TỌA ĐÀM KHOA HỌC “NHỮNG BẤT ỔN VÀ XU THẾ CỦA KINH TẾ THẾ GIỚI 2023 VÀ ẢNH HƯỞNG TỚI VIỆT NAM” (27/4/2023)
06/07/2023 3:22:16 CH
Ngày 27 tháng 04 năm 2023, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “Những bất ổn và xu thế của kinh tế thế giới 2023 và ảnh hưởng tới Việt Nam”. Tọa đàm nhằm phân tích, đánh giá tình hình, xu hướng, tác động của bối cảnh mới và đề xuất các điều chỉnh chính sách cho Việt Nam.
Tham dự Tọa đàm, về phía khách mời có TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; TS. Nguyễn Ngọc Mạnh – Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc; TS. Trần Thị Mai Thành – Trường Đại học Kinh Tế, Đại học Quốc gia Việt Nam; TS. Phí Vĩnh Tường – Quyền Viện trưởng, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng; TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng; TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng, cùng các cán bộ của Viện. Ngoài ra, tọa đàm còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ một số cơ quan nghiên cứu và các tổ chức khác.
(Toàn cảnh Tọa đàm)
Mở đầu tọa đàm, TS. Võ Trí Thành với tham luận “Cục diện kinh tế thế giới 2023 tác động tới kinh tế và phản ứng của Việt Nam” đã đưa ra những nhận định chung về xu hướng của nền kinh tế thế giới. Theo đó, những xu hướng lớn (mega-trends) bao gồm: (i) các cuộc xung đột, đối đầu liên quan đến địa chính trị vẫn tiếp tục diễn ra; (ii) vai trò của toàn cầu hóa, hội nhập đang được quan tâm hơn; (iii) CMCN 4.0 và chuyển đổi số có sự đột phá, phát triển; (iv) Phát triển bền vững bao trùm, tiêu dùng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu;…Nhìn chung thế giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức tuy nhiên vẫn có những cơ hội mà Việt Nam có thể nắm bắt để phát triển.
(TS. Võ Trí Thành trình bày tại Tọa đàm)
Nội dung về trọng tâm ưu tiên, nhân sự và cấu trúc quyền lực sau đại hội XX; Đại chiến lược và các mục tiêu của Trung Quốc sau đại hội được TS. Phạm Sỹ Thành trình bày cụ thể trong tham luận với chủ đề “Trung Quốc: chiến lược cạnh tranh với các cường quốc”. Theo đó, sau đại hội XX, Trung Quốc chú trọng hơn vào lĩnh vực đối ngoại và đề cao an ninh trên hết. Trung Quốc tiếp tục xây dựng CNXH hiện đại; thống nhất lãnh thổ; thay thế ảnh hưởng của phương Tây bằng cách thiết lập một loạt chủ trương và chính sách mới như tự cung ứng, tự củ công nghệ, thịnh vượng chung. Bên cạnh đó, TS. Phạm Sỹ Thành cũng cung cấp cho tọa đàm các chiến lược cụ thể về kinh tế, công nghệ, an ninh và đối ngoại, văn hóa và xã hội của Trung Quốc sau đại hội.
TS. Trần Thị Mai Thành đã trình bày tham luận với chủ đề “Kinh tế Việt Nam: một số bất ổn, điểm nghẽn và xu hướng phát triển”. Trong giai đoạn hiện nay kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát, các vấn đề về thanh khoản, khôi phục lòng tin của người tiêu dùng, phát triển nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả nguồn vốn con người,… Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng xu hướng phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn khá khả quan với mức tăng trưởng kinh tế hồi phục nhanh chóng so với các nước láng giềng; Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát; Xuất nhập khẩu hồi phục; Lãi suất điều hành đã tăng trở lại sau thời gian giảm nhằm hỗ trợ nền kinh tế…
(TS. Trần Thị Mai Thành trình bày tại Tọa đàm)
Cuối cùng là bài tham luận trình bày về “Biến động của kinh tế Mỹ và ảnh hưởng tới kinh tế thế giới” của TS. Nguyễn Ngọc Mạnh. Theo TS. Nguyễn Ngọc Mạnh, nền kinh tế Mỹ sau đại dịch đã đi trệch khỏi những kỳ vọng và khiến các chuyên gia kinh tế khó hiểu. Bên cạnh đó, những lo ngại về một cuộc suy thoái sắp xảy ra đã lên đến đỉnh điểm khi từ các chiến lược gia Phố Wall cho tới các CEO doanh nghiệp đều cảnh báo về sự chậm lại của nền kinh tế Mỹ. Để đối phó với cục diện này, Mỹ đã đưa ra các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô. Với những biến động của kinh tế Mỹ sẽ ảnh hưởng tới động lực tăng trưởng, tài chính quốc tế cũng như lạm phát trên toàn cầu.
(TS. Nguyễn Ngọc Mạnh trình bày tại Tọa đàm)
Trong phần thảo luận, TS. Phí Vĩnh Tường cho rằng những bất ổn tại eo biển Đài Loan, xung đột Nga – Ukraina, Mỹ – Trung ảnh hưởng rất nhiều đến việc Việt Nam tận dụng một trong những mega-trends. Cũng theo TS. Phí Vĩnh Tường, GDP quý 1/2023 của Việt Nam đạt 3,23% tuy nhiên cơ cấu đóng góp cho tăng trưởng là khu vực công nghiệp và xây dựng đang tăng trưởng âm. Ngoài ra, Chính phủ cần giải quyết những vấn đề liên quan đến động lực tăng trưởng như đầu tư công, du lịch, dịch vụ và trái phiếu doanh nghiệp để Việt Nam không rơi vào suy thoái sâu hơn trong giai đoạn tới.
(TS. Phí Vĩnh Tường phát biểu tại Tọa đàm)
Theo TS. Phạm Anh Tuấn các nhà làm chính sách trên thế giới đã phản ứng với các vấn đề linh hoạt hơn so với thời điểm trong quá khứ khi so sánh với cuộc khủng hoảng năm 2008. Tiếp theo, Việt Nam cần chuẩn bị cho câu chuyện dài hơn thay về những biện pháp giải quyết ngắn hạn như hiện tại khi thế giới có thể bị chia rẽ bởi nhiều vấn đề, đơn cử như vấn đề của Mỹ - Trung Quốc và phản ứng của Việt Nam đối với vấn đề này. Thứ hai, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam cần có các chính sách chuẩn bị trước xu hướng căng thẳng an ninh trên thế giới.
(TS. Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Tọa đàm)
TS. Nguyễn Quốc Trường – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định rằng tổng thể bức tranh kinh tế thế giới đen tối tuy nhiên vẫn có những điểm sáng và lạc quan. Những điểm sáng được TS. Nguyễn Quốc Trường đề cập đến bao gồm: Dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khả quan và đóng góp khoảng 25% cho nền kinh tế toàn cầu, một số nền kinh tế khác như Mỹ dù tăng tưởng chậm những chưa đạt mức suy thoái; Những yếu tố cản trở tăng trưởng như lạm phát, khủng hoảng năng lượng, chuỗi cung ứng đã dịu bớt,…
Bà Mai Hương – Nhóm nghiên cứu, ngân hàng Vietcombank đưa ra góc nhìn mới lạc quan hơn về bối cảnh kinh tế. Trước những bất ổn của nền kinh tế, các quốc gia trong đó có Việt Nam đã có những điều chỉnh phù hợp, hỗ trợ phát triển trong giai đoạn tới để kinh tế phục hồi tích cực hơn.
Trong phần bế mạc, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn tổng kết tọa đàm đã bàn về những xu thế có tính chất dẫn dắt như toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu. Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, các rủi ro của nền kinh tế xuất phát từ những bất ổn về lạm phát, tài chính, phân mảng địa chính trị,... Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ những bất ổn của kinh tế thế giới. Tuy nhiên Việt Nam có thể nhân cơ hội này để tiếp tục cảnh cách. Cuối cùng, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những ý kiến đóng góp cho tọa đàm.
Tọa đàm đã kết thúc thành công tốt đẹp.
Việt Hà
Các tin liên quan
- Hội thảo khoa học “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện” (12/08/2024 8:56:51 SA)
- Hội thảo khoa học “Mối quan hệ giữa Toàn cầu hóa và Cục diện thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (25/07/2024 12:29:07 CH)
- Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: xu hướng định hình kinh tế xanh (08/01/2024 11:08:00 SA)
- Hội thảo “Xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu” (08/01/2024 11:04:13 SA)
- Hội thảo khoa học “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: Xu hướng định hình tương lai xanh” (08/01/2024 10:55:43 SA)
- Hội thảo quốc tế “Quan hệ hữu nghị Việt-Lào: Thúc đẩy hợp tác song phương, chia sẻ kinh nghiệm ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng” (04/12/2023 4:54:44 CH)
- Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam 2023 (07/11/2023 8:32:18 SA)
- Tổng kết Hội thảo Khoa học "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương" (28/08/2023 11:03:08 SA)
- Khai mạc Hội thảo khoa học "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương" (28/08/2023 10:57:32 SA)