HỘI THẢO “CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÙNG TÂY NAM BỘ TRONG BỐI CẢNH MỚI”

20/11/2020 4:28:42 CH

Sáng ngày 24 tháng 7 năm 2020, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ trong bối cảnh mới”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của đề tài cấp Nhà nước thuộc Chương trình Tây Nam Bộ do GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn – Nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam làm chủ nhiệm.

Đồng chủ trì buổi hội thảo là PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn – Chủ nhiệm đề tài.

(Toàn cảnh buổi Hội thảo)

Chương trình hội thảo chia thành 2 phiên.

Sau lời phát biểu chào mừng và khai mạc hội thảo của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn và GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, hội thảo bước vào phiên thứ nhất.

Phiên thứ nhất của hội thảo gồm 2 bài tham luận:

1. “Nâng cao năng lực cạnh tranh vùng Tây Nam bộ trong bối cảnh mới” do ông Nguyễn Hoàng Hà (Viện Chiến lược Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trình bày.

2. “Vấn đề và giải pháp phát triển thủy sản vùng Tây Nam bộ” do TS. Cao Lệ Quyên (Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) trình bày.

(Ông Nguyễn Hoàng Hà – Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận tại Hội thảo)

Sau phần trình bày của hai diễn giả là phần thảo luận của các đại biểu tham dự.

Theo TS. Lê Xuân Sang (Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) khu vực đồng bằng sông Cửu Long vốn xa các hành lang kinh tế nên rất khó để phát triển. Muốn đưa khu vực này tiến xa hơn nữa thì cần chú trọng đến vấn đề chuỗi giá trị, liên kết nội vùng, liên kết ngành,…tất cả những vấn đề này cần phải được sắp xếp lại một cách bài bản. TS Sang cũng có đề xuất nên phân vùng theo nền kinh tế.

IMG_3825.JPG

(TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu ý kiến tại Hội thảo)

GS. Chu Hồi thì cho rằng quan trọng nhất đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long chính là “bối cảnh mới”, các tác giả khi bàn đến phát triển bền vững hầu như chưa đề cập đến Chương trình Nghị sự 30 của Chính phủ. GS cũng cho rằng các giải pháp nên tập trung vào quy mô vùng chứ không nên tập trung vào giải pháp riêng của từng địa phương. Hơn nữa cũng cần đề cập và phân tích sâu hơn bối cảnh về Biển Đông bởi vì bối cảnh này sẽ làm cho vị thế địa chiến lược của vùng Phú Quốc thay đổi.

Đại biểu Phạm Hùng Tiến – Phó Giám đốc FNF Việt Nam lại cho rằng vùng đồng bằng sông Cửu Long có những khác biệt về văn hóa, vì vậy cũng cần phân tích sâu hơn về yếu tố này trong quá trình xem xét các giải pháp để phát triển Vùng. Ngoài ra, vấn đề về phát triển các cụm công nghiệp của Vùng cũng cần phải chú ý đến yếu tố cộng sinh.

Kết thúc phiên 1, hội thảo bước vào phiên thứ 2 với phần trình bày của 2 diễn giả: TS. Nguyễn Sỹ Linh (Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên & Môi trường) với tham luận về “Bảo vệ môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh mới” và bà Đoàn Minh Thu (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT) với tham luận về “Vấn đề và giải pháp phát triển nông nghiệp vùng Tây Nam bộ”.

Kết thúc phần trình bày của 2 diễn giả, các đại biểu tham gia thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến thú vị, bổ ích cho hội thảo.

TS. Linh cho rằng vấn đề phát triển cánh đồng lớn ở khu vực này rất khó nhân rộng do các doanh nghiệp không đủ vốn. Ngoài ra, ngành nông nghiệp của vùng còn gặp phải những vấn đề về thị trường tiêu thụ và chất lượng nông sản hàng hóa. Bộ phận thương lái vẫn đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản, doanh nghiệp và nông dân chưa thực sự có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Theo TS. Nguyễn Phước Minh (Viện trưởng Viện NC Châu Phi và Trung Đông) cần phải tìm ra câu trả lời cho câu hỏi về giá lúa của đồng bằng sông Cửu Long, tại sao giá lúa của vùng lại thấp như vậy? phải chăng nên tìm kiếm thêm những thị trường mới? Bên cạnh đó, TS Minh cũng cho rằng vấn đề quy hoạch và chuyển hướng cây trồng vật nuôi cũng nên tính đến yếu tố quốc tế và hội nhập.

TS. Hà Huy Ngọc (Viện Địa lý nhân văn) thì cho rằng cần rà soát lại các chính sách đã có và cũng cần đánh giá các giải pháp đã được thực hiện như thế nào, hiệu quả thực thi của các chính sách ra sao,…từ đó mới có thể thiết kế và đưa ra được những chính sách và giải pháp phù hợp trong bối cảnh mới.

Thay mặt nhóm thực hiện đề tài và các diễn giả, GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn gửi lời cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Theo GS. Thuấn, đề tài cần nghiêm túc đánh giá lại bối cảnh và những dự báo vì những mục tiêu đưa ra trong bối cảnh hiện nay đã khác rất nhiều. Vấn đề Biển Đông và Campuchia cũng cần phải phân tích sâu và đưa ra được các kịch bản. Bền vững không chỉ là vấn đề kinh tế - xã hội – môi trường mà cần bền vững về cả quốc phòng – an ninh. Bên cạnh đó cũng cần phải có những dự báo về tình hình thị trường trong thời gian tới.

Thay lời bế mạc hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đóng góp ý kiến cho các bài tham luận cũng như đưa ra những gợi ý, hướng đi cho nhóm tác giả thực hiện đề tài. Viện trưởng cũng hi vọng nhóm tác giả sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để có thể hoàn thiện các báo cáo của đề tài một cách tốt nhất.

Buổi hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp!