HỘI THẢO “CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ TRONG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI CỦA TRUNG QUỐC VÀO VIỆT NAM HIỆN NAY”

20/11/2020 4:30:06 CH

Chiều ngày 8 tháng 9 năm 2020, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Chuyển giao công nghệ trong đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của đề tài cấp Bộ do TS. Phạm Bích Ngọc – Trưởng phòng Phòng Quan hệ Kinh tế quốc tế làm chủ nhiệm.

Chủ trì hội thảo là PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Tham dự hội thảo có TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng cùng toàn thể cán bộ của Viện và một số đại biểu đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới; đại biểu từ một số ban ngành, cơ quan nghiên cứu khác.

(Ảnh 1) PGS.TS. Bùi Quang Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo

Sau lời phát biểu khai mạc của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, các đại biểu tham dự hội thảo lần lượt nghe ba tham luận của các tác giả, cụ thể:

  1. “Chuyển giao công nghệ trong đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Việt Nam hiện nay” – TS. Vũ Hoàng Linh
  2. “Các chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại các quốc gia đang phát triển” – ThS. Trần Thị Mai Thành.
  3. “Tác động của chuyển giao công nghệ ở các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc đến các chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam” – ThS. Đỗ Văn Lâm.

(Ảnh 2) ThS. Đỗ Văn Lâm trình bày tham luận.

Sau khi các diễn giả trình bày tham luận, hội thảo bước vào phiên thảo luận các vấn đề liên quan.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nêu câu hỏi: căn cứ vào đâu và tiếp cận như thế nào để phân biệt công nghệ cao hay công nghệ thấp?

TS. Phạm Sỹ An cho rằng các tác giả nên có những phân tích, giải thích rõ hơn về cách sử dụng các bộ số liệu, cân nhắc trong vấn đề xây dựng mô hình. Việc chuyển giao công nghệ tác động đến các doanh nghiệp trong nước như thế nào và những yếu tố nào quyết định việc chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam cũng cần phải được làm rõ hơn; và nhóm tác giả cũng không nên đưa ra quá nhiều khuyến nghị.

Theo TS. Lê Xuân Sang nhóm tác giả cần làm rõ hơn từ khóa “chuyển giao công nghệ”, bổ sung các khái niệm chuyển giao công nghệ của quốc tế. Cần phải nhìn nhận rõ động lực của FDI Trung Quốc vào Việt Nam là gì và tại sao có thực trạng chuyển giao công nghệ như hiện nay ở Việt Nam. Các tác giả cũng cần phân tích rõ hơn nguyên nhân, bối cảnh mới ảnh hưởng đến việc chuyển giao công nghệ, mà “bối cảnh mới” ở đây thực chất là xu thế gần đây. Nên bổ sung số liệu về FDI Trung Quốc vào Việt Nam chia theo ngành, làm rõ quan điểm, định hướng thu hút FDI từ Trung Quốc như thế nào và những điều kiện thực hiện chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI Trung Quốc.

(Ảnh 3) TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu ý kiến tại hội thảo

TS. Phạm Thị Hồng Phương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì cho rằng các tác giả cần xây dựng khung phân tích của báo cáo? Làm rõ lí do lựa chọn kinh nghiệm của các quốc gia như Malaysia, Thái Lan…Các chỉ tiêu phát triển bền vững được đề cập không thực sự phản ánh được tính bền vững. Cần làm rõ hơn cách phân vùng và xử lý số liệu. Các khuyến nghị giải pháp cần bám sát hơn các vấn đề thực trạng.

Theo PGS.TS. Lưu Ngọc Trịnh (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) các bài học kinh nghiệm quốc tế chưa thiết thực, chưa phù hợp với Việt Nam. Thực trạng chuyển giao công nghệ cần bổ sung thêm các tác động tiêu cực (hậu quả), hiện nay nhóm tác giả mới chủ yếu đề cập đến những tác động tích cực.

(Ảnh 4) PGS.TS. Lưu Ngọc Trịnh phát biểu ý kiến tại hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Xuân Dũng góp ý các tác giả nên bổ sung các yếu tố tác động vì vấn đề này rất quan trọng và cần thiết trong việc đánh giá thực trạng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam.

Kết thúc buổi hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời đề nghị nhóm tác giả thực hiện đề tài cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý và khẩn trương chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện đề tài trong thời gian sớm nhất.

Buổi hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp!