Ba kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021
20/01/2021 5:57:40 CH
Sáng 19/1, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo công bố “Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo”.
Toàn cảnh hội thảo
Theo đó, báo cáo nhận định, mặc dù dịch bệnh COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng những dấu hiệu tích cực đang dần sáng rõ.
Vaccine phòng ngừa COVID-19 bắt đầu được tiêm phòng tại một số quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thụy sỹ và sẽ mở rộng ra nhiều quốc gia khác trong năm 2021. Gói hỗ trợ nền kinh tế cũng đang được nhiều nước lớn triển khai và sẽ có tác động trong năm 2021. Vì thế, nền kinh tế thế giới sẽ ấm dần lên, kéo theo đó hoạt động đầu tư, thương mại của nền kinh tế nước ta.
TS. Lý Đại Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, theo mô hình dự báo của Viện Kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự báo đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp).
TS. Lý Đại Hùng trình bày tại hội thảo
Khả năng đạt được mỗi kịch bản trong thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Các dự báo của tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra sẽ đạt được chỉ trong kịch bản cao khi mà kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI.
Về đáng giá nền kinh tế Việt Nam và thế giới trong năm 2020, TS. Phạm Sỹ An, Trưởng phòng Kinh tế vĩ mô và thể chế kinh tế (Viện Kinh tế Việt Nam) cho hay, Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2020 đã nhấn mạnh đến cú sốc COVID-19 và kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt “mục tiêu kép”.
TS. Phạm Sỹ An trình bày tại hội thảo
Cụ thể, năm 2020, nền kinh tế thế giới bị phủ bóng bởi đại dịch COVID-19, đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020, làm cho tăng trưởng ở mức âm, -3%. Hầu hết các nền kinh tế lớn – ngoại trừ Trung Quốc - có tốc độ tăng trưởng âm: Mỹ: -5,9%; Anh: -6,5%; EU: -7,5%.
Tuy nhiên, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Mặc dù, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 đạt 2,91%, thấp nhất kể từ sau Đổi mới năm 1986 nhưng tốc độ tăng trưởng có sự phục hồi ấn tượng sau khi sụt giảm vào quý II/2020 và ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.
Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2020 chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 có tác động khác nhau theo nhóm ngành. Những ngành có sự tiếp xúc giữa người với người lớn – ngoại trừ các ngành sản xuất vật tư, thiết bị y tế phòng chống, chữa bệnh - có tăng trưởng GDP giảm mạnh, nặng nhất là dịch vụ, đặc biệt là du lịch, vận tải, nhà hàng...
Trong khi đó các ngành kinh tế phi tiếp xúc (14 ngành, hầu hết các ngành các ngành kinh tế số) chịu tác động tích cực mạnh nhất, nhất là giáo dục từ xa, thanh toán điện tử,… và các ngành có đầu vào là sản phẩm từ dầu/khí (nhựa, ure, cao su) ); những tác động đa chiều này thúc đẩy tái cơ cấu/chuyển dịch cơ cấu cũng như cắt giảm chi phí kinh doanh và thay đổi quản trị doanh nghiệp các ngành.
TS. Lê Xuân Sang trình bày tại hội thảo
"Tác động đối với lĩnh vực tài chính-ngân hàng mang tính đa chiều, nhìn chung tích cực, nhất là thị trường chứng khoán do tăng giao dịch và số lượng nhà đầu tư; tuy nhiên, hạn chế ở Việt Nam là sự bùng nổ giá chứng khoán, lợi nhuận công ty chứng khoán không kéo theo số lượng/giá trị IPO mới hay cổ phần hóa. Đây là điểm bất cập và khác biệt của Việt Nam.
Các công ty bảo hiểm Việt Nam cũng tăng lợi nhuận do ít trường hợp tử vong trong khi lo ngại COVID-19 tăng. Các ngân hàng tuy biên lợi nhuận giảm song vẫn tăng lợi nhuận; tuy nhiên, rủi ro nợ xấu tăng. Cả ba dạng tổ chức tài chính này đều hưởng lợi từ giá chứng khoán nắm giữ tăng mạnh”, Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2020 chỉ ra.
Ngoài ra, tác động đối với lao động/nhân lực theo lĩnh vực hoạt động và kỹ năng là khác nhau. Dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến người lao động đang làm việc trong hầu hết các ngành, trong đó một số ngành có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng lớn nhất là ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống (81,7%), vận tải kho bãi, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ,..
Trình độ chuyên môn kỹ thuật càng cao, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm càng thấp. Lao động mất việc sụt giảm mạnh nhất ở những ngành dịch vụ có liên quan tới du lịch quốc tế, bao gồm ngành vận tải hàng không và ngành du lịch; ngành dịch vụ lưu trú giảm 29,9%; ngành hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí,…
Tuy nhiên, Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2020 cũng cho rằng mặc dù có nhiều ngành bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19 song cũng có nhiều nhóm ngành được hưởng lợi. Đây là điểm rất khác biệt với nền kinh tế khi bị khủng hoảng tài chính, khi hầu hết các ngành bị ảnh hưởng, hoặc có ít ngành hưởng lợi hơn.
Nói chung, COVID-19 đặt nền kinh tế nước ta dưới nhiều thách thức, nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội to lớn trong thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi số.
Xu hướng chuyển đổi số trong nền kinh tế đã bắt đầu từ mấy năm gần đây (trong đó có sự ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ đông tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư), nhưng COVID-19 xuất hiện đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn khi các làn sóng dịch bệnh buộc Chính phủ phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu thông qua ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) năm 2019, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) năm 2020. Các hiệp định này dự kiến sẽ góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới…./.
Nguồn: https://bnews.vn/ba-kich-ban-cho-tang-truong-kinh-te-viet-nam-nam-2021/184206.html
Các tin liên quan
- Diễn đàn khoa học “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới” (17/10/2024 1:58:23 CH)
- Hội thảo khoa học “Hà Tĩnh chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh để phát triển bền vững, thịnh vượng và an toàn trong bối cảnh mới” (12/08/2024 9:03:00 SA)
- Hội thảo khoa học “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện” (12/08/2024 8:56:51 SA)
- Hội thảo khoa học “Mối quan hệ giữa Toàn cầu hóa và Cục diện thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (25/07/2024 12:29:07 CH)
- Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: xu hướng định hình kinh tế xanh (08/01/2024 11:08:00 SA)
- Hội thảo “Xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu” (08/01/2024 11:04:13 SA)
- Hội thảo khoa học “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: Xu hướng định hình tương lai xanh” (08/01/2024 10:55:43 SA)
- Hội thảo quốc tế “Quan hệ hữu nghị Việt-Lào: Thúc đẩy hợp tác song phương, chia sẻ kinh nghiệm ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng” (04/12/2023 4:54:44 CH)
- Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam 2023 (07/11/2023 8:32:18 SA)