Tài chính khí hậu: Ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn mới
04/03/2021 4:04:25 CH
Tài chính khí hậu: Ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn mới
Hơn bao giờ hết, tài chính khí hậu đang đứng trước cơ hội phát triển mới, đặc biệt sau khi Hoa Kỳ tham gia trở lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nhiều dự đoán lạc quan về một tương lai không xa khi thuật ngữ “tài chính khí hậu” trở nên phổ biến đến mức nói đến “tài chính” là nói đến ‘tài chính khí hậu”, cũng thuật ngữ “năng lượng thay thế” sẽ được hiểu đơn giản là “năng lượng”[1]. Các nguồn tài chính khí hậu sẽ được đa dạng hóa, không chỉ từ ngân sách đầu tư công mà có thể từ các quỹ, các nhà đầu tư tư nhân và xa hơn nữa có thể là từ các khoản thu từ tiền thuế, tiền phạt, v.v... Tổ chức Quốc tế về Ủy ban Chứng khoán (International Organization of Securities Commissions – IOSCO) – tập hợp các cơ quan quản lý từ khắp nơi trên thế giới, gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản và Châu Âu – đang tham gia vào các nỗ lực nhằm phối hợp chặt chẽ hơn trong việc thúc đẩy tài chính khí hậu. IOSCO đưa ra nhận định: “Các tổ chức quốc tế, các chính phủ và khu vực tư nhân giờ không có lựa chọn thực sự nào khác ngoài việc cùng tham gia. Nếu không, họ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau”. [2]
Chính tác động của biến đổi khí hậu đến cơ sở hạ tầng, kinh tế, hệ thống tài chính và mức tăng thiệt hại khủng khiếp trong thời gian gần đây đã thúc đẩy nhanh chóng các ý tưởng về tài chính khí hậu. Trong hai thập kỷ qua, hơn 11 nghìn biến cố thiên tai liên quan đến thời tiết cực đoan đã làm 475.000 người chết và thiệt hại tới 2,56 nghìn tỷ đô la Mỹ. [3] Báo cáo Khoảng cách thích ứng (2020) của UNEP đã ghi nhận năm 2020 là một trong những năm nóng kỷ lục với hàng loạt hiện tượng khí hậu cực đoan đã tác động đến khoảng 50 triệu dân trên toàn cầu [4]. Trong Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tác động của biến đổi khí hậu được xếp ở vị trí thứ hai trong số các rủi ro đáng chú ý liên quan đến “thời tiết cực đoan”, “thất bại trong hành động khí hậu” và “thiệt hại về môi trường do con người gây ra” [5].
Với tác động ngày càng tăng của khí hậu và mức độ dễ bị tổn thương, chi phí hàng năm cho thích ứng biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển ước tính lên tới 140-300 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 và 280-500 tỷ đô la Mỹ vào năm 2050 [6]. Tại Hội nghị thượng đỉnh Tham vọng khí hậu [7] (Climate Ambition Summit), các nhà lãnh đạo toàn cầu thống nhất cần tập trung nhiều hơn vào các hoạt động thích ứng và khả năng phục hồi, đồng thời đề xuất 50% tổng nguồn lực từ nhóm hỗ trợ tài chính khí hậu cho hai lĩnh vực quan trọng này.
Hoa Kỳ trong nỗ lực thúc đẩy tài chính khí hậu
Là một trong những nước phát thải khí nhà kính lớn nhất [8], nhưng Hoa Kỳ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối chia sẻ trách nhiệm ứng phó biến đổi khí hậu, đơn phương rút khỏi cam kết Thỏa thuận Paris, xóa bỏ mọi nỗ lực trước đó của cựu Tổng thống Obama [9]. Theo thống kê của Trung tâm Thông tin Môi trường quốc gia Mỹ (NOAA), trong 5 năm 2010-2015, quốc gia này đã chịu thiệt hại hơn 300 tỷ đô la Mỹ và hơn 1500 người chết do các sự kiện liên quan đến khí hậu và thời tiết [10]. Cũng trong giai đoạn này, Chính quyền Obama đã chi tổng cộng hơn 15 tỷ đô la Mỹ [11] cho các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu bao gồm thích ứng, năng lượng sạch và cảnh quan bền vững. Theo đó, tài chính khí hậu của Hoa Kỳ dành cho các nước đang phát triển đã tăng gấp bốn lần từ kể từ Hội nghị các bên (COP) vào tháng 12 năm 2009 tại Copenhagen [12]. Tuy nhiên, nếu tính bình quân cho giai đoạn 2010-2015, chi phí tài chính cho ứng phó khí hậu của Hoa Kỳ chỉ khoảng 2,5 tỷ đô la Mỹ, tương đương 0,07% ngân sách liên bang hàng năm [13], một con số vẫn còn khiêm tốn so với mức thiệt hại do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra ở nước này. Mọi việc trở nên tồi tệ hơn khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền từ năm 2017. Ông chủ Nhà trắng khi đó đã cắt giảm nguồn tài chính cho “các chương trình biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc” [14]; xóa các bài báo đề cập đến nội dung biến đổi khí hậu khỏi trang web của Nhà Trắng chỉ trong vòng vài phút sau lễ nhậm chức [15]’. Các báo cáo chi tiết về tài chính khí hậu cũng đã bị xóa khỏi trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ [16].
Các nguồn tài chính khí hậu của Hoa Kỳ (2010-2015, triệu đô la Mỹ)
Nguồn |
2010 |
2011 |
2012 |
2013 |
2014 |
2015 |
Tổng cộng |
Quốc hội phê duyệt |
1.588 |
1.884 |
1.262 |
1.204 |
1.261 |
1.496 |
8.694 |
Tài chính phát triển |
155 |
1.115 |
722 |
1.264 |
1.358 |
1.028 |
5.642 |
Tín dụng xuất khẩu |
253 |
195 |
301 |
228 |
151 |
106 |
1.234 |
Tổng cộng |
1.996 |
3.194 |
2.285 |
2.696 |
2.770 |
2.630 |
15.570 |
Nguồn: Tổng quan về Sáng kiến Biến đổi Khí hậu Toàn cầu
Tài chính Khí hậu Hoa Kỳ 2010–2015 [17]
Lịch sử tài chính khí hậu sẽ bước sang trang mới sau khi tân Tổng thống Joe Biden khẳng định và chính thức ký cam kết theo Thỏa thuận Paris vào ngày 19/2/2021 [18]. Có vẻ như ông Biden không chỉ muốn bắt kịp mà còn muốn dẫn đầu trong cuộc đua tài chính khí hậu [19] thông qua việc đưa biến đổi khí hậu vào trung tâm của chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia. Hành động này của ông được cho là vì lợi ích của chính nước Mĩ cũng như của những quốc gia khác [20]. Ngay từ những ngày đầu năm 2021, Ông Joe Biden đã liên tiếp thực hiện các hoạt động [21] nhằm củng cố mục tiêu hành động khí hậu mà ông đã khởi xướng từ năm 1986 (tuy nhiên đã không được thực hiện bởi các nhà lãnh đạo thời đó). Trong các cuộc điện đàm, thảo luận về phát triển hợp tác với Nga, Ấn Độ và Trung Quốc gần đây, Tổng thống Joe Biden đều đề cập đến các ưu tiên liên quan về ứng phó biến đổi khí hậu bao gồm năng lượng, tài chính khí hậu, và di cư khí hậu. Nội dung về tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được Tổng thống đưa ra bàn luận trong phiên họp trực tuyến ngày 19/2/2021 với các lãnh đạo nhóm G7 (tin từ Nhà Trắng hôm 14/2).
Về mặt đối nội, Tổng thống Joe Biden đã giao trách nhiệm cho đặc phái viên về Khí hậu John Kerry, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Ngoại trưởng Antony Blinken xây dựng bản "Kế hoạch tài chính khí hậu" (Climate Finance Plan [22]). Bản kế hoạch này nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển cắt giảm lượng khí thải nhà kính và tăng cường năng lực ứng phó với những ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Cũng trong tháng 2/2021, Tổng thống Joe Biden đã thông qua một sắc lệnh về việc xây dựng báo cáo "Biến đổi khí hậu và tác động đến di cư". Báo cáo này sẽ đánh giá các tác động của nắng nóng, hạn hán và các hậu quả khác của tình trạng ấm lên toàn cầu gây ra buộc người dân phải di cư.
Kỳ vọng về thay đổi chính sách của chính quyền Hoa Kỳ trong thời gian tới
Việc Hoa Kỳ tái gia nhập Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu đặt ra kỳ vọng về những nỗ lực toàn cầu nhằm đối mặt với các thách thức hiện tại và xây dựng tương lai phát triển bền vững. Tài chính khí hậu trong bối cảnh đó sẽ có cơ hội phát triển hơn, đáp ứng nhu cầu tài chính trước các thách thức của BĐKH. Kỳ vọng đó có trở thành hiện thực hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những bước tiếp theo. Joe Thwaites, thuộc Trung tâm Tài chính Bền vững, Viện Tài nguyên Thế giới (World Resources Institute-WRI), thông qua việc phân tích gói chi tiêu cho năm tài chính 2021 được Quốc hội Hoa Kỳ phê duyệt vào tháng 12 năm 2020 [23], đã gợi ý 4 ưu tiên [24] cho hệ thống vận hành tài chính khí hậu của Hoa Kỳ, bao gồm:
(1) Thực hiện cam kết của Hoa Kỳ đối với Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund-GCF);
(2) Đóng góp cho các thể chế khí hậu đa phương khác như Quỹ Thích ứng (Adaptation Fund-AF), Quỹ các nước kém phát triển (Least Developed Countries Fund), Quỹ Cơ sở Môi trường Toàn cầu (Global Environment Facility Fund), Quỹ đa phương theo Nghị định thư Montreal (Montreal Protocol Multilateral Fund), và khôi phục toàn bộ tài trợ cho Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (Intergovernmental Panel on Climate Change – IPCC) và Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change – UNFCCC);
(3) Lồng ghép khí hậu trong toàn bộ nguồn vốn phát triển;
(4) Thúc đẩy các ngân hàng phát triển phù hợp với Thỏa thuận Paris.
Tống Thị Mỹ Thi
Vũ Quốc Huy
Vũ Ngọc Quyên
Viện Kinh tế Việt Nam