HỘI THẢO KHOA HỌC “GIẢI PHÁP HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG TRONG SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP” (13/06/2022)

17/06/2022 10:57:46 SA

Chiều ngày 13 tháng 06 năm 2022, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp”. Hội thảo nhằm mục tiêu chia sẻ thông tin, đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn, hướng đến phát triển bền vững ngành năng lượng.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có ThS. Lê Xuân Thịnh – Giám đốc Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam; Ông Đỗ Văn Sáng – Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội; Ông Nguyễn Xuân Nhanh – Đại diện CTCP chăn nuôi C.P. Việt Nam. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng cùng các cán bộ của Viện. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ các cơ quan nghiên cứu, hiệp hội và các doanh nghiệp.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Trình bày tham luận với chủ đề “Tiêu thụ năng lượng trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Hòa, Viện Kinh tế Việt Nam đã cung cấp bức tranh tiêu thụ năng lượng tại Việt Nam nói chung và trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói riêng. Từ đó, đưa ra các giải pháp ở cấp vĩ mô, như: tái cấu trúc ngành công nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vận hành theo cơ chế thị trường đối với các loại năng lượng; và các giải pháp ở cấp độ vi mô tại doanh nghiệp bao gồm: xây dựng chính sách năng lượng rõ ràng và thông báo đến người lao động, xây dựng các khoá đào tạo nội bộ, đẩy mạnh và linh hoạt trong công tác đào tạo người quản lý năng lượng…

(TS. Nguyễn Đình Hòa trình bày tại Hội thảo)

Trong tham luận “Áp dụng các giải pháp Hiệu quả tài nguyên – Sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả thúc đẩy phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam”, ThS. Lê Xuân Thịnh đã trình bày về hiện trạng sản xuất và sử dụng năng lượng trong ngành dệt may Việt Nam; Các chiến lược ngăn ngừa ô nhiễm; Thông tin sơ bộ cách tiếp cận mới trong nền kinh tế tuần hoàn Việt Nam; Sử dụng năng lượng hiệu quả; Cộng sinh công nghiệp. Theo đó, diễn giả đưa ra kết luận, nền kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của thế giới phát triển giúp ngăn ngừa ô nhiễm và phát triển bền vững; Phát triển khu công nghiệp sinh thái hiện đang có những thuận lợi: chính sách Nhà nước, nhận thức của con người,… nhưng bên cạnh đó cũng có những khó khăn: rào cản pháp lý, nguồn vốn đầu tư, mô hình trình diễn,…

(ThS. Lê Xuân Thịnh trình bày tại Hội thảo)

Ông Đỗ Văn Sáng trình bày tham luận với chủ đề “Phát triển mô hình sử dụng năng lượng xanh thành phố Hà Nội”. Theo diễn giả, các rào cản khi thực hiện tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp là thiếu đơn vị tư vấn đủ năng lực để tư vấn triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng một cách thiết thực, hiệu quả; thiếu nguồn vốn thực hiện các dự án, giải pháp tiết kiệm năng lượng. Từ đó, các giải pháp thúc đẩy tiết kiệm năng lượng tại doanh nghiệp được đưa ra gồm nâng cao năng lực tư vấn tiết kiệm năng lượng cho các địa phương để tư vấn triển khai tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp một cách hiệu quả; tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và các giải pháp tài chính cho doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng (Dự án VSUEE,…).

(Ông Đỗ Văn Sáng trình bày tại Hội thảo)

Các kết quả triển khai giải pháp tiết kiệm năng lượng tại chi nhánh Công ty C.P. Việt Nam được ông Nguyễn Xuân Nhanh trình bày chi tiết trong tham luận “Báo cáo kết quả triển khai giải pháp tiết kiệm năng lượng tại chi nhánh Công ty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam - Nhà máy chế biến sản phẩm thịt Hà Nội”. Đánh giá ban đầu, C.P. Việt Nam đã ứng dụng được công nghệ mới (G-Hex, thu hồi nhiệt từ nước thải của dây truyền giết mổ gà) và việc ứng dụng công nghệ G-Hex giúp C.P tiết kiệm 110.763 MWh điện/năm; giảm 91 tấn CO2 thải ra trong quá trình sản xuất cũng như sẽ giúp thu hồi vốn nhanh hơn trong tương lai.

(Ông Nguyễn Xuân Nhanh trình bày tại Hội thảo)

Trong tham luận “Một số giải pháp về công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực để tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp” ông Trần Xuân Phượng có quan điểm có thể chia giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng thành nhóm: nhóm các giải pháp tiết kiệm năng lượng thuộc về công nghệ; nhóm giải pháp thuộc về thể chế, chính sách. Trong các nhóm giải pháp nêu trên cần coi công nghệ là then chốt, đổi mới sáng tạo là động lực, quản lý và nguồn nhân lực là yếu tố quyết định đến giải pháp tiết kiệm năng lượng trong doang nghiệp.

(Ông Trần Xuân Phượng trình bày tại Hội thảo)

Hội thảo bước sang phần trao đổi, thảo luận.

TS. Hà Huy Ngọc cho rằng câu chuyện về tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi năng lượng thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo vẫn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bởi dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp còn lạc hậu. Vì vậy, cần triển khai những chính sách cụ thể để thực hiện tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Để trả lời cho câu hỏi của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn: “Hiện nay, thách thức lớn nhất để các doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp là gì?”. Các diễn giả đều thống nhất, thách thức lớn nhất trong việc tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp là: (i) Thiếu các chương trình giáo dục ý thức về tiết kiệm năng lượng; (ii) Cam kết của người đứng đầu trong doanh nghiệp; (iii) Nguồn lực con người, công nghệ, vốn.

Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những đóng góp, định hướng thực hiện tiết kiệm năng lượng trong doanh nghiệp và các giải pháp về cả công nghệ, quản trị, con người,… nhằm thúc đẩy cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp.

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Thực hiện: Việt Hà