Tọa đàm “Thách thức tăng trưởng, chiến lược cho năm 2015 và tương lai”

22/08/2019 9:40:14 SA

 

Ban Chủ tọa hội thảo (Từ trái qua phải: TS. Lê Xuân Sang,<br> Bà Victoria Kwa Kwa, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn

Đồng chủ trì Tọa đàm có TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và PGS. TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển bền vững vùng. Tọa đàm còn có sự tham gia của bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Sandeep Mahajan – Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cùng các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành và các cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam.

Trình bày bài tham luận tại buổi tọa đàm, TS. Leipziger cho rằng trong năm 2015 kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng không mấy ‘tươi hồng”. Trong dài hạn, cần có tăng trưởng chất lươnmgj cao thì mới có phát triển bền vững và cải thiện đời sống của người dân. Có một số nước lựa chọn chiến lược “đi tắt đón đầu” trong khi quốc gia khác lại có chiến lược “thăm dò từng bước” để đảm bảo sự ổn định. Một trong những cách đi tắt là phát triển công nghiệp thông qua tập trung nguồn lực, có các cơ chế chính sách ưu đãi cho một số ngành hay doanh nghiệp cụ thể, nhưng điều này sẽ gây tổn thất cho tất cả các bên. Chính sách bảo hộ sẽ không thúc đẩy hiệu quả cạnh tranh cũng như không cải thiện năng suất lao động.

TS. Leipziger đánh giá cao việc Việt Nam trở thành một nước có thu nhập trung bình với mức tăng trưởng 5-6% trong vài ba năm gần đây, điều đáng mơ ước với nhiều quốc gia khác. Ông cho rằng Việt Nam nên lựa chọn con đường phát triển bền vững, đầu tư cho phát triển con người để có nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng trưởng kinh tế phải vì người nghèo, giảm sự bất bình đẳng.

Trong phần bình luận, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn đánh giá cao các nhận định của TS Leipziger. Ông đồng tình rằng không phải chỉ mỗi Việt Nam gặp khó khăn trong bối cảnh hiện tại. Các chính sách hỗ trợ truyền thống tưởng dễ dàng nhưng thực tế lại gây ra rất nhiều tổn phí. PGS Tuấn cũng cho rằng đầu tư tư nhân của Việt Nam cho giáo dục rất nhiều nhưng đóng góp cho tăng trưởng lại rất ít, đóng góp của TFP rất thấp. Tuy nhiên, PGS nêu lên quan điểm ở một chừng mực nào đó, liệu có mối quan hệ nào giữa tăng trưởng và tham nhũng hay không, khi thực tế các nước Đông Á cho thấy tuy có tham nhũng nhưng vẫn có tăng trưởng tốt. Phản hồi điều này, TS. Leipziger phủ nhận tham nhũng có tác động tích cực tới tăng trưởng và đưa ra các bằng chứng từ Malaixia, Philippin…

TS. Lê Xuân Sang đã bình luận chuyên sâu về Bài trình bày của TS. Leipziger, đánh giá cao những bài học chính sách từ cái nhìn toàn cầu. Đây là những kết luận rất quý giá và rất đáng tham khảo, lưu tâm cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Trong bài phản biện, TS. Lê Xuân Sang cũng đã đánh giá thêm về tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới, những rủi ro, nguy cơ mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt và phải được xử lý hữu hiệu để đảm bảo tăng trưởng bền vững. Một điểm thiếu bền vững trong việc phục hồi tăng trưởng trong thời gian gần đây, theo TS. Lê Xuân Sang  có sự đóng góp lớn của các nhân tố thiếu bền vững như dựa nhiều hơn vào ngành công nghiệp khai khoáng và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FIE). Về chính sách phát triển ngành Việt Nam, chính sách chọn ngành chiến lược không tính đầy đủ đến tính hiệu quả kinh tế nhờ quy mô (economy of scale) và năng lực đổi mới, tiếp thu công nghệ trong nước là nguyên nhân chính yếu khiến chiến lược phát triển một số ngành (ví dụ công nghiệp ô tô cá nhân) thất bại gần như hoàn toàn sau mấy chục năm bảo hộ. Quan trọng không kém, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ kém hiệu quả là nguyên nhân khiến sự kết nối yếu kém giữ các doanh nghiệp FIE và trong nước, tạo nên tình trạng nền kinh tế “lưỡng nguyên” (khu vực FIE và doanh nghiệp trong nước gần như tách biệt), tạo giá trị gia tăng thấp và cả gây áp lực bất ổn vĩ mô Việt Nam trong thời gian qua.

Tọa đàm cũng nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận sôi nổi từ các vị khách mời như chuyên gia Phạm Chi Lan, TS. Nguyễn Đình Chúc (CIEM)… TS. Chúc lưu ý rằng khối doanh nghiệp nhà nước thường bị định kiến là hoạt động kém hiệu quả, tuy nhiên, khi sử dụng số liệu của GSO phân tích thì lại có bức tranh lại tương đối trái ngược khi khu vực này hoạt động rất hiệu quả và có đóng góp lớn trong vấn đề tăng trưởng, việc làm.

Buổi tọa đàm đã kết thúc tốt đẹp.