Hội thảo khoa học “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: Xu hướng định hình tương lai xanh”

08/01/2024 10:55:43 SA

Sáng ngày 08/12/2023, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm - VASS), cùng sự đồng hành của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn và Tổng Công ty Du lịch và Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: Xu hướng định hình tương lai xanh”. Hội thảo nhằm tuyên truyền và đánh giá những cơ hội, thách thức về chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững.

PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Phó Tổng thư ký Quốc hội khoá XIV; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam-VASS; TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách Công thương, Bộ Công thương.

Hội thảo có sự tham dự của nhiều lãnh đạo, các nhà khoa học và các chuyên gia đến từ các trường đại học như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, cùng sự tham gia của nhiều nhà khoa học và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.

 

Từ trái sang: TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương, Bộ Công thương;
PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, VASS chủ trì Hội thảo

Thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu và đánh giá cao nỗ lực, sáng kiến kết hợp với các đối tác liên quan của Viện Kinh tế Việt Nam để tổ chức Hội thảo này; đồng thời khẳng định ý nghĩa và chủ đề quan trọng của Hội thảo trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu bởi nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt và gây tác động không tốt đến môi trường.

Phó Chủ tịch Tạ Minh Tuấn cho biết, ngành năng lượng ở Việt Nam là ngành phát thải nhiều nhất trong nền kinh tế. Năm 2020 ngành này đã thải ra 347,5 triệu tấn CO2 tương đương (chiếm 66,3% tổng lượng phát thải của nền kinh tế). Do vậy, chuyển đổi xanh ở Việt Nam bắt buộc trước tiên phải chú ý đến ngành năng lượng. Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, đã đưa ra những định hướng về chuyển đổi năng lương lượng theo hướng xanh, bền vững. Tại Hội thảo này, Phó Chủ tịch Tạ Minh Tuấn đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, quý vị đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận những vấn đề sau: (i), làm rõ hơn mục tiêu, lộ trình, các bước cụ thể trên chặng đường đi đến phát thải ròng bằng 0 của ngành Năng lượng Việt Nam đến năm 2050; (ii) đánh giá tiềm năng, cơ hội, thách thức của Việt Nam trong quá trình thực hiện Tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG); (iii) thảo luận về chính sách khuyến khích chuyển đổi năng lượng; các cơ chế đột phá nhằm lựa chọn nhà đầu tư nguồn điện gió ngoài khơi, điện khí; chính sách tài trợ vốn ưu đãi cho năng lượng tái tạo, công nghệ cao; chia sẻ kinh nghiệm hay của quốc tế trong thu hút đầu tư vào năng lượng sạch; (iv) chính sách trung hạn và dài hạn cho ngành công nghiệp năng lượng và ô tô - xe máy và các công cụ pháp lý mới để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư lớn trong dài hạn; (v) biện pháp để khơi thông nguồn vốn và dòng tín dụng cho các dự án thân thiện môi trường, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan.

 

PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Phó Tổng thư ký Quốc hội khoá XIV trao đổi tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều tham luận của các diễn giả (TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng; TS. Dư văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Vũ Minh Pháp, Viện Khoa học Năng lượng; PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Trường Cơ khí, Đại học  Bách Khoa Hà Nội; ThS. Phạm văn Duy, Viện Khoa học năng lượng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), tập trung trình bày các vấn đề: lộ trình mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của ngành Năng lượng Việt Nam, cơ hội và thách thức; lộ trình điện gió ngoài khơi cho Việt Nam; giải pháp xây dựng Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo Quốc gia; chuyển dịch năng lượng từ xu hướng phát triển xe điện và trạm sạc; đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ sản xuất Hydrogen từ phụ phẩm nông nghiệp và đề xuất hướng phát triển từ phụ phẩm nông nghiệp tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng trình bày báo cáo tại Hội thảo

Đề cập đến giải pháp thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 cho ngành năng lượng Việt Nam, TS. Nguyễn Ngọc Hưng đưa ra giải pháp với 5 trụ cột chính bao gồm: sử dụng hiệu quả năng lượng, điện hóa trong các ngành kinh tế, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nguồn năng lượng mới (H2, NH3 xanh), thu hồi, sử dụng và lưu giữ cácbon.Trong đó, đến năm 2025, khuyến khích nguồn điện tự sản tự tiêu, nguồn đồng phát 50%-70% hộ sử dụng tiếp cận công nghệ hiệu suất cao; đến năm 2050 chuyển đổi hoàn toàn nhiên liệu cho nhiệt điện sở hữu và sử dụng 100% nhiên liệu xanh trong giao thông vận tải…

ThS. Phạm Văn Duy, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trình bày báo cáo tại Hội thảo

Chia sẻ về khả năng ứng dụng công nghệ sản xuất hydrogen, ThS. Phạm Văn Duy, Viện Khoa học năng lượng cho rằng, Hydro được xem là nguyên, nhiên liệu “sạch” nhất hiện nay và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tương lai khi thay thế các nguồn nhiêu liệu hóa thạch. Hiện tại, có khoảng 96% hydro được sản xuất từ nguồn nguyên liệu không thể tái tạo, với khoảng 48% từ khí thiên nhiên, trong đó 30% từ quá trình reforming và 18% từ khí hóa than. Việt Nam là nước nhiệt đới thuận lợi cho việc phát triển nông lâm nghiệp, trong bối cảnh đó Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh khối rất phong phú bao gồm phế phụ phẩm lâm nghiệp và phụ phẩm nông nghiệp. Để phát triển hydro xanh tại Việt Nam sớm bắt nhịp với sự phát triển hydro trên thế giới, ThS. Phạm Văn Duy cho rằng, Việt Nam  cần xây dựng và ban hành lộ trình, chiến lược, định hướng và chương trình nghiên cứu về hydro nói chung và nghiên cứu hydro từ phụ phẩm nông nghiệp nói riêng; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển và quản lý hydro là yếu tố quan trọng; xây dựng và ban hành các quy định pháp luật về quản lý hoạt động phát triển hydro và; nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ hydro; xây dựng năng lực về chuỗi cung ứng sinh khối và hydro…

Quang cảnh Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học. tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề như: khung khổ pháp ly cho năng lượng tái tạo như điện gió, năng lượng hydro; nguyên nhân sâu xa và nhân tố cơ bản nào gây nên đổi khí hậu; hợp tác quốc tế trong việc phát triển nguồn năng lượng mới và chuyển dịch năng lượng; Kinh phí cho hoạt động chuyển đổi năng lượng; đánh đổi giữa chuyển đổi năng lượng xanh, sạch với nhu cầu cuộc sống trước mắt…

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu kết luận Hội thảo

Phát biểu kết luận, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh, các báo cáo tham luận được trình bày tại Hội thảo đã làm rõ được mục tiêu và lộ trình của chuyển dịch năng lượng xanh như: điện gió ngoài khơi, hydrogen, NH3 xanh cũng như những cơ hội, thách thức trong xu thế chuyển dịch năng lượng. Trên cơ sở đó, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến bình luận chia sẻ và thống nhất một số nội dung sau:

Thứ nhất, nhận thức rõ biến đổi khí hậu có tác động rất mạnh. Hiện nay, nếu không làm thì nhiệt độ toàn cầu khả năng tăng 4oC, dẫn đến thời tiết cực đoan, do đó chúng ta phải có giải pháp quyết liệt để bắt tay vào cuộc;

Thứ hai, thể chế đóng vai trò bậc nhất, bởi vậy cần có khung pháp lý để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải sử dụng hiệu quả năng lượng.

Thứ ba, vai trò của khoa học công nghệ trong bối cảnh mới, ngay cả với mục đích thay đổi mô hình tăng trưởng hay chuyển dịch năng lượng thì khoa học công nghệ vẫn là những vấn đề cấp bách.

Thứ tư, gắn kết, liên kết các ngành với nhau theo cách tiếp cận hệ thống

Thứ năm, hợp tác quốc tế để tiếp cận nguồn mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực về tài chính, con người và mô hình mới từ các nước đi trước.

Thứ sáu, truyền thông, nâng cao nhận thức về chuyển dịch giữ vai trò đặc  biệt quan trọng. Tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hướng tới trở thành người tiêu dùng thông thái và bền vững, tạo ra lối sống xanh, văn hóa sống xanh. Từ đó tạo ra sức ép đối với nhà sản xuất cho ra đời những sản phẩm thông minh và  thân thiện với môi trường.

Hội thảo đã để lại nhiều ý nghĩa tốt đẹp, giúp giới trẻ có cái nhìn đúng nhất về chuyển dịch năng lượng và đảm bảo cuộc sống theo hướng định hình tương lai xanh. Đặc biệt, các báo cáo, bình luận, trao đổi của các đại biểu là cơ sở để các nhà tư vấn chính sách đề xuất chính sách hữu ích cho các cơ quan hoạch định chính sách đối với quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

Nguyễn Minh Hồng

Nguồn: https://vass.gov.vn/noidung/hoinghihoithao/Pages/tin-tuc-hoi-nghi-hoi-thao.aspx?ItemID=1509