Hội thảo khoa học “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện”
12/08/2024 8:56:51 SA
Để góp phần đánh giá hiện trạng, cơ hội, khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, sáng 08/8/2024, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại tổ chức Hội thảo Khoa học với chủ đề “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện”.
Tham dự hội thảo có TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; PGS.TS. Lê Xuân Bá, Hội Kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; Ông Vũ Quốc Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại…
Ngoài ra, hội thảo hân hạnh được đón tiếp gần 150 khách mời là chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại biểu đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, và các doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.
TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược tăng trưởng xanh). Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đồng thời Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (PTRO) tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã tham gia Nhóm các đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Để cụ thể hóa các Chiến lược và cam kết nói trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg, về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 - 39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%. Do đó, theo TS. Phạm Anh Tuấn, Hội thảo là hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng, nhằm tìm ra các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc đề xuất các giải pháp mang tính then chốt, đột phá của quá trình chuyển dịch năng lượng hoá thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo và tạo lập hệ sinh thái đầy đủ, đồng bộ cho quá trình chuyển dịch nói trên. Đồng thời, Hội thảo cũng đề cập đến tiềm năng, xu hướng một số và lĩnh vực, ngành xanh, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh ở Việt Nam (Hydrogen, xe điện, thị trường tín chỉ các-bon, tài chính xanh...).
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo hiệp hội, tập trung vào các vấn đề mang tính trọng tâm như: Xu hướng thế giới và Việt Nam về phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực xanh then chốt gắn với quá trình chuyển đổi năng lượng; Đánh giá sự sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ các-bon của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm của các Tập đoàn dầu khí trên thế giới; Chính sách và công nghệ năng cho quá trình chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam; Quá trình thực hiện chuỗi Dự án Điện khí LNG và Điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch năng lượng quốc gia và Quy hoạch Điện VIII của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Phát hiện các rào cản, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng xanh (Quy hoạch điện VIII) hiện nay. Hội thảo cũng xác định những bất cập, hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý cần phải tháo gỡ và xác định đúng những căn nguyên của vấn đề đang cản trở quá trình chuyển dịch năng lượng xanh và kinh tế xanh hiện nay. Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ ý kiến, quan điểm về các vấn đề liên quan để hiện thực khát vọng xanh hóa ngành năng lượng của Việt Nam.
Các đại biểu phát biểu, trình bày tham luận tại hội thảo
Bàn về chính sách và công nghệ năng lượng hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam, GS.TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, Việt Nam đã tham gia Hiệp định Paris lần thứ 26 (COP26) về biến đổi khí hậu đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn. Đồng thời, cam kết giảm phát thải nhà kính để đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Do vậy, các chính sách hướng tới phát triển bền vững được ban hành cần tập trung vào 04 trụ cột chính: thị trường năng lượng, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, biến đổi khí hậu.
Trao đổi tại hội thảo, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành cường quốc về chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…, điều này càng đặt ra nhu cầu cấp thiết về nguồn năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh. Tuy vậy, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, lâu nay chúng ta vẫn bàn nhiều về sản xuất mà ít bàn tới tiêu dùng. Giá xăng dầu, giá điện thấp khiến tiêu dùng lãng phí, chưa tiết kiệm. Hễ điện tăng giá là xã hội phản ứng, điều này dẫn tới khó khăn trong việc điều hành sản xuất, khó tạo động lực đổi mới công nghệ sản xuất. Từ đó, PGS.TS. Trần Đình Thiên khuyến nghị cần cách tiếp cận cân bằng giữa tiêu dùng - sản xuất, từ đó xây dựng giá điện bám sát cơ chế thị trường.
Nêu khó khăn cụ thể đối với các dự án điện khí LNG, TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho biết tổng quy mô công suất các dự án điện khí theo Quy hoạch điện VIII được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành đến năm 2030 là 30.424 MW (23 dự án). Tuy nhiên, hiện mới có Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I (660 MW) năm 2015 (đang sử dụng nhiên liệu dầu) và sau đó sẽ sử dụng khí Lô B. Nguyên nhân là do thiếu khung pháp lý để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết các thỏa thuận về pháp lý - kinh tế - thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án đến khí LNG.
Vì vậy, TS. Thập cho rằng giá điện khí LNG cần phải theo cơ chế thị trường, do chi phí nhập khẩu LNG chiếm phần lớn trong giá thành sản xuất điện. Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cũng kiến nghị cơ chế mua bán điện trực tiếp nên mở rộng đối tượng cho phép điện khí LNG được tham gia.
Đề xuất triển vọng phát triển các ngành kinh tế xanh tại Việt Nam, TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trước hết xây dựng chiến lược quốc gia và lộ trình rõ ràng cho nhóm các ngành, lĩnh vực xanh quan trọng và phức tạp, đó là hydro sạch và giao thông và logistic xanh, với một cơ quan liên bộ đóng vai trò dẫn dắt, triển khai các chiến lược ngành này. Ngoài ra, các dự án tăng tốc chiến lược tăng trưởng xanh cần được triển khai ở cấp tỉnh và thành phố. Các bộ, ngành và cơ quan liên quan cần phối hợp triển khai hoàn thiện một hệ thống phân loại xanh quốc gia toàn diện, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hệ thống phân loại cần bao gồm danh sách chi tiết các chủ đề, lĩnh vực và dự án phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh. Thêm vào đó, hệ thống phân loại cần bao gồm các tiêu chuẩn kỹ thuật theo ngành cụ thể như mức phát thải khí nhà kính và tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng, cùng với quy trình xác minh, chứng nhận và hướng dẫn cho các bên liên quan.
TS. Hà Huy Ngọc nhấn mạnh “Các cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ các dự án xanh sẽ là cần thiết để Việt Nam tăng tốc trong việc thu hút đầu tư cho các dự án xanh, đặc biệt là trong các dự án đòi hỏi mức đầu tư ban đầu cao do quy mô và độ phức tạp của các công nghệ mới”.
Hội thảo là cơ hội quý báu để các nhà quản lý, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực năng lượng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trao đổi, thảo luận về hiện trạng và giải pháp nhằm phát triển năng lượng sạch trong giai đoạn tới, đặc biệt là năng lượng xanh không gây ôn nhiễm môi trường và có thể tái tạo… Qua đó thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, sản phẩm sạch và hiệu quả. Đồng thời, giúp cộng đồng doanh nghiệp và xã hội nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng xanh, góp phần đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường bền vững.
Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam trân trọng cảm ơn các bài tham luận khoa học và các ý kiến trao đổi, thảo luận và đóng góp của các đại biểu. TS. Phạm Anh Tuấn cho biết, Ban tổ chức sẽ tổng hợp, chắt lọc các ý kiến đóng góp tại hội thảo để có báo cáo kiến nghị chính sách gửi Chính phủ và bộ ngành trung ương, các cơ quan liên quan.
Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm.
Nguồn: https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Hoi-thao-khoa-hoc-Thuc-day-phat-trien-nang-luong-xanh-Hien-trang-va-giai-phap-thuc-hien-1561
Các tin liên quan
- Hội thảo khoa học “Mối quan hệ giữa Toàn cầu hóa và Cục diện thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (25/07/2024 12:29:07 CH)
- Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: xu hướng định hình kinh tế xanh (08/01/2024 11:08:00 SA)
- Hội thảo “Xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu” (08/01/2024 11:04:13 SA)
- Hội thảo khoa học “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: Xu hướng định hình tương lai xanh” (08/01/2024 10:55:43 SA)
- Hội thảo quốc tế “Quan hệ hữu nghị Việt-Lào: Thúc đẩy hợp tác song phương, chia sẻ kinh nghiệm ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng” (04/12/2023 4:54:44 CH)
- Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam 2023 (07/11/2023 8:32:18 SA)
- Tổng kết Hội thảo Khoa học "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương" (28/08/2023 11:03:08 SA)
- Khai mạc Hội thảo khoa học "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương" (28/08/2023 10:57:32 SA)
- TỌA ĐÀM “NÂNG CAO NĂNG LỰC CHỐNG CHỊU, XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ CỦA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY” (24/07/2023) (26/07/2023 10:39:59 SA)