Hội thảo khoa học "Báo cáo kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo"

21/01/2021 9:01:56 SA

Sáng 19/1/2021, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức hội thảo “Báo cáo kinh tế Việt Nam 2020: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo”.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép”: vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Kết quả phòng chống Covid-19 của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong khi số ca mắc Covid-19 trên thế giới là hơn 95 triệu người và số ca tử vong đã vượt quá 2 triệu người. Điều đó cho thấy năm 2020, nền kinh tế thế giới đã bị phủ bóng bởi dịch Covid-19. Tính đến ngày 17/1/2021, thế giới đã ghi nhận hơn 95 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 2 triệu ca tử vong. Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020. Hầu hết các nền kinh tế lớn – ngoại trừ Trung Quốc – có tốc độ tăng trưởng âm như: Mỹ - 5,9%; Anh – 6,5%; EU -7,5%. Mặc dù, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 đạt 2,91%, thấp nhất kể từ sau Đổi mới năm 1986 nhưng tốc độ tăng trưởng có sự phục hồi ấn tượng sau khi sụt giảm vào quý II/2020 và ở mức cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn,  Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Do đó, Hội thảo “là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam 2020; triển vọng và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021; đồng thời đề ra một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn hậu Covid-19 dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”…

Theo Dự thảo Báo cáo kinh tế Việt Nam 2020, đại dịch Covid-19 có tác động khác nhau theo nhóm ngành. Trong khi đó, các ngành kinh tế phi tiếp xúc (14 ngành, hầu hết các ngành kinh tế số) chịu tác động tích cực mạnh nhất, nhất là giáo dục từ xa, thanh toán điện tử… và các ngành có đầu vào là sản phẩm từ dầu/khí… Những tác động đa chiều này thúc đẩy tái cơ cấu, chuyển dịch cơ cấu cũng như cắt giảm chi phí kinh doanh và thay đổi quản trị doanh nghiệp các ngành.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay: Mặc dù dịch bệnh Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng những dấu hiệu tích cực đang dần sáng rõ. Vaccine phòng ngừa Covid-19 bắt đầu được tiêm phòng tại một số quốc gia như: Ấn Độ, Indonesia, Thụy Sỹ và sẽ mở rộng ra nhiều quốc gia khác trong năm 2021. Gói hỗ trợ nền kinh tế cũng đang được nhiều nước lớn triển khai và sẽ có tác động trong năm 2021. Vì thế, nền kinh tế thế giới sẽ ấm dần lên, kéo theo đó hoạt động đầu tư, thương mại của nền kinh tế nước ta.

Toàn cảnh Hội thảo

Theo mô hình dự báo của Viện kinh tế Việt Nam: Tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam dự kiến đạt 5,49% (kịch bản cơ sở), 6,9% (kịch bản cao) và 3,48% (kịch bản thấp). Khả năng đạt được mức tăng trưởng thực tế phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới và sự tăng cường năng lực hấp thụ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo đó, dự báo của các tổ chức quốc tế và chỉ tiêu tăng trưởng mà Chính phủ Việt Nam đề ra sẽ đạt được trong kịch bản cao khi mà kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh, giá dầu ổn định hỗ trợ tăng trưởng và nền kinh tế nội địa cải thiện được khả năng hấp thụ vốn FDI.

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

Các đai biểu cho rằng trong giai đoạn sắp tới Việt Nam cần lưu ý một số hàm ý chính sách quan trọng cần tập trung vào giải quyết các vấn đề như: Cần nhận diện rõ hơn và trả lời được các câu hỏi liên quan đến các yếu tố nào đã giúp Việt Nam thành công trong việc đạt mục kiêu kép năm 2020? Các yếu tố đó sẽ còn tiếp tục được duy trì trong năm 2021 hay không? Cần phải tránh chủ quan cho rằng Việt Nam đang ở nhóm tăng trưởng cao nhất thì có nghĩa là nhiều vấn đề về cơ cấu và chất lượng tăng trưởng đã được giải quyết; Cần phải thay đổi tư duy, biến CNTT và chuyển đổi số là cú hích quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi và tăng trưởng theo hướng hiệu quả , xanh và bền vững; Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để có thể bứt phá và tăng tốc nhờ khoa học và công nghệ và tiệm cần dần với giai đoạn đổi mới sáng tạo (công nghệ 5G, chuyển đổi số, công nghệ Nano…); Đây là cơ hội hiếm để Việt Nam có thể thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực; Đổi mới tư duy và đổi  mới sáng thể chế chính sách theo hướng tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích mạnh mẽ và huy động sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước là yếu tố quan trọng bậc nhất cho khoa học và công nghệ để phát triển cũng như là nguồn lực cần thiết cho đầu tư vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phát biểu tại Hội thảo

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đã nhiệt liệt ghi nhận kết quả đạt được của Hội thảo và cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng, triển khai sớm Chiến lược chuyển đổi số trong kết hợp với các gói kích thích kinh tế mới, giải pháp cơ cấu lại ngành, hàng liên quan; đồng thời, xây dựng, thực hiện các quy định, giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số hữu hiệu, an toàn như vấn đề an ninh số, khớp nối các chuẩn mực, tiêu chí lao động trong lĩnh vực kinh tế số và kinh tế truyền thống và cần có thêm nhiều thử nghiệm đột phá về thể chế và chính sách nhằm đảm bảo tính chính thống khi nhận hỗ trợ Nhà nước trong bối cảnh cả thế giới đang chịu nhiều những tác động từ đại dịch Covid-19 hiện nay./.

Phạm Vĩnh Hà

Nguồn: https://www.vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Thuc-day-tang-truong-1236