HỘI THẢO “THANH TOÁN ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH MỚI”

02/08/2022 9:59:12 SA

Sáng ngày 28 tháng 07 năm 2022, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thanh toán điện tử ở Việt nam trong bối cảnh mới”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của đề tài cấp Bộ do TS. Nguyễn Thị Tố Quyên – Trưởng phòng Phòng Kinh tế Vùng – Viện Kinh tế Việt Nam làm chủ nhiệm.

Tham dự hội thảo, về phía khách mời có ThS. Hồ Xuân Việt – Khoa tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng; TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng, cùng toàn thể cán bộ của Viện. Ngoài ra, hội thảo còn có sự góp mặt của các nhà khoa học đến từ một số cơ quan nghiên cứu và các tổ chức khác.

(PGS.TS. Bùi Quang Tuấn phát biểu khai mạc)

Sau lời phát biểu khai mạc của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, các đại biểu đã nghe bài tham luận về “Phát triển dịch vụ thanh toán điện tử ở Việt Nam trong bối cảnh mới” của TS. Nguyễn Thị Tố Quyên. Theo đó, diễn giả đã (i) Nêu lên tính cấp thiết, mục tiêu, đối tượng, phương pháp nghiên cứu của đề tài; (ii) Hệ thống hóa cơ sở lý luận và kinh nghiệm thực tiễn phát triển TTĐT ở Trung Quốc và Singapore; (iii) Đánh giá thực trạng phát triển dịch vụ thanh toán điện tử (TTĐT) ở Việt Nam; (iv) Gợi ý một vài giải pháp chính sách dựa vào bối cảnh mới cũng như cơ hội, thánh thức của việc phát triển dịch vụ TTĐT.

(TS. Nguyễn Thị Tố Quyên trình bày tại Hội thảo)

Nhóm nghiên cứu của ThS. Hồ Xuân Việt và TS. Trịnh Thị Phan Lan có tham luận trình bày về “Thực trạng hoạt động thanh toán bằng ví điện tử trong bối cảnh hiện nay”. Nhóm nghiên cứu cung cấp tổng quan về thực trạng dịch vụ thanh toán qua ví điện tử tại Việt Nam trong giai đoạn qua đồng thời đưa ra các điểm mạnh, điểm yếu và các giải pháp thúc đẩy thị trường ví điện tử, cả về phương diện lập pháp và phương diện kinh doanh.

(ThS. Hồ Xuân Việt trình bày tại Hội thảo)

Cuối cùng là bài tham luận trình bày về “Đánh giá chất lượng dịch vụ TTĐT qua khảo sát ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh” của ông Bùi Nhật Huy. Nghiên cứu đưa ra những đánh giá về mặt số lượng cũng như chất lượng (mức độ hài lòng về tính tiện ích của dịch vụ; mức độ hài lòng về tính an toàn, bảo mật; mức độ tự động hóa; mức độ hài lòng về khả năng hỗ trợ khách hàng và thái độ hành vi của nhân viên) dịch vụ TTĐT ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh.

(Ông Bùi Nhật Huy trình bày tại hội thảo)

Sau phần trình bày tham luận của các diễn giả, hội thảo đã lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự.

Theo TS. Tô Thị Ánh Dương, nhóm nghiên cứu nên đi sâu vào một số quy định pháp luật mang tính chất liên quan đến TTĐT mới hơn, cụ thể là trong khoảng thời gian 5 năm gần đây. Bên cạnh đó, nhóm cần cập nhập các số liệu về tăng trưởng TTĐT ở Việt Nam trên các khía cạnh chỉ số người tiêu dùng, giá trị tăng trưởng,…

(TS. Tô Thị Ánh Dương bình luận tại Hội thảo)

TS. Phạm Bích Ngọc cho rằng nhóm nghiên cứu nên phân tích rõ hơn những số liệu khảo sát được và cần có nhận định Việt Nam đang ở mức nào về TTĐT.

(TS. Phạm Bích Ngọc bình luận tại Hội thảo)

Ông Trần Xuân Phượng cho rằng cần làm rõ hơn về ưu nhược điểm của hai hình thức TTĐT là thanh toán qua ví điện tử và thanh toán qua E-banking và xu hướng phát triển bên trung gian khi phát triển thanh toán qua ví điện tử.

(Ông Trần Xuân Phượng bình luận tại Hội thảo)

TS. Nguyễn Đình Hòa đánh giá yếu tố hội nhập là một trong những yêu tố quan trọng trong việc thúc đẩy TTĐT tại Việt Nam, đề tài nên cân nhắc yếu tố này và nên có những quan điểm phát triển dịch vụ TTĐT cụ thể hơn.

(TS. Nguyễn Đình Hòa bình luận tại hội thảo)

Theo TS. Lê Xuân Sang, các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến TTĐT bao gồm (i) môi trường; (ii) cung – cầu; (iii) văn hóa, thói quen; (iv) công nghệ, đổi mới sáng tạo về tài chính. Bên cạnh đó, TS. Lê Xuân Sang cũng cung cấp một số thông tin cho hội thảo về các bài học kinh nghiệm về TTĐT của Nhật Bản, Singapore và Trung Quốc.

(TS. Lê Xuân Sang bình luận tại Hội thảo)

Theo TS. Nguyễn Bình Giang đề tài nên đề cập đến các điều kiện phát triển TTĐT tách khỏi các tiêu chí đánh giá như những điều kiện về tuyên truyền nhận thức; khuyến khích tài chính từ phía doanh nghiệp; đa dạng hóa dịch vụ thanh toán; công nghệ bảo mật an toàn; tính tiện lợi; tính đồng bộ,… Từ đó xác định thêm nội dung của công tác thúc đẩy TTĐT.

TS. Lý Đại Hùng có một số chia sẻ về lợi ích của TTĐT đối với kinh tế vĩ mô. Cụ thể, TTĐT giúp giảm chi phí giao dịch và thúc đẩy hiệu lực của các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.

(TS. Lý Đại Hùng bình luận tại Hội thảo)

Theo TS. Hà Huy Ngọc, nhóm tác giả nên so sánh TTĐT với các phương thức thanh toán khác để làm rõ xu hướng tất yếu của TTĐT.

(TS. Hà Huy Ngọc bình luận tại Hội thảo)

Kết thúc buổi hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đã gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham dự, đóng góp ý kiến để nhóm tác giả của đề tài có cơ sở chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo của đề tài.

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Việt Hà