Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam 2023

07/11/2023 8:32:18 SA

Để triển khai thực hiện các chủ trương và chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sáng ngày 03/11/2023, tại Khách sạn Hà Nội Daewoo (số 360 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội), Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Khoa học với chủ đề “Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023”. Chương trình có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tham dự Diễn đàn về phía bộ/ngành Trung ương có các đại biểu: Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Bà Phạm Thị Thinh - Phó Giám đốc, Phó Tổng biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; GS.TS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách, Uỷ ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu; PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Về phía Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy Viện Hàn lâmKHXH Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâmKHXH Việt Nam; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS.Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Tham dự Diễn đàn còn có khoảng 300 đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, bộ/ngành, các cơ quan Trung ương như Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp Chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, các hiệp hội doanh nghiệp, các ngân hàng, doanh nghiệp.

Đến dự và đưa tin về Diễn đàn còn có hơn 50 phóng viên, nhà báo của Đài truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Hà Nội các hãng thông tấn, báo chí.

Chủ trì Diễn đàn có các đồng chí: PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; GS.TS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách, Uỷ ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu; PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

 

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Diễn đàn

Trên thế giới hiện nay chuyển đổi xanh đang trở thành một xu hướng khách quan và trở thành là ưu tiên trong lựa chọn định hướng phát triển của nhiều quốc gia. Ở Việt Nam Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 02 Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh cho hai giai đoạn 2011-2020 và 2021-2030 và các Kế hoạch hành động thực hiện hai Chiến lược này về Tăng trưởng xanh. Chính phủ cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là một trong những phương thức quan trọng để phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh hiện đang là yêu cầu, xu thế được nhiều quốc gia thực hiện.

Đối với Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định trong Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được Đảng đề ra trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tăng trưởng xanh ở nước ta hướng đến mục tiêu bao trùm là góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Đó là chủ trương và định hướng rõ ràng, chính thức và cũng đã được cụ thể hóa, và là khung khổ pháp lý và thể chế quan trọng cho chuyển đổi xanh ở Việt Nam.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh cho biết, sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và 2 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, tuy nhiên, trong thực hiện tăng trưởng xanh cũng có nhiều khó khăn phải giải quyết. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra định hướng chung và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Chiến lược cũng đề ra các giải pháp lớn cần tập trung thực hiện về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; về truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức; về phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh; về huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh; về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; về hội nhập và hợp tác quốc tế; về bình đẳng trong chuyển đổi xanh; về huy động sự tham gia các bên liên quan...

Phó Chủ tịch mong muốn và gợi ý Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề về: (i) Nhận diện thực trạng, những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức và nguyên nhân trong thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; (2) Những cơ hội trong thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; (3) Những giải pháp, kiến nghị để triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu đề dẫn

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu đề dẫn

Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ đem lại cho chúng ta lợi ích to lớn và lâu dài. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này chắc chắn chúng ta sẽ phải đánh đổi.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề cập đến hai khía cạnh là nguồn lực tài chính và nguồn lực con người để triển khai thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, để đạt được các mục tiêu trong chiến lược tăng trưởng xanh trong khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và đặc biệt chúng ta cũng phải ứng phó với rất nhiều vấn đề của khu vực và toàn cầu.Thứ trưởng cho biết thêm, thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc động nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Cụ thể, chúng ta đã có ban hành 2 chiến lược tăng trưởng xanh và ban hành kế hoạch hành động thực hiện tăng trưởng xanh. Việt Nam cũng đã xây dựng khuôn khổ pháp lý, thể chế để tạo điều kiện khuyến khích phát triển tăng trưởng xanh, trong đó có vấn đề về cơ chế ưu đãi. Chính phủ cũng đã phê duyệt các quy hoạch rất quan trọng, trong đó có Quy hoạch điện 8, đẩy mạnh chuyển đổi số. Tuy nhiên, bà Ngọc cho rằng, nỗ lực này nó cũng chỉ là cái bước khởi đầu, cơ hội và thách thức còn rất nhiều ở trước mắt.

Cũng theo Thứ trưởng, điểm nổi bật nhất của Chiến lược tăng trưởng xanh là cân bằng, hài hòa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây sẽ là giải pháp quan trọng để Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế gắn với chuyển đổi cái mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và đặc biệt là khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc ở bên ngoài, đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh.

Bà Bích Ngọc cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh trong đó ngành năng lượng đóng vai trò hết sức quan trọng. Chuyển dịch năng lượng không đơn thuần là chuyển dịch giữa các loại hình công nghệ mà đó chính là thay đổi cả nền kinh tế. Đối với việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh thì việc huy động nguồn lực và chuyển dịch năng lượng công bằng là một phải giải pháp căn bản để giúp cho Việt Nam có thể giải quyết thách thức từ biến đổi khí hậu và sự cấp thiết phải cắt giảm khí nhà kính nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.

 

Đoàn chủ tịch điều hành hành Diễn đàn

Đoàn chủ tịch điều hành hành Diễn đàn

Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chọn lựa theo xu hướng đó, Việt Nam có thể trở thành quốc quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh. Đây là hướng đi đúng đắn để thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Chú trọng hơn vào số hóa, vào xanh hóa, vào sự cân đối và hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đồng thời đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.

"Từ phân tích trên có thể thấy việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bởi tăng trưởng xanh là con đường tất yếu của sự phát triển và phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam để hướng đến một tương lai nền kinh tế", PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chia sẻ.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn phân tích, trong giai đoạn 2011-2021, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với bảo tồn tài nguyên môi trường.Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế.Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng gần 60 tỷ USD để thực hiện Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2021. Trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có thể đáp ứng khoảng 26 tỷ USD, số còn lại phải huy động từ khu vực doanh nghiệp. Việc thu hep khoảng cách giữa nhu cầu đầu tư và dòng tài chính thực tế đang đặt ra những yêu cầu về cải thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân - khu vực được đánh giá là chưa phát huy hết tiềm năng tương xứng.

Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, thị trường tín dụng xanh đã được thúc đẩy trong những năm vừa qua thông qua các chính sách và biện pháp hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước như hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng thực hiện tín dụng xanh thông qua đàm phán, ký kết các chương trình, ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường-xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 10 ngành kinh tế và tiếp sau đó là bổ sung thêm 5 ngành kinh tế khác.

Kết quả từ năm 2015 đến nay, dư nợ tín dụng tăng trưởng đều qua các năm, từ 71,02 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2015 lên hơn 237,9 nghìn ty đồng vào cuối năm 2018 (tăng 234,57% trong 3 năm), đến hết quý II/2019 tổng dư nợ đạt hơn 310 nghìn tỷ đồng (tăng 29% so với năm 2018).

Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam, quy mô tín dụng vẫn còn nhỏ so với tổng tín dụng toàn hệ thống (tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh 1,55% dư nợ toàn hệ thống cuối năm 2015; 4,18% cuối quý II/2019). Các khoản vay tín dụng xanh chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 46%), tiếp đó là lĩnh vực quản lý nước bền vững (chiếm khoảng 13%), gần đây có xu hướng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Theo báo cáo của CBI (2021) về thị trường tài chính bền vững ASEAN (bao gồm trái phiếu xanh và các khoản vay xanh), Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ và đạt giá trị là 1,5 tỷ USD vào năm 2021, gần gấp 5 lần so với 0,3 tỷ USD vào năm 2020 và duy trì mức tăng trưởng ổn định trong năm thứ ba liên tiếp.

Tính riêng thị trường trái phiếu Việt Nam đã tăng trưởng lên hơn 5 tỷ USD vào năm 2021 với hơn 80% trái phiếu được phát hành là trái phiếu chính phủ. Tương tự như tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng đến từ các lĩnh vực giao thông và năng lượng là chính.

Quang cảnh Diễn đàn

Quang cảnh Diễn đàn

Ban Tổ chức đã nhận được 20 bài tham luận từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp, tập trung vào các vấn đề mang tính trọng tâm như sau: (i) Kinh nghiệm thực hiện tăng trưởng xanh và giảm phát thải ở một số quốc gia trên thế giới; (ii) Thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh ở Việt Nam, tập trung vào thể chế, chính sách, khơi thông huy động nguồn lực tài chính, thị trường các-bon, chuyển dịch năng lượng xanh và các nguồn năng lượng mới; (iii) Các rào cản, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh hiện nay; (iv) Những sáng kiến điển hình về mô hình Khu công nghiệp sinh thái, tuần hoà, kinh tế xanh ở khu vực doanh nghiệp.

Các đại biểu thảo luận bàn tròn

Các đại biểu thảo luận bàn tròn

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã tập trung chia sẻ ý kiến, quan điểm trong Phiên tham luận chuyên đề và Phiên trao đổi và thảo luận bàn tròn giữa chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp. Các vấn để đã được nhận diện, phân tích, mổ xẻ nhiều chiều, trên cơ sở đó các đại biểu đã đề xuất những giải phápchính sách để khắc phục những hạn chế và thách thức hiện nay, tận dụng cơ hội của bối cảnh mới để có những chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình xanh hóa nền kinh tế thời gian tới.

Các tham luận khoa học và các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, Ban Tổ chức sẽ chắt lọc để có báo cáo kiến nghị chính sách gửi các bộ/ngành, cơ quan liên quan.

Các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành và các diễn giả chụp ảnh lưu niệm

Các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành và các diễn giả chụp ảnh lưu niệm

Nguồn: https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Dien-dan-Tang-truong-xanh-Viet-Nam-2023-1482

 

Các tin liên quan