Thách thức, cơ hội và đột phá

19/08/2021 11:42:12 SA

 

thach thuc co hoi va dot pha
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn

 

Ông đánh giá thế nào về khả năng đạt được các chỉ tiêu kinh tế chính trong Kế hoạch KT-XH 5 năm?

Tôi thấy một số chỉ tiêu có khả năng cao đạt được. Chẳng hạn chỉ tiêu GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD là khả thi. Bởi sau khi điều chỉnh lại quy mô GDP, giờ GDP bình quân đầu người đã gần 3.400 USD rồi. Tất nhiên để đạt được mục tiêu cũng còn phụ thuộc vào việc tăng trưởng GDP những năm tới sẽ thế nào. Hay chỉ tiêu đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45% thì cơ bản đến nay cũng đã đạt được rồi, quan trọng là duy trì và tăng thêm “chất” cho nó thôi.

Chỉ tiêu năng suất lao động xã hội tăng bình quân trên 6,5%/năm cũng không phải quá cao, nhưng đòi hỏi nỗ lực mới đạt được vì giai đoạn vừa rồi chỉ tăng được khoảng 5,8%/năm và hiện tại năng suất của mình còn kém xa so với nhiều nước. Năng suất lao động là yếu tố rất quan trọng, là cốt lõi của năng lực cạnh tranh nên khi năng suất thấp, sẽ rất khó nói về năng lực cạnh tranh với khu vực và toàn cầu. Tỷ lệ bội chi ngân sách bình quân 3,7% GDP tôi thấy cũng hợp lý. Với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, việc giữ được bội chi dưới 4% GDP là chấp nhận được.

Nhưng cũng có nhiều chỉ tiêu sẽ rất thách thức. Ví dụ chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25% là rất khó khăn. Hiện nay, công nghiệp chế biến, chế tạo mới chỉ vào khoảng 16,5% GDP và trung bình tăng chưa được 1%/năm. Từ giờ đến 2025 chỉ còn 4 năm nữa mà phải tăng được hơn 8% mới đạt mục tiêu, nghĩa là mỗi năm phải tăng khoảng 2% là không dễ dàng. Chưa kể lĩnh vực này còn đang đối mặt với nhiều khó khăn do Covid-19.

Cũng không dễ dàng đạt chỉ tiêu kinh tế số khoảng 20% GDP nếu không có những giải pháp đột phá. Dù đóng góp của mảng này tăng khá mạnh trong năm 2020, nhưng chủ yếu là vì quy mô của kinh tế số còn nhỏ. Còn để tiếp tục tăng cao khi quy mô lớn hơn là không dễ. Hơn nữa, hiện vẫn đang có sự lẫn lộn trong cách hiểu về đóng góp của kinh tế số theo nghĩa rộng với kinh tế số lõi. Nếu chúng ta muốn có được “chất” của kinh tế số thực sự, chúng ta cần làm rõ định nghĩa và đóng góp của các loại hình kinh tế số này trong chỉ tiêu chung đặt ra.

Vậy theo ông, mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7% trong 5 năm tới thế nào?

Khả năng đạt được mục tiêu này chắc chắn là khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu là tác động của dịch bệnh. Nếu dịch bệnh kéo dài đến ít nhất là giữa năm 2022, có nghĩa là mất 1/3 thời gian của Kế hoạch 5 năm rồi và như thế rất khó đạt được mục tiêu của cả giai đoạn. Với tác động nặng nề hơn của dịch bệnh, tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2022 cao lắm cũng chỉ đạt khoảng 6%. Để cả giai đoạn được 6,5-7% thì các năm 2023-2025 sẽ phải đạt khoảng 7,2-7,5%/năm mới “cõng” được cho cả giai đoạn 5 năm. Mà để tăng trưởng được 7,5%/năm thì rất khó.

Bên cạnh đó, rủi ro không đạt mục tiêu còn đến từ việc nền kinh tế về cơ bản chưa có những thay đổi một cách căn bản.

Liệu có kịch bản nào để đạt được mục tiêu này không, thưa ông?

Tôi cho rằng sẽ có 2 kịch bản chính: Một là, chúng ta sẽ sớm phục hồi kinh tế thậm chí ngay trong năm nay, qua đó giữ được quỹ đạo tăng trưởng trung bình khoảng 6,8%/năm như giai đoạn 2016-2019. Tuy nhiên, kịch bản này là khó xảy ra.

Ở kịch bản thứ hai, tăng trưởng có thể thấp giai đoạn đầu của Kế hoạch, nhưng chúng ta phải tranh thủ sự đứt gãy do Covid để nâng được quỹ đạo tăng trưởng cao trong giai đoạn sau, lên quanh mức 7,2-7,5%, qua đó bù đắp cho giai đoạn đầu.

thach thuc co hoi va dot pha
Hiện năng suất lao động vẫn đang rất thấp so với khu vực và thế giới

Để nâng quỹ đạo tăng trưởng lên như vậy cần những yếu tố gì, thưa ông?

Đúng là kịch bản này rất khó, nhưng không phải là nhiệm vụ bất khả thi mà chúng ta vẫn có dư địa, các động lực để có thể đạt được. Về các trụ cột tăng trưởng, rõ ràng ngoại trừ một số lĩnh vực trong ngành dịch vụ (như du lịch, hàng không…) chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và khó phục hồi ngay; còn các ngành, lĩnh vực khác từ xuất khẩu, công nghiệp chế biến chế tạo, tiêu dùng, thu hút vốn FDI… vẫn tăng trưởng rất tích cực. Tuy hầu hết đang chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ đợt dịch lần thứ tư này. Nhưng chỉ cần kiểm soát được dịch bệnh thì những lĩnh vực này sẽ phục hồi nhanh, nên về cơ bản có thể khẳng định các cơ sở nền tảng cho tăng trưởng vẫn đang có.

Bên cạnh đó tôi cho rằng, bối cảnh hiện nay tuy rất thách thức, nhưng cũng chính là cơ hội. Chính trong khó khăn chúng ta sẽ đưa ra được rất nhiều các giải pháp quyết liệt, sáng tạo, đột phá cho phép chúng ta có thể bứt phá để cùng với các nền tảng đã có sẽ giúp tạo ra quỹ đạo tăng trưởng cao hơn. Trong đó, cần tập trung đột phá vào kinh tế số, khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, nâng được hàm lượng giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu và trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay… Điều này không những góp phần giúp hình thành quỹ đạo tăng trưởng GDP cao hơn, mà còn giúp đạt được các chỉ tiêu mà tôi cho là khó và phải rất nỗ lực đạt được như đã đề cập ở trên. Nhưng tôi cũng muốn lưu ý, tất cả những yếu tố đó muốn làm được đòi hỏi phải có sự thay đổi tư duy, cách làm.

Theo ông, vấn đề quan trọng nhất cần đạt được trong 5 năm tới là gì?

Câu trả lời của tôi không nằm ở các con số cụ thể, mà nằm ở vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng. Chúng ta đã bàn nhiều về các con số cụ thể, đặc biệt là cần một quỹ đạo tăng trưởng cao để đạt được mục tiêu GDP chung cho 5 năm. Tuy nhiên, tôi cho rằng con số tăng trưởng là bao nhiêu của một giai đoạn không nói được nhiều điều, mà cách thức chúng ta đạt con số đó như thế nào sẽ quan trọng hơn.

Nền kinh tế đạt được mục tiêu đặt ra là điều rất tốt, nhưng nếu đạt được bằng những trụ cột có tính bền vững cao; cơ cấu kinh tế chuyển hướng từ chiều rộng sang chiều sâu một cách thực chất và mạnh mẽ hơn; dựa vào năng suất, năng lực cạnh tranh được nâng lên; sự tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp với giá trị gia tăng cao lên; dựa vào đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, kinh tế số; thân thiện với môi trường hơn… thì sẽ rất tốt, bền vững và điều đó còn quan trọng hơn nhiều. Đó cũng chính là bản chất cần đạt được của đổi mới mô hình tăng trưởng.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lê thực hiện

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/thach-thuc-co-hoi-va-dot-pha-118023.html