Ba mươi năm hội nhập: Một bước tiến dài

22/08/2019 9:37:26 SA

(HQ Online)- Hội nhập và chuyển đổi thể chế kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường là hai nhân tố quan trọng nhất giải thích cho tăng trưởng của Việt Nam trong 30 năm Đổi mới vừa qua.

Hội nghị lần thứ 13 Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC 13) và Hội nghị Tham vấn lần thứ 13 giữa các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Cao ủy Thương mại EU (AEM-EU 13) đã diễn ra ngày 26-4-2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: S.T

Đánh giá tổng quát nhất, có thể cho rằng hội nhập của Việt Nam là thành công với quyết tâm hội nhập mạnh mẽ trên các cấp độ khu vực, toàn cầu và song phương. Tuy nhiên, bên cạnh thành công đó, cần phải thẳng thắn thấy rằng chúng ta đã bỏ lỡ một số cơ hội mà nếu biết tận dụng thì thành quả hội nhập sẽ lớn hơn nhiều.

Dấu ấn WTO

Việt Nam ký kết hiệp định FTA đầu tiên với ASEAN năm 1995, sau đó ký BTA với Hoa Kỳ năm 2000, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và sau đó ký một loạt các FTA song phương. Đến nay Việt Nam đã triển khai đồng thời ba kênh hội nhập: khu vực, đa phương và song phương.

Mốc hội nhập nền kinh tế thế giới quan trọng nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 khi Việt Nam lần đầu tiên tham gia một sân chơi chung toàn cầu với 150 nước thành viên và với một luật chơi mang tính ràng buộc pháp lý cao, buộc các nước thành viên phải tuân thủ nghiêm túc. Tham gia WTO, lần đầu tiên Việt Nam phải điều chỉnh một cách toàn diện thể chế kinh tế trên nhiều lĩnh vực (thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ…) để tương thích với tập quán kinh doanh quốc tế.

Hội nhập đã có tác động tích cực đến xuất khẩu. Nếu như năm 1990 Việt Nam mới xuất khẩu được 2,4 tỷ USD thì đến năm 1995, năm đầu tiên gia nhập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) con số này đã tăng hơn gấp đôi, đạt 5,4 tỷ USD, năm 2000 đạt 14,4 tỷ và năm 2014 đã lên tới 132 tỷ USD. Cơ cấu xuất khẩu cũng được cải thiện. Nếu như thập kỷ 1990 và đầu thập kỷ 2000 chủ yếu XK các mặt hàng nông sản, hàng chưa qua chế biến thì đến những năm gần đây các mặt hàng chế biến công nghệ thấp chiếm tỷ trọng lớn nhất, và các mặt hàng công nghệ cao đã có xu hướng gia tăng tỷ trọng nhờ đóng góp của Samsung và các tập đoàn điện tử toàn cầu.

Hội nhập cũng thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đầu tư FDI vào Việt Nam bắt đầu từ khi Việt Nam ban hành Luật Đầu tư Nước ngoài (1987). Là một thị trường mới nổi với nhiều tài nguyên thiên nhiên, chi phí nhân công rẻ, và dân số tương đối lớn, trong ba mươi năm qua Việt Nam đã thu hút mạnh nguồn vốn FDI. Năm 1991 con số đầu tư FDI thực hiện mới đạt hơn 400 triệu USD, thì năm 1995 đã tăng hơn 5 lần, đạt 2,7 tỷ USD, và giai đoạn từ 2008 đến nay con số này khá ổn định hơn 10 tỷ USD.

Bên cạnh những tác động tích cực về mặt “lượng” như thương mại và đầu tư, hội nhập quốc tế đã có những tác động rất quan trọng về mặt “chất”. Đó là những cam kết quốc tế mang tính ràng buộc pháp lý cao như Hiệp định BTA Việt Nam -Hoa kỳ và cam kết gia nhập WTO đã tạo nên sức ép rất lớn đối với các nhà lập chính sách của Việt Nam phải thay đổi hệ thống pháp lý trong nước nhằm tương thích với tập quán kinh doanh quốc tế, tương thích với những nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Những cơ hội bị bỏ lỡ trong hội nhập

Nhìn lại lịch sử hội nhập kinh tế quốc tế ba mươi năm qua, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta vẫn thấy có những cơ hội bị bỏ lỡ mà nếu biết nỗ lực tận dụng thì hiệu quả hội nhập sẽ được tốt hơn nhiều.

Nếu Việt Nam quyết liệt đẩy mạnh cải cách trong nước hơn nữa để nâng cao năng lực hội nhập, hay nói cách khác là năng lực thực thi (ứng phó) cam kết hội nhập, thì Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích hơn từ hội nhập, cũng như không phải chịu những bất ổn vĩ mô kéo dài trong thời gian qua như nhập siêu, thâm hụt ngân sách kéo dài, lạm phát cao.

Có thể nói, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam mới chỉ làm tốt khía cạnh “tuân thủ” trong hội nhập, còn chưa thành công trong chiến lược “ứng phó”. Khía cạnh “tuân thủ” phản ánh việc Việt Nam thực hiện nghiêm túc các cam kết gia nhập về dỡ bỏ thuế quan, trợ cấp xuất khẩu, các hàng rào đầu tư đối với các ngành dịch vụ, thực thi nghiêm túc các cam kết sở hữu trí tuệ... Đây là những việc Việt Nam buộc phải thực hiện, buộc phải tuân thủ nếu không muốn bị WTO “trừng phạt”. Còn chiến lược “ứng phó” thể hiện sự chủ động trong việc đẩy mạnh cải cách thể chế trong nước nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đủ sức để đương đầu với thách thức do hội nhập tạo ra, đồng thời tận dụng được những cơ hội do hội nhập mang lại.

Tham gia WTO, nền kinh tế đã không tận dụng hết cơ hội của hội nhập, thậm chí cơ hội lại trở thành thách thức. Năng lực “ứng phó” với các cơ hội do gia nhập WTO còn thấp mà phản ánh cụ thể là trường hợp năm 2007 và đã gây nên vấn đề lạm phát vào năm 2007 và 2008. Trước khi gia nhập WTO, mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã nhận định khá rõ những cơ hội và thách thức khi trở thành thành viên chính thức của WTO, và có đưa ra các chiến lược ứng phó. Tuy nhiên, các chiến lược chủ yếu được đưa ra để ứng phó với các thách thức và rất ít khi các nhà hoạch định chính sách nghĩ đến những chiến lược “ứng phó" với các cơ hội. Và khi cơ hội đến, các nhà lập chính sách và cả nền kinh tế không biết hấp thụ thế nào và không biết ứng phó thế nào cho hiệu quả.

Giai đoạn hội nhập mới và yêu cầu đối với cải cách thể chế

Những năm tới, Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập đầy thách thức với các hiệp định FTA “thế hệ mới” như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Khác với WTO và các hiệp định FTA trước đây, hai hiệp định này sẽ đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn cho Việt Nam về cải cách thể chế liên quan đến DN Nhà nước, mua sắm công, sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư theo hướng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao tính công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa khu vực tư nhân với DN Nhà nước, giữa DN trong nước và DN FDI, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Quy tắc xuất xứ trong TPP và EVFTA là một cơ hội cho Việt Nam thay đổi cơ cấu công nghiệp về “chất” khi thu hút các doanh nghiệp FDI vào các ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, để có thể thu hút được các ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam phải thay đổi về chất đối với nguồn nhân lực và hệ thống ưu đãi đối với các ngành này, đang là những điểm nghẽn hạn chế sự phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Những thách thức đối với DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước là rất lớn khi hiện tại các mặt hàng của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đang tràn ngập trên các siêu thị và mức độ cắt giảm hàng rào thuế quan của Việt Nam ngày càng sâu hơn nữa theo các cam kết của AEC, TPP, EVFTA và nhiều Hiệp định FTA song phương. Các ngành dịch vụ của Việt Nam cũng đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn khi càng nhiều hãng dịch vụ từ các nước phát triển hàng đầu như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đổ bộ theo sau các Hiệp định FTA sắp ký.

Những áp lực khắc nghiệt từ bối cảnh hội nhập mới đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận những cơ hội cải cách đã bỏ lỡ trong giai đoạn 30 năm hội nhập vừa qua để quyết liệt đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao năng lực hội nhập với mục tiêu tận dụng tối đa những cơ hội và đối mặt được với những thách thức từ hội nhập./.