HỘI THẢO “DỊCH CHUYỂN DÒNG FDI TRÊN THẾ GIỚI VÀ HÀM Ý CHO VIỆT NAM”

06/12/2021 3:23:30 CH

Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2021, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Dịch chuyển dòng FDI trên thế giới và hàm ý cho Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; ThS. Đỗ Văn Lâm – Trung tâm Thông tin và Dự báo KTXH Quốc gia, Bộ KH&ĐT; TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng, cùng các cán bộ của Viện. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ một số viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khác.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Sau lời phát biểu khai mạc của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, các đại biểu đã nghe bài tham luận về “Xu hướng FDI trên thế giới trong thời gian gần đây và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam” của ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai. Diễn giả cung cấp cái nhìn tổng quan về xu hướng FDI trên toàn cầu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, quá trình chuyển đổi số và tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong bối cảnh đó, mức phục hồi trong dòng FDI toàn cầu nửa đầu năm 2021 ở các nước có thu nhập cao đạt 117%, trong khi mức phục hồi của các nước có thu nhập trung bình và thấp không đáng kể. Nguyên nhân là do khả năng kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia này tốt hơn các nước có thu nhập trung bình và thấp. Việc dịch chuyển dòng FDI trong bối cảnh mới tạo ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam, vì vậy cần có những chiến lược xác định rõ mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong thu hút FDI cũng như cần có những chính sách để nâng cấp cơ cấu nguồn lực để thu hút FDI vào Việt Nam.

(ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai trình bày tại Hội thảo)

Vấn đề “Dịch chuyển FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam: Thực trạng và tác động” được TS. Vũ Hoàng Linh trình bày tại hội thảo. Theo tổng kết của diễn giả, tính đến tháng 11 năm 2021 Hàn Quốc dẫn đầu trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam xét trên tổng lũy kế tổng số vốn đăng kí. Những tác động tích cực của sự dịch chuyển FDI Hàn Quốc với Việt Nam là đóng góp vào tăng trưởng, cải thiện việc làm, trình độ công nghê,… Bên cạnh đó những hạn chế của sự dịch chuyển FDI của Hàn Quốc đối với Việt Nam là bị thâu tóm và chiếm lĩnh thị trường bởi doanh nghiệp Hàn Quốc, phát sinh các vấn đề về môi trường,…

(TS. Vũ Hoàng Linh trình bày tại Hội thảo)

Nhóm nghiên cứu của TS. Phạm Bích Ngọc và ThS. Đỗ Văn Lâm có tham luận trình bày về “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế tại các địa phương ở Việt Nam”. Nhóm tác giả xây dựng mô hình kinh tế lượng không gian SDM để đánh giá tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài tới tăng trưởng kinh tế tại các địa phương ở Việt Nam. Từ kết quả của mô hình SDM nhóm nghiên cứu đề xuất một số kiến nghị chính sách tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại các địa phương, tạo ra sự đồng nhất về môi trường đầu tư, thủ tục hành chính, giảm thiểu chi phí không minh bạch; tiếp tục hoàn thiện các chính sách FDI phù hợp với từng địa phương nhằm tăng lượng vốn đầu tư FDI tại địa phương; tăng cường thu hút, sử dụng FDI tại các địa phương.

(ThS. Đỗ Văn Lâm trình bày tại Hội thảo)

Khái niệm thoái vốn, các nhân tố ảnh hưởng tới quyết định thoái vốn của MNEs (các tập đoàn đa quốc gia), phân tích trường hợp về động lực thúc đẩy quyết định thoái vốn của MNEs và hàm ý cho Việt Nam được TS. Trần Thị Mai Thành trình bày chi tiết trong tham luận“Thoái vốn của các công ty đa quốc gia và hàm ý cho Việt Nam”. Theo đó Việt Nam cần có những chính sách về chi phí lao động; hiệu quả lao động; quản trị và thương mại; môi trường; giữ vững tính ổn định kinh tế; tăng cường chất lượng giáo dục và cơ sở hạ tầng nhằm thu hút và giữ chân FDI.

(TS. Trần Thị Mai Thành trình bày tại Hội thảo)

Trong phần thảo luận của hội thảo, TS. Võ Trí Thành cho biết các nhân tố thúc đẩy đầu tư và chuyển dịch dòng FDI bao gồm (i) tiến trình tự do hóa, thương mại đầu tư, toàn cầu hóa gắn với các lợi thế só sánh; (ii) sự hình thành và dịch chuyển của các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng; (iii) địa chính trị; (iv) ý tưởng mới về phát triển bền vững; (v) cú sốc từ các cuộc khủng hoảng. Bên cạnh những tác động tích cực thì những tác động tiêu cực đáng chú ý trong thu hút đầu tư FDI từ Hàn Quốc là tác động đến vĩ mô, cán cân thanh toán Việt Nam; rủi ro liên quan đến thời gian đầu tư trước mắt, dài hạn. Ngoài ra, TS. Võ Trí Thành có những gợi ý thêm để các nhà nghiên cứu có thể làm rõ hơn về vấn đề, nắm bắt xu hướng mới, yêu cầu bối cảnh mới đặt ra đối với dòng FDI cũng như các dòng nguồn lực trên thế giới.

(TS. Võ Trí Thành góp ý kiến cho Hội thảo)

TS. Vũ Quốc Huy cho rằng sự phục hồi kinh tế của các nước đang phát triển hoặc nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc. Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tiếp tục theo dõi và định hình những xu thế trên thế giới (chuyển đổi số, cạnh tranh thương mại, biến đổi khí hậu,…) để điều chỉnh kịp thời các chính sách nhằm thu hút đầu tư tốt hơn. Cuối cùng TS. Vũ Quốc Huy có những gợi mở về mô hình nghiên cứu định lượng cũng như nghiên cứu định tính cho nhóm nghiên cứu có những ý tưởng mới liên quan đến đề tài.

(TS. Vũ Quốc Huy góp ý kiến cho Hội thảo)

Trong phần bế mạc, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đánh giá hội thảo đã đem lại bức tranh toàn cảnh về thu hút FDI trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Bên cạnh đó hội thảo cũng đưa ra những cơ hội thách thức và những đề xuất giải pháp phù hợp cho Việt Nam trong việc thu hút dòng FDI trong thời gian tới. Cuối cùng, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những đóng góp ý kiến để Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp.

 

Việt Hà

Các tin liên quan