HỘI THẢO “XU HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY TIÊU DÙNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI” (16/12/2021)

28/12/2021 6:02:41 CH

Chiều ngày 16 tháng 12 năm 2021, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Báo Công thương tổ chức Hội thảo với chủ đề “Xu hướng và giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trong tinh hình mới”.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; TS. Hoàng Thị Bảo Thoa – Giám đốc Đào tạo và phát triển chương trình, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số; Ông Ôn Như Bình – Giám đốc Kinh doanh và Chiến lược VNPAY; PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng, cùng các cán bộ của Viện. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ một số cơ quan nghiên cứu và các tổ chức khác.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết hội thảo nhằm mục đích đóng góp những ý kiến về đánh giá thực trạng và chính sách kích cầu tiêu dùng của Việt Nam, cũng như kinh nghiệm về kích cầu tiêu dùng nội địa của một số quốc gia, nhằm có những khuyến nghị chính sách cho Ban chỉ đạo xây dựng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế xã hội 2022-2023.

Mở đầu hội thảo, TS. Võ Trí Thành đã trình bày chi tiết về bức trang tiêu dùng 11 tháng của năm 2021, cụ thể tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước cụ thể là giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, các ngành chịu tác động tiêu cực mạnh nhất từ các đợt đại dịch gồm dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn và những ngành dịch vụ khác - những ngành về bản chất cần tiếp xúc giữa người với người; bên cạnh đó diễn giả trình bày về những tác động của các biện pháp giãn cách xã hội đến chuỗi cung ứng; cuối cùng là đưa ra một số kiến nghị nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa trong tham luận “Kích cầu tiêu dùng nội địa trong bối cảnh phục hồi kinh tế”.

(TS. Võ Trí Thành trình bày tại Hội thảo)

TS. Hoàng Thị Bảo Thoa trình bày tham luận với chủ đề “Đổi mới sản phẩm đáp ứng hành vi khách hàng trong thời đại số”. Theo đó diễn giả đề cập đến bối cảnh và thách thức trong thời đại số; hành vi khách hàng trong thời đại số và đổi mới sáng tạo đáp ứng hành vi khách hàng trong thời đại số với trường hợp nghiên cứu cụ thể, điển hình là công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông.

(TS. Hoàng Thị Bảo Thoa  trình bày tại Hội thảo)

Trong tham luận “Công cụ và giải pháp thanh toán số thích ứng với Covid-19 tại Việt Nam”, diễn giả Ôn Như Bình giới thiệu về công cụ thanh toán số VNPAY trong đại dịch Covid-19; chủ trương thanh toán không tiền mặt; xu hướng công nghệ thanh toán, công cụ và giải pháp thanh toán không tiền mặt của VNPAY và use-case ứng dụng thanh toán trong bán lẻ.

(Ông Ôn Như Bình trình bày tại Hội thảo)

Cuối cùng là bài tham luận về “Xu hướng Marketing xanh trong phân phối và tiêu dùng ở Việt Nam” của TS. Hà Huy Ngọc. Diễn giả cung cấp khái niệm về Marketing xanh; kinh nghiệm quốc tế về ứng dụng marketing xanh và bài học kinh nghiệm đối với ngành bán lẻ của Việt Nam; ứng dụng marketing xanh trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Từ đó tác giả đưa ra những định hướng áp dụng marketing xanh tại các cơ sở bán lẻ theo quy trình bảy bước bao gồm: (i) Xác định mục đích và phạm vi chương trình; (ii) Xác định khách hàng và nghiên cứu hành vi khách hàng; (iii) Nghiên cứu và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động marketing xanh; (iv) Xác định mục tiêu và định hướng của chương trình; (v) Xây dựng chương trình hành động; (vi) Tổ chức thực hiện và điều chỉnh hoạt động; (vii) Đánh giá hiệu quả.

(TS. Hà Huy Ngọc trình bày tại Hội thảo)

Trong phần trao đổi thảo luận, PGS.TS. Trần Đình Thiên đưa ra những nhận xét, quan điểm về các chương trình phục hồi kinh tế; gói hỗ trợ kích cầu tiêu dùng và những gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ trong bối cảnh sau cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Ngoài ra, PGS.TS Trần Đình Thiên cũng đóng góp một số quan điểm về bối cảnh, vấn đề lạm phát, nguồn vốn cho chính sách tại Việt Nam  trong tình hình hiện nay.

(PGS.TS. Trần Đình Thiên phát biểu ý kiến tại Hội thảo)

TS. Vũ Quốc Huy đặt ra câu hỏi về chiến lược đổi mới sáng tạo với trường hợp công ty Rạng Đông. Những vấn đề về vướng mắc về mặt thể chế chính sách cần giải quyết để có thể phát triển tốt hơn với trường hợp thanh toán VNPAY. Bên cạnh đó, TS. Vũ Quốc Huy cũng đề cập đến bất cập liên quan đến các gói cứu trợ, kích thích tiêu dùng của Nhà nước trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

(TS. Vũ Quốc Huy góp ý kiến cho Hội thảo)

TS. Lê Xuân Sang có những ý kiến về hành vi đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong 2 năm gần đây trong bối cảnh Covid-19. Cần thảo luận và trả lời ba câu hỏi lớn: (i) Tính cần thiết khi kích thích tiêu dùng ở Việt Nam; (ii) Nên kích thích vào những nhóm hàng hóa nào để bảo đảm thúc đẩy tăng trưởng không gây lạm phát; (iii) Kích thích như thế nào để tìm ra biện pháp kích thích tiêu dùng hiệu quả.

(TS. Lê Xuân Sang góp ý kiến cho Hội thảo)

Trong phần bế mạc, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn tổng kết hội thảo đã đưa ra những định hướng và cập nhập về tiêu dùng cũng như những đề xuất giải pháp kích thích tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay đó là bối cảnh chuyển đổi số, xanh hóa sản xuất tiêu dùng, Covid- 19. Bên cạnh đó hội thảo cũng đưa ra những cơ hội thách thức và những đề xuất giải pháp phù hợp cho Việt Nam trong việc thúc đẩy tiêu dùng trong thời gian tới. Cuối cùng, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những đóng góp ý kiến đóng góp cho Hội thảo.

Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp.

Thực hiện: Việt Hà