Hội thảo khoa học “Chương trình Phục hồi và phát triển Kinh tế xã hội: năm đầu triển khai và những đánh giá ban đầu”

23/12/2022 5:02:04 CH

Sáng ngày 22/12/2022, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, được sự tài trợ của Đại Sứ quán Australia tại Việt Nam thông qua Quỹ Hỗ trợ Cựu sinh viên Australia do Chương trình Aus4Skills quản lý đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế xã hội: Năm đầu triển khai và những đánh giá ban đầu”. Tham dự Hội thảo có đại diện của Tham tán kinh tế và một số cán bộ của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, đại điện của các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội.

GS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Ngài David Gottlieb, quyền phó đại sứ Australia tại Việt Nam, đồng chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp, các quý vị đại biểu đến tham dự Hội thảo. Viện trưởng Bùi Quang Tuấn cho biết, để hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi giai đoạn trong và sau dịch COVID -19, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 về một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội. Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nêu ra 5 nhóm giải pháp (nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh) với những nhiệm vụ hết sức cụ thể, huy động, phân bổ nguồn lực chi tiết. Một khoản ngân sách là 347 ngàn tỉ tương đương khoảng 15 tỉ đô, tức khoảng 4% GDP đã được thiết kế để đảm bảo kinh phí cho việc thực thi Chương trình này. Đây là những chính sách và nguồn lực hết sức quan trọng từ phía Nhà nước Việt Nam để phục hồi nền kinh tế và hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID -19, trong đó có các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và người lao động.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, Hội thảo là một trong những hoạt động nghiên cứu và tư vấn chính sách của Viện Kinh tế Việt Nam nhằm chia sẻ những kết quả nghiên cứu do nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam với các thành viên chính là các cựu sinh viên tại Australia thực hiện với mục đích theo dõi tiến độ thực hiện, tìm hiểu những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và các cơ quan Trung ương. Hội thảo có báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế xã hội của nước ta trong 11 tháng đầu năm vừa qua, đồng thời cũng đưa ra những đánh giá ban đầu về tình hình thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế xã hội (gọi tắt là Chương trình) trong năm triển khai đầu tiên và đề xuất việc tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh chương trình phù hợp với tình hình phát triển mới, nâng cao hiệu quả của chương trình…

Tại Hội thảo, có 02 báo cáo được trình bày về các chủ đề: (i) Tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, của TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; (ii) Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, của TS. Vũ Quốc Huy, Viện Kinh tế Việt Nam, và 03 bình luận của các nhà khoa học: TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc Gia Hà Nội), về những vấn đề chính sách chung; PGS.TS. Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và các vấn đề xã hội, về những vấn đề xã hội; TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Nghiên cứu Tài chính, về chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển.

TS. Phạm Anh Tuấn trình bày báo cáo

TS. Vũ Quốc Huy trình bày báo cáo

 

 

 

Các nhà khoa học bình luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các diễn giả chia sẻ những kết quả nghiên cứu do nhóm nghiên cứu, Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát và tham vấn, trao đổi với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân ở 4 địa phương là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, thành phố Hải Phòng và tỉnh Bắc Giang trong thời gian từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 7/2022. Nhiều cuộc tham vấn, trao đổi với các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân đã được tổ chức. Nhóm đã có báo cáo kết quả tại một số cuộc tọa đàm, hội thảo trong đó có Diễn đàn Kinh tế-xã hội của Quốc hội tháng 9/2022 (Diễn đàn Kinh tế - Xã hội do Quốc hội, Ban Kinh tế Trung Ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức) và báo cáo cho một số ủy ban của Quốc hội. Với cách nhìn khách quan, nhóm nghiên cứu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan trong việc đề xuất xây dựng và thực hiện chương trình có ý nghĩa trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn dịch COVID-19. Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc triển khai Chương trình về cơ bản vẫn là chậm so với kế hoạch và kỳ vọng về tác động kịp thời của Chương trình này đối với quá trình phục hối và phát triển kinh tế hiện nay. Bối cảnh quốc tế và trong nước hiện tại đã khác rất nhiều so với tình hình và dự đoán khi xây dựng Chương trình này. Nhiều nội dung của Chương trình được thiết kế trước đây có thể không còn cần thiết và phù hợp với tình hình mới. Thực tế triển khai cũng đã cho thấy có những khó khăn và bất cập làm hạn chế tác động mong đợi của Chương trình. Việc xem xét, đánh giá đầy đủ những khó khăn, bất cập là cần thiết để có những điều chỉnh phù hợp nhằm xác định đúng vai trò thực sự của Chương trình trong tổng thể chương trình phát triển kinh tế-xã hội cũng như xem xét toàn diện hơn tính hữu ích và khả thi của Chương trình. Trên cơ sở đó nhóm nghiên cứu đề xuất điều chỉnh thành một chương trình rút gọn nhằm nâng cao tính khả thi và nâng cao hiệu quả của Chương trình trong thời gian tới.
Cụ thể, quan sát thực tiễn triển khai tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy: Tình hình kinh tế - xã hội chung của Thành phố Hồ Chí Minh tính đến thời điểm này đã phục hồi một phân, tuy chưa đạt được mức tăng trưởng như trước khi có đại dịch nhìn chung các tín hiệu cho thấy là rất tích cực ở khu vực công nghiệp và nông nghiệp. Khu vực dịch vụ, đã có dấu hiệu chuyển biến tốt hơn, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách xa so với thời điểm trước đại dịch. Khách du lịch đã quay trở lại, tuy nhiên công mất và doanh thu từ thương mại dịch vụ vẫn chưa đạt đến mức tiềm năng….

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học. Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề như: những vấn đề xã hội; chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển…

Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu kết luận, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn một lần nữa, thay mặt lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam và ban tổ chức Hội thảo, cảm ơn các quí vị đại biểu đến từ Đại sứ quán Australia và Chương trình Aus4Skills tại Việt Nam, các nhà khoa học và các đại biểu từ các cơ quan bộ ban ngành của Trung ương đã dành thời gian cho Hội thảo này. PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng, Hội thảo là dịp để cho nhóm nghiên cứu trình bày những kết quả đã thu lượm được từ các cuộc khảo sát và nghiên cứu, qua đó có những đề xuất về chính sách cho giai đoạn tới. Kết quả của nghiên cứu được trình bày, cũng như những trao đổi, phát biểu của các đại biểu là cơ sở để các nhà tư vấn chính sách đề xuất chính sách hữu ích cho các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc tiếp tục phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, người lao động để nhanh chóng vượt qua khó khăn do hệ luỵ của đại dịch Covid -19 để lại.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

Nguồn: https://www.vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Chuong-trinh-Phuc-hoi-va-Phat-trien-Kinh-te-xa-hoi-Nam-dau-trien-khai-va-nhung-danh-gia-ban-dau-1412