HỘI THẢO KHOA HỌC “TÁC ĐỘNG CỦA SỰ VẬN ĐỘNG QUAN HỆ KINH TẾ MỸ - TRUNG QUỐC - NGA ĐẾN KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ KINH TẾ VIỆT NAM”

12/05/2022 4:45:50 CH

Sáng ngày 20 tháng 04 năm 2022, Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương và Viện Kinh tế Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Tác động của sự vận động quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc - Nga đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của Đề tài cấp Quốc gia: “Quan hệ kinh tế Mỹ – Trung Quốc – Nga trong bối cảnh mới: tác động, ảnh hưởng và đối sách của Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TSKH. Võ Đại Lược – Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương; PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Tổng Thư ký Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; GS. TS. Hoàng Khắc Nam, Chủ nhiệm Khoa quốc tế học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn; PGS.TS Nguyễn An Hà – Viện Nghiên cứu Châu Âu; PGS.TS. Cù Chí Lợi – Tổng biên tập Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; TS. Hoàng Thế Anh – Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; Ông Bùi Ngọc Sơn – Chuyên gia kinh tế. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng, TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng; TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng cùng các cán bộ của Viện. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ một số cơ quan nghiên cứu và các tổ chức khác.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Sau lời phát biểu khai mạc của TS. Phạm Anh Tuấn, PGS.TSKH. Võ Đại Lược có bài phát biểu đề dẫn khái quát sơ bộ về bối cảnh kinh tế thế giới (KTTG) và tình hình trật tự KTTG hiện nay. PGS.TSKH. Võ Đại Lược cũng có nhận định xu hướng đối đầu của các quốc gia là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ucraina trong những năm gần đây ngày càng gia tăng, quan hệ giữa các quốc gia này quyết định đến sự vận động của KTTG; nếu quan hệ hợp tác giữa các quốc gia càng phát triển thì nền KTTG ngày càng phát triển, ngược lại nếu quan hệ hợp tác xung đột thì nền KTTG cũng suy giảm. Điều này có tác động lớn đến sự phát triển KTTG nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, vì vậy trong bối cảnh này, Việt Nam cần có những giải pháp thích hợp, tận dụng cơ hội để phát triển.

(TSKH. Võ Đại Lược phát biểu đề dẫn Hội thảo)

Tiếp theo, các đại biểu đã nghe bài tham luận về “Những thay đổi của trật tự kinh tế thế giới sau khủng hoảng Nga – Ucraina” của chuyên gia Bùi Ngọc Sơn. Theo chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, trật tự KTTG hiện nay (hay còn gọi là trật tự Bretton Woods - BW) bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc kể từ năm 2008; Các chính sách của chính quyền tổng thống Trump và sau này là tác động từ đại dịch COVID-19 đã gây ra quá trình phân rã kinh tế khỏi Trung Quốc; Cuộc chiến Nga – Ucraina chỉ là yếu tố góp phần thúc đẩy mạnh hơn quá trình này. Các kênh phân rã gồm các chuỗi cung ứng, dòng vốn, dòng thương mại và việc làm, công nghệ; Trật tự KTTG sẽ ổn định hơn với sự trở lại vai trò lãnh đạo của Mỹ và phương Tây; Sẽ có những cải cách nhằm ngăn những thách thức tương tự trong tương lai. Sau cùng, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn đưa ra một số hàm ý cho Việt Nam trong việc duy trì mối quan hệ với các nước lớn bao gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ và các nước phương Tây.

(Ông Bùi Ngọc Sơn trình bày tại Hội thảo)

Tham luận “Tác động của sự vận động quan hệ kinh tế Nga – Mỹ trong bối cảnh mới đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam” được PGS.TS Nguyễn An Hà trình bày tại hội thảo đã xem xét mối quan hệ kinh tế Nga – Mỹ trong giai đoạn khoảng 10 năm lại đây. Do những thách thức từ an ninh truyền thống, phi truyền thống gia tăng cùng với sự tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch COVID-19 đã đẩy mối quan hệ Nga – Mỹ quay lại thời kì chiến tranh lạnh. Từ những đặc điểm của kinh tế giữa Nga và Mỹ, tham luận đưa ra các đặc điểm cũng như bản chất mối quan hệ này. Cuối cùng, PGS.TS Nguyễn An Hà nhận diện xu thế vận động của quan hệ kinh tế Nga-Mỹ trong giai đoạn tới cũng như dự báo một số tác động dài hạn của mối quan hệ này tới thế giới và Việt Nam.

(PGS.TS Nguyễn An Hà trình bày tại Hội thảo)

PGS.TS Cù Chí Lợi trình bày tham luận với chủ đề “Tác động của sự vận động quan hệ kinh tế Mỹ - Trung Quốc trong bối cảnh mới đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam”. Theo đó, thương mại thế giới bị tác động rất mạnh bởi những vấn đề cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh địa chính trị nhất là khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được Mỹ khai mào vào đầu năm 2018, khi Mỹ bắt đầu áp thuế cao với nhiều hàng hóa của Trung Quốc, và quy mô hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế cao đã liên tục gia tăng trong suốt giai đoạn 2018-2019 và Trung Quốc cũng đã áp trả bằng việc áp thuế cao đối với hàng hóa của Mỹ. Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung được ký đầu năm 2020 nhằm tránh gia tăng xung đột thương mại ở quy mô lớn hơn. Trong bối cảnh này ngoài những thách thức đặt ra như suy giảm cầu hàng hóa, thâm hụt thương mại hàng hóa, trốn thuế… Việt Nam cũng có nhiều cơ hội về thương mại và thu hút đầu tư, tuy nhiên Việt Nam cần có những giải pháp phù hợp tận dụng được cơ hội này để phát triển.

(PGS.TS Cù Chí Lợi trình bày tại Hội thảo)

Bài tham luận "Tác động của sự vận động quan hệ kinh tế Trung Quốc – Nga trong bối cảnh mới đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam” của TS. Hoàng Thế Anh đã cho thấy quan hệ kinh tế Trung – Nga đã và đang có những chuyển động xích lại gần nhau hơn trong bối cảnh Mỹ và phương Tây liên tiếp đưa ra những biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraina từ cuối tháng 2/2022 đến nay. Xu hướng thế giới đang phân làm 2 cực: một cực là do Mỹ và phương Tây chi phối, một cực do Trung Quốc và Nga chi phối. Trong bối cảnh đó, diễn giả có nhận định tác động của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đến thương mại hàng hóa trên thế giới, đầu tư quốc tế, mức độ tác động của đồng nhân dân tệ (NDT) và Rúp trong thanh toán là chưa nhiều. Tuy nhiên xu hướng sử dụng đồng NDT và Rúp trong thanh toán quốc tế đã tăng lên và xu hướng gia tăng hợp tác năng lượng Trung – Nga đang có những tác động lớn đến kinh tế thế giới, thậm chí có thể chi phối cả đời sống chính trị của thế giới. Đối với kinh tế Việt Nam, mối quan hệ kinh tế Trung – Nga cũng có tác động nhiều chiều đến kinh tế Việt Nam như tác động đến xuất nhập khẩu vào thị trường Nga, Trung Quốc; tác động về hợp tác năng lượng với hai quốc gia này và quan hệ Việt – Nga cũng đang gặp phải khó khăn bởi xung đột quân sự Nga – Ucraina.

(TS. Hoàng Thế Anh trình bày tại Hội thảo)

Trong phần bình luận, TS. Lê Xuân Sang cho rằng sự vận động và tương tác lẫn nhau giữa Mỹ – Trung Quốc – Nga đã tác động rất nhiều đến xu thế kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam. Trước hết, TS. Lê Xuân Sang đề cập đến xu hướng quốc tế về tái đẩy mạnh đồng NDT và giảm vai trò đồng tiền quốc tế USD; xu thế thứ hai là đẩy nhanh quá trình giảm sử dụng petro-dollar (nhất là thanh toán Rub, NDT, Rupee và bản tệ, cùng xu hướng tiêu dùng xanh, sử dụng xe điện); thứ ba do cấm vận nhau, khả năng Nga chuyển hướng luồng thương mại (năng lượng, lương thực) từ EU sang Châu Á; cuối cùng mức độ tác động do các cấm vận đối với Nga là khá lớn về mặt công khai, tuy nhiên, trên thực tế sự tiêu cực giảm đáng kể do hoạt động trao đổi ngầm mua bán nhiên liệu, chuyển mã hải quan và các yếu tố khác. Bên cạnh đó, TS. Lê Xuân Sang cũng đề cập đến một số vấn đề liên quan đến các cặp quan hệ Mỹ - Trung, Mỹ - Nga, Trung - Nga và tác động của các cặp quan hệ này đến kinh tế Việt Nam.

(TS. Lê Xuân Sang phát biểu tại Hội thảo)

Trong phần bình luận tiếp theo, TS. Vũ Quốc Huy cho rằng, quan hệ giữa các quốc gia được quyết định bởi 4 yếu tố (i) sự xung đột; (ii) sự hợp tác; (iii) sự thỏa thuận; (iv) sự cam kết. Sự xung đột giữa các nền văn minh diễn ra trên hai cấp độ, ở cấp độ vi mô, các quốc gia giữa các nền văn minh đấu tranh lẫn nhau, thường là bạo lực để kiểm soát lẫn nhau; ở cấp độ vĩ mô, các quốc gia ở các nền văn minh khác nhau để tranh giành quyền lực quân sự và kinh tế tương đối, đồng thời còn đấu tranh để kiểm soát các tổ chức quốc tế và các bên thứ ba, và cạnh tranh nhau để thúc đẩy các giá trị tôn giáo và chính trị cụ thể của mình. Từ lý thuyết trên, những ý tưởng để giải quyết xung đột sẽ được hình thành. TS. Vũ Quốc Huy cũng có nhận định hiện nay, thế giới đang trong quá trình chuyển đổi và trong giai đoạn 8-10 năm tới trật tự KTTG sẽ có nhiều thay đổi, có thể hình thành trật tự thế giới mới.

(TS. Vũ Quốc Huy phát biểu tại Hội thảo)

Chia sẻ quan điểm của mình, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng nhận định trật tự KTTG sau cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina sẽ hình thành một cục diện kinh tế mới. Trật tự mới được diễn biến theo hai hướng (i) Nếu phương Tây thành công phá vỡ liên kết giữa Nga và Trung Quốc, thế giới sẽ quay lại trật tự đơn cực do Mỹ và phương Tây là chủ chốt; (ii) Nếu phương Tây không thành công, thế giới mới phân làm hai cực và Trung Quốc nắm vai trò chủ đạo. Dù trật tự thế giới mới diễn ra theo hướng nào đều có tác động không nhỏ đến Việt Nam.

(PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng phát biểu tại Hội thảo)

PGS.TS Lê Bộ Lĩnh đặt ra câu hỏi gợi mở: “Vậy bây giờ ba quốc gia Trung Quốc – Nga – Mỹ có thể trở thành tam giác hay không?” và “Trong trật tự mới, quốc gia nào sẽ dẫn đầu”. Bên cạnh đó, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh đề cập đến yếu tố công nghệ, PGS.TS cho rằng “ai” chi phối được dữ liệu (tiền điện tử, công nghệ cao,…) sẽ chi phối được được trật tự kinh tế thế giới và các quốc gia trong tương lai.

(PGS.TS Lê Bộ Lĩnh phát biểu tại Hội thảo)

Theo TS. Đặng Xuân Thanh có 4 cuộc khủng hoảng lớn của trật tự KTTG, bao gồm: khủng hoảng cơ cấu; khủng hoảng địa chính trị; khủng hoảng khí hậu và khủng hoảng do đại dịch toàn cầu. Điều này cho thấy trật tự KTTG đang ở bước ngoặt, ở giai đoạn quá độ, chuyển đổi, rủi ro đang gia tăng và Việt Nam cần có những biện pháp thích ứng cũng như phân bổ nguồn lực một cách thích đáng để phòng ngừa rủi ro.

(TS. Đặng Xuân Thanh phát biểu tại Hội thảo)

PGS.TSKH. Võ Đại Lược có quan điểm rằng trật tự chính trị, an ninh kinh tế thế giới đang đối diện với nhiều bất cập đòi hỏi phải có sự thay đổi. Theo nhiều học giả, giải pháp cho sự thay đổi này là tiến hành chiến tranh. Bởi khi nổ ra chiến tranh, các quốc gia sẽ gia tăng đầu tư cho quốc phòng, điều này đồng nghĩa với gia tăng đầu tư cho công nghệ mới và chỉ công nghệ mới thì mới giải quyết được các vấn đề. Ngoài ra, PGS.TSKH. Võ Đại Lược có đề xuất Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nên có chương trình nghiên cứu về những vấn đề quốc tế chú trọng vào các vấn đề cấp bách mang tính định hướng cho tương lai.

Trong phần bế mạc, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn tổng kết một số điểm như sau (i) Trong bối cảnh hiện nay cần chú trọng vào xu hướng phục hồi xanh và tư duy về chống chịu; (ii) Khía cạnh quốc phòng – an ninh – chính trị cần được đặt nặng hơn; (iii) Tác động của các sự kiện gần đây ảnh hưởng đến KTTG rất nhiều, thể hiện rõ nhất trên các kênh thương mại, đầu tư, tài chính, giá cả, lạm phát; (iv) Thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh mới; (v) Xu hướng về công nghệ, chuyển đổi số trong trật tự hiện nay. Cuối cùng, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những ý kiến đóng góp cho Hội thảo.

Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp.

Việt Hà