PGS.TS Trần Đình Thiên: Gói hỗ trợ không thể cứ mãi "bơm sữa" tiếp tế từng ngày được nữa
15/11/2021 9:45:36 SA
01. Gói hỗ trợ không chỉ dừng ở tính "cấp cứu"
So với các gói hỗ trợ của năm 2020, theo ông những gói hỗ trợ của Chính phủ trong năm 2021, đặc biệt là gói hỗ trợ dự kiến tới đây của Chính phủ có gì khác nhau?
Hiện tại, nguyên tắc chống dịch của Việt Nam là kiểm soát cơ bản được dịch và chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19. Do đó, gói hỗ trợ của Chính phủ được đặt trong một chương trình tổng thể lớn. Nghĩa là, chúng ta cần có một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chứ không phải chỉ gói gọn trong mỗi vấn đề ứng cứu như những gói hỗ trợ trước đây.
Vì là một chương trình tổng thể nên nó sẽ diễn ra trong dài hạn. Đây không thể là một thao tác trong mấy tháng hay vài tuần để mang tính "cấp cứu" nữa, mà nó là một chương trình phục hồi để tạo lập những nền tảng. Đồng thời, chương trình này cũng sẽ trợ lực sức mạnh để nền kinh tế bắt đầu đứng dậy và phát triển ở một tư thế khác, mà chúng ta hay nói là "bình thường mới".
Vậy chúng ta cần phải tính toán đến những yếu tố nào để gói hỗ trợ có thể "đúng và trúng"?
Một là, chúng ta vẫn cần có một gói hỗ trợ cho khâu chống dịch và kiểm soát dịch. Bởi lẽ chúng ta chưa biết được khi nào thì đại dịch mới thực sự chấm dứt.
Phương diện thứ hai cần tính đến đó là an sinh xã hội, kèm theo điều kiện phục hồi lực lượng lao động. Chúng ta cần phải hỗ trợ cho người lao động có được việc làm và những điều kiện an sinh bảo đảm cuộc sống tối thiểu thì họ mới làm việc được.
Nếu đứng trên phương diện kinh tế, gói phục hồi này không chỉ là cứu trợ về mặt xã hội, mà còn giúp phục hồi yếu tố cầu trong nền kinh tế, một cấu thành rất quan trọng của việc doanh nghiệp có bán được hàng hay không.
Chúng ta không thể cứ cứu trợ theo kiểu "bơm sữa" tiếp tế từng ngày hay từng tuần được, mà phải có một chương trình dài hạn để bảo đảm cho cuộc sống của họ bình thường khi trở lại ở một nhịp sống khác.
Tiếp đến, chúng ta cần phải tính toán cẩn thận và chi tiết các gói hỗ trợ giúp giảm áp lực tài chính lên doanh nghiệp. Vậy thì phải có những gói liên quan đến việc tài trợ các khía cạnh tài khoá, như thuế, phí, rồi giãn, hoãn nợ… mà những chi phí này vô cùng nhiều, như thuế đất, thuế doanh nghiệp. Chưa kể các loại phí mà tới đây chúng ra còn có thể phải chịu là xăng dầu, các loại giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng lên.
Tất nhiên, Chính phủ không thể kiểm soát theo kiểu "đè" thị trường xuống được, khi mà giá cả đầu vào tăng lên; nhưng cũng phải có những giải pháp để không bị kéo theo những bất thường của thị trường, bởi doanh nghiệp đang rất yếu. Nếu chúng ta để xảy ra cú sốc giá cả quá đột ngột mà không có những giải pháp kiềm chế thì cũng không được.
Gói tiếp theo là gói hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để họ đứng dậy. Đặc biệt, gói này sẽ liên quan đến việc làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận đến nguồn vay. Lúc này, Nhà nước cần phải có một quỹ bảo lãnh vay cho doanh nghiệp, và quỹ hỗ trợ lãi suất để cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng. Quỹ này sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng.
Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý, có nhiều hạng mục ưu tiên vay, những chương trình, toạ độ ưu tiên vay. Ngành nào cần ưu tiên, rồi trong ngành đấy, doanh nghiệp nào cần ưu tiên để nền kinh tế có thể trỗi dậy, để những doanh nghiệp đó kéo nền kinh tế đứng lên, lan toả phát triển ra cả ngành, hoặc là một vùng.
Nhưng tốt nhất đừng tính dài quá, cứ gói trong 2 năm thôi để chúng ta có thể chủ động khối lượng và lộ trình, bảo đảm cho nền kinh tế phục hồi theo từng bước mà không bị quá tải.
Ví dụ như bơm nhiều vốn mà không hấp thụ được thì cũng là quá tải, mà bơm ít quá thì không đủ để cho các doanh nghiệp hay nền kinh tế đứng dậy và phục hồi. Tóm lại, giữa lộ trình và quy mô cần phải song song với nhau.
02. Đất nước đang cần nỗ lực gấp 2 gấp 3 lần
Thời gian gần đây, có thông tin cho rằng, Chính phủ dự kiến sẽ có gói hỗ trợ rất lớn với giá trị khoảng 800.000 tỷ đồng. Ông nhìn nhận và đánh giá thế nào về việc này?
Thực tế, thông tin này chưa được xác nhận, con số 800.000 tỷ tương đương khoảng 10% GDP. Nhưng theo tôi, nếu dự kiến này là chính xác, một gói hỗ trợ như vậy kéo dài 2 năm cũng là cần thiết.
Hiện nay, chúng ta chưa hề đề cập đến một gói nào lớn cả, cùng lắm là 1%, hoặc gần đây là hơn 2% một chút. Nói cách khác, những cái gói này mang tính chữa cháy, cấp cứu để giúp nền kinh tế đứng vững, giúp cho những lực lượng, doanh nghiệp cụ thể qua được giai đoạn nguy cấp.
Bây giờ, tính một gói hỗ trợ căn cơ hơn như kiểu khoảng 10% GDP và kéo dài trong 2 năm chẳng hạn, sẽ có khả năng bảo đảm cho nền kinh tế phục hồi vững chắc. Còn gói hỗ trợ mà sau khi bơm ra thì "ăn xong 1 lúc lại yếu, lại chưa đủ liều lượng, lại gục xuống" thì không nên.
Tôi nghĩ, bây giờ là lúc cần thiết để chúng ta đạt được 2 yêu cầu. Đầu tiên là phục hồi nền kinh tế. Thứ hai là chớp thời cơ để nền kinh tế có thể đứng dậy sớm được. Đừng có chậm hơn, ta bây giờ là hơi chậm rồi, đừng chậm hơn nhiều so với thế giới. Đặc biệt, đừng để chậm hơn so với các đối thủ cạnh tranh của chúng ta, cũng đừng chậm hơn so với những ông mà muốn đầu tư, hợp tác vào Việt Nam sớm. Đây là vấn đề cơ hội.
Theo ông, gói hỗ trợ lãi suất trị giá 20.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính đề xuất cần rút kinh nghiệm gì từ việc triển khai gói hỗ trợ tương tự trong quá khứ?
Đã gọi là hỗ trợ thể nào cũng là ưu đãi, mà ưu đãi thì kiểu gì cũng có xin cho, chỉ cần sơ hở một chút là sẽ bị trục lợi. Đây là chỗ cần phải rút kinh nghiệm. Không phải doanh nghiệp nào cũng có lý lịch đủ tin cậy và năng lực thực tiễn xử lý được. Cho nên, nó sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề.
Bên cạnh đó, bảo đảm mức rủi ro có thể phát sinh là cái chúng ta cũng cần tính đến. Nó phải có những định hướng tiêu chuẩn. Tức là, ta phải tính phần rủi ro đấy như một chi phí để nền kinh tế đứng dậy được.
Thế nhưng, nó không thể quá khắt khe, chặt chẽ. Nếu quá khắt khe thì tiền không lưu thông được. Như vậy, cộng với chi phí hỗ trợ thì ta sẽ có được chi phí tổng thể, chi phí thực.
Thứ hai là các công cụ xử lý. Hiện nay các công cụ xử lý đã tốt hơn rất nhiều. Quá trình số hoá đã giúp cho chúng ta quản lý, kiểm soát được các luồng thông tin.
Thứ ba là các quy chế, quy tắc. Ban đầu là lập ra 1 tổ đặc nhiệm để đánh giá mức độ rủi ro giữa ngân hàng, Chính phủ. Trong Chính phủ có thể phân ra từng ngành một, tuỳ theo đối tượng đi vay. Và cuối cùng là doanh nghiệp.
Việc này khá mất thời gian, nhưng lúc này, dù có mất thời gian cũng phải làm, bởi vì đất nước đang cần phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần.
03. Đừng quá lo ngại!
Theo ông, căn cứ nào để tính được quy mô và lộ trình của một gói hỗ trợ phù hợp?
Nguyên tắc để gói phục hồi này hợp lý, thì có 2 điều phải làm rõ. Một là phải đánh giá đúng thực lực của nền kinh tế, nó yếu như thế nào, đang gặp vấn đề gì. Trong cái thực lực nền kinh tế đó thì cần chú ý đến thực lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Như vậy, cần xem xét xem trong số những doanh nghiệp này, đối tượng nào cần tiếp cận phục hồi và phải tiếp cận như thế nào. Có những ông khó phục hồi lắm, không phục hồi được.
Còn lực lượng có thể phục hồi cũng phải xem họ đang khó ở chỗ rồi gỡ đúng chỗ đấy thì mới đứng dậy được. Nếu không, "thóc" thì ít mà rải cho nhiều nơi, có khi lại không cứu được bao nhiêu.
Nếu chúng ta biết lựa chọn, dựng những thành phần có thể hỗ trợ nền kinh tế dậy nhanh theo logic lan toả, thì kết quả sẽ tích cực hơn.
Muốn đánh giá đúng thực lực, thì Chính phủ phải là người làm và cần kết hợp với các hiệp hội doanh nghiệp để có thể đánh giá thật rõ các tập đoàn lớn. Họ là những người nắm được cái chuỗi đấy, nắm được tình hình, sản phẩm của ngành đấy. Từ đó mới định hình đúng được cái thực trạng hiện tại.
Nhưng cái đó vẫn chưa đủ. Cái quan trọng ở một chương trình phục hồi đó là chúng ta phải thấy được triển vọng của nền kinh tế. Cụ thể là triển vọng phục hồi cụ thể của các ngành hàng, của các nhóm ngành, của các chuỗi sản phẩm của các trung tâm.
Ví dụ nếu nói về nông sản thì ta nói đến ngành sữa chẳng hạn, ngành gạo, ngành cam… trên thế giới thời gian tới sẽ như thế nào. Ai sẽ có khả năng phục hồi tốt nhất mà cần ít tiền, những điều kiện đơn giản. Từ đó, chúng ta sẽ có hướng tài trợ, phân bổ nguồn lực khan hiếm ra sao.
Bên cạnh đó, ngân sách cũng có những hướng tiếp cận các nguồn hỗ trợ chuẩn hơn.
Còn có phần nữa rất quan trọng, đó là cho vay đầu tư công. Đầu tư công hiện nay đang chậm. Chúng ta biết được rằng, đầu tư công có chức năng "bơm máu" ra nền kinh tế thông qua các dự án công.
Theo tôi, cách tiếp cận của ta với một bài toán lớn như thế này phải cực kỳ mạnh dạn mới đúng. Tình thế khác thường lắm, nền kinh tế yếu đi nhiều, không phải như những lần trước đâu.
Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quá lo ngại vì nền tảng vĩ mô đã tốt hơn nhiều so với 10 năm trước. Nền kinh tế đã ổn định hơn nhiều, kinh nghiệm điều hành của Chính phủ cũng tốt hơn nhiều.
04. "Lá rách ít đùm lá rách nhiều" là để dùng cho tình thế hiện nay
Với quy mô gói cấp bù lãi suất lần này dự kiến 20.000 tỷ đồng, theo ông, nên tập trung vào nhóm doanh nghiệp nào là phù hợp?
Nên tập trung vào những doanh nghiệp nào đang còn yếu. Theo tôi nên tập trung vào nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là một gói hỗ trợ tương đối rộng, hỗ trợ cho những người vay để phục hồi và đứng dậy được. Mục tiêu là như thế. Chứ đây không phải là một gói mang tính phân biệt đối xử.
Và tất nhiên, ngân hàng sẽ tính ngay cả trong phần cấp bù thì nếu theo logic ưu tiên, ông nào khoẻ thì tôi ưu tiên trước, bởi ông khoẻ có thể kéo nền kinh tế đi lên tốt hơn, lan toả được mạnh hơn.
Chứ để ông yếu có khi "5 bát cháo" mấy ngày sau ông mới đứng dậy được. Thế thì, hôm nay để cho ông khoẻ hơn để ông ý đứng dậy trước, để tạo ra môi trường kéo theo những ông yếu phục hồi. Ý tôi muốn nói đấy là tạo ra cái lan toả, kéo lẫn nhau.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, những doanh nghiệp yếu quá rồi nếu có thêm gói hỗ trợ thì cũng khó mà đứng dậy được?
Thật ra, chuyện này là rủi ro bình thường thôi. Đại dịch sẽ khiến hàng trăm nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa. Nhưng điều này không có nghĩa là nền kinh tế ưu ái cho ông A, ông B, ông C gì cả, mà đây là những doanh nghiệp nào đứng dậy để cho nền kinh tế Việt Nam tiếp tục cuộc đua, cuộc đấu, công cuộc phát triển của đất nước.
Chúng ta làm vì mục tiêu đấy. Nếu không cứu được chúng ta đành phải chịu, đây là cái rủi ro thị trường, rủi ro phát triển, không ai mong muốn điều đấy xảy ra cả. Chính phủ càng không muốn.
Thế nên tôi mới nói đến quy mô gói hỗ trợ phải lớn đến mức nào để khả năng hy sinh ấy nó cũng bớt đi. Nếu mà nhanh thì có thể số ông doanh nghiệp được cứu sẽ nhiều hơn. Tập trung nhiều hơn cho những ông khoẻ thì số lượng các doanh nghiệp được cứu cũng nhiều hơn, chứ không phải ngược lại đâu. Không phải chúng ta cứ rải đề u thì có nghĩa là cứu được nhiều doanh nghiệp hơn. Chưa chắc.
Quan niệm "lá rách ít đùm lá rách nhiều" chính là để ứng dụng trong trường hợp này, để tránh được nhiều nhất rủi ro. Còn thực tế, chúng ta không thể tránh hết được hoàn toàn rủi ro, việc xuất hiện tổn thất là hoàn toàn bình thường.
05. 3 yếu tố cần tính tới khi tung các gói kích thích mạnh
Trong kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính có đề cập đến việc sẽ chấp nhận tăng bội chi trong năm 2021 để phục hồi kinh tế. Theo ông, việc tăng bội chi có đáng lo ngại?
Hiện nay chúng ta có mấy yếu tố thuận lợi. Cụ thể, nền tảng vĩ mô tương đối tốt. Chưa kể, vừa rồi ta lại có một quyết định hoàn toàn đúng, khi tính GDP theo thước đo mới, điều này khiến trần nợ công giảm đi. Do đó, chúng ta có thể tăng mức nợ lên mà không lo vi phạm.
Bên cạnh đó, giả sử với chương trình một gói hỗ trợ lớn như lúc nãy ta đề cập để phục hồi và phát triển, kéo dài 2 năm, thì chắc chắn phải đi vay. Mà đi vay tức là tăng bội chi ngân sách lên. Ngoài ra, mức bội chi đang ở ngưỡng khá an toàn, khoảng 4%. Lạm phát cũng tương đối thấp.
Vậy thì việc nâng trần bội chi để giúp cho nền kinh phục hồi là mạnh dạn, đúng với logic, và tạo ra sự đột phá. Nếu đúng như tinh thần mà Bộ Tài chính nói, đó là mạnh dạn tăng trần bội chi lên nữa thì chưa có vấn đề gì phải đáng lo ngại.
Vậy nếu không phải là bội chi thì cần chú ý đến yếu tố nào khác khi tiến hành các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế?
Chúng ta không cần phải lo lắng quá đến bội chi, bởi vì dư địa của chúng ta vẫn còn nhiều. Nhưng có 2 điểm cần rà soát lại để tạo ra một sự yên tâm.
Thứ nhất đó là năng lực trả nợ. Cái đó mới thật sự là áp lực. Cái đó mới là "vạch đỏ". Nếu năng lực trả nợ không tốt sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản đấy. Ta thì chưa đến cái mức đó, nhưng đây mới thực sự là yếu tố đang gây áp lực. Cho nên chúng ta cần biết sức mạnh ngân sách đang như thế nào và yêu cầu phải trả nợ hằng năm ra sao thì tính mới đúng.
Thứ hai, đó là yếu tố lạm phát. Chắc chắn bội chi sẽ làm tăng nguy cơ lạm phát. Cho nên, việc bơm tiền ra, rồi hút tiền về cần tính toán phù hợp để kiềm chế lạm phát. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, lạm phát dễ bị đánh giá không đầy đủ, bởi sức cầu đang rất yếu. Còn giá đầu hay chi phí đẩy đang rất khác.
Hiện nay, áp lực chi phí đẩy đang tăng lên rất mạnh. Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế mở, giữa chi phí đẩy và sức cầu đang chưa thông bởi cầu đang quá yếu. Nhưng một khi yếu tố này đã thông suốt thì phải tính đến chuyện ấy.
Áp lực chi phí đẩy là vô cùng khủng khiếp chứ không phải là nhỏ, nếu như nó cộng hưởng vào thì nó sẽ gây ra nguy cơ lạm phát cao.
Thứ ba, đó là tỷ giá hối đoái. Đây cũng là yếu tố phải tính đến khi bội chi ngân sách để tung ra gói hỗ trợ mạnh.
Các tin liên quan
- GS.TS BÙI QUANG TUẤN: ĐỂ 'DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM NĂM 2022' THỰC SỰ CÓ HIỆU ỨNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN KT-XH (03/10/2022 11:26:16 SA)
- DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021: PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (06/12/2021 2:47:50 CH)
- TS. Lê Xuân Sang: "Mở cửa nền kinh tế: giảm cứng nhắc, tăng tính linh hoạt và không cực đoan" (18/11/2021 11:35:05 SA)
- Phục hồi kinh tế sau đại dịch: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam (12/11/2021 4:41:13 CH)
- Thách thức, cơ hội và đột phá (19/08/2021 11:42:12 SA)
- Chính phủ đi đúng hướng trong các chính sách trọng tâm, xây dựng nền tảng tốt cho tăng trưởng (26/07/2021 9:01:29 CH)
- GDP có thể tăng trưởng đột phá với kinh tế số (08/07/2021 10:47:13 SA)
- PGS.TS Trần Đình Thiên: Hút “đại bàng” Việt, Thanh Hóa sẽ bùng nổ (25/06/2021 5:08:35 CH)
- Cần một tổ hợp chính sách cho xe điện (08/06/2021 10:58:02 SA)