình kinh tế của Trung Quốc nan giải hơn rất nhiều.

Một động lực tăng trưởng rất tốt của Trung Quốc là Mỹ, do đó, nếu Mỹ khó khăn thì Trung Quốc cũng khó khăn. Tuy nhiên, lâu nay, Trung Quốc luôn tận dụng rất tốt thời cơ, xác định trong “nguy” có “cơ”, kể cả trong cuộc chơi với Nga-Mỹ. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn Mỹ khủng hoảng, châu Âu khó khăn, Bắc Kinh đã tận dụng cơ hội rất tốt bằng cách chiếm lĩnh thị trường, M&A,...

Đối với Nga, từ thế kỷ 17 đến giờ luôn trong top 10-15, có lúc khá hơn xét về sức mạnh kinh tế (GDP/GNP). Trước khủng hoảng, từng có những dự báo Nga sẽ từ vị trí  11 lọt vào top 5-6  đến năm 2030-2035; tuy vậy, thời gian tới dự báo rất khó. Thu nhập đầu người Nga gần đây (2015) gấp đôi Trung Quốc song chỉ bằng 1/6 của Mỹ, trong khi dân số chỉ bằng 1/10 của Trung Quốc và gần 1/2 của Mỹ.

 
 

Dù sao Nga vẫn có những ưu thế mới trong tương lai, trước mắt là tài nguyên. Trong thế giới ngày càng chật chội, thiếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thế mạnh cũ của họ lại được phát huy trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu. Trái đất nóng lên giúp việc khai khoáng, đánh bắt thủy sản thuận lợi hơn (kể cả trong lãnh thổ hiện hữu và Bắc cực); đồng thời, nó giúp nông nghiệp Nga phát triển, mở rộng diện tích, thời vụ gieo trồng. Riêng các yếu tố như tính năng động, cạnh tranh, sáng tạo công nghệ...  rất khó nói vì chúng phụ thuộc nhiều vào ý chí chính trị của Nga, cách hành xử đổi với các vấn đề khu vực, toàn cầu; nỗ lực thoát “lời nguyền tài nguyên”, cách tham gia vào các điểm nóng khu vực và toàn cầu; cục diện chính trị, và nhiều yếu tố khác trong thời gian tới.