Bài Diễn văn của PGS.TS. Trần Đình Thiên tại Lễ kỉ niệm 55 năm thành lập Viện Kinh tế Việt Nam

22/08/2019 9:40:05 SA

CHO TUỔI 55 VẪN TRẺ TRUNG,

TRÀN ĐẦY TÌNH YÊU VÀ SỨC SÁNG TẠO

[Diễn văn PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng, đọc lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Viện Kinh tế Việt Nam]

Kính thưa GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện HLKHXHVN;

Kính thưa các vị đại biểu;

Kinh thưa tất cả những người đã từng là và đang là cán bộ của Viện KTVN

Đúng ra, lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện KTVN phải được tổ chức từ đầu năm nay. Song mãi đến hôm nay, tức là đến một trong những ngày cuối cùng của năm, Viện mới tổ chức được sự kiện quan trọng này.

Trong năm, đã có nhiều cuộc điện thoại gọi đến tôi, hỏi Viện năm nay có tổ chức kỷ niệm 55 năm thành lập không.

Tôi trả lời: có, nhưng chưa, còn phải tính thêm.

Cho đến tận ĐH Chi bộ của Viện hồi tháng 9 vừa rồi, tôi nhắc lại vấn đề này trước Chi bộ với tinh thần chưa biết tổ chức lễ kỷ niệm thế nào.

A. Đỗ Hoài Nam nói "Tưởng quên rồi, không làm nữa". Một lời nhắc nhở, hơi có ý trách móc. Nhẹ nhàng và rất đúng lúc. Tôi nói: vẫn làm nhưng phải tính thêm.

Tại sao phải tính thêm, và tính cái gì?

Xin được nói luôn: tính tiền. Viện lúc đó không có tiền để tổ chức sự kiện này.

Không có tiền, không đủ tiền thì không, hay ít nhất cũng khó tổ chức gặp gỡ mọi người được. Hoặc có gặp, nếu chỉ với quyết tâm và tình cảm không thôi thì khó mời được đông đủ mọi người, khó đông vui, khó tạo sự kiện đáng nhớ, không tương xứng với tầm vóc của sự kiện 55 năm thành lập Viện, không đáp ứng được kỳ vọng của tất cả những người đã từng và hiện đang làm ở Viện.

Lần kỷ niệm này, Viện cũng không có chủ trương xin một cái Huân chương như thông lệ. Tuy có làm được một số việc có ý nghĩa, chúng tôi cho rằng mình vẫn còn thiếu một số thứ để xứng đáng, thật sự xứng đáng nhận Huân chương bậc cao. Quy trình xin Huân chương lại khá phức tạp, nhiều quy định mà có thể Viện chưa đạt được. Chưa nhận được Huân chương lần này, Lãnh đạo Viện cùng toàn thể cán bộ đương nhiệm của Viện xin lỗi tất cả thành viên của Viên, nếu điều đó có gây ra sự thất vọng.

Nhưng đã không có Huân chương hay một danh hiệu ghi nhận, đánh dấu nào đó thì phải có định hướng khác để ghi nhận dấu mốc quan trọng này. Vì Viện KTVN vẫn là Viện của chúng ta, là Viện đã có lịch sử, đang tiếp tục viết lịch sử của mình; Viện có những con người, có kỷ niệm, đồng thời có đủ thứ mới mẻ, thú vị, từ 4 phương tụ hội. Do vậy, phải tổ chức gặp gỡ, tổ chức lễ kỷ niệm đàng hoàng. Viện Ktế của chúng ta phải tiếp tục tồn tại, phải hiện diện trong mỗi chúng ta, trong sự hội tụ trở lại, nếu không phải là của tất cả, thì cũng phải là của đông đảo những người đến tham dự sự kiện này - những người đã là, đang là thành viên của Viện, của Đại gia đình Viện KTVN.

Với nỗi trăn trở đó, Viện Kinh tế Việt Nam đã nỗ lực trong mấy tháng cuối năm, để kiếm tiền, để hoạch định phương án tổ chức sự kiện. Kết quả là chúng ta có ngày gặp gỡ hôm nay. Có thể chưa sang trọng, chưa hoành tráng và chưa đủ giàu để chi tiêu rộng rãi như mong đợi, song có lẽ cũng đủ trang trọng và đàng hoàng. Và quan trọng nhất là tất cả chúng ta đều cảm nhận được sự đầm ấm, thân tình của một cuộc gặp gỡ- xứng đáng gọi là "cuộc về nguồn".

Kính thưa mọi người

Hôm nay, những người con của Viện Kinh tế Việt Nam - xin phép cho tôi gọi như vậy - về khá đông đủ. Nhiều người đã lớn tuổi, như bác Phạm Tiến, bác Phan Tất Thái. Nhiều người sức đã yếu, mắt đã mờ, mắc bệnh nặng - như anh Ngô Kim Chung. Có những người ở rất xa - như anh Trịnh Huy Hóa ở Sài gòn, v.v. Nhiều hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Nhưng mỗi người đều đã vượt khó khăn để đến, góp mặt và góp vui hôm nay.

Xin cám ơn tất cả các Bác, các chú, cô, anh, chị, cám ơn tất cả chúng ta, đã đến, vì Viện Kinh tế Việt Nam, vì cái cộng đồng thân yêu này.

Nhưng chưa đủ. Hôm nay, chúng ta thấy vẫn còn thiếu nhiều khuôn mặt thân quen của nhiều thế hệ. Hại vợ chồng GS. Trần Phương không đến được. Cô Nguyễn Thị Diệp, Bác Nguyễn Gia Ngọ không thấy có mặt. Những người ở xa như Bác Lâm Quang Huyên, chị Trương Thị Minh Sâm ở TP. Hồ Chí Minh, Chị Kim Lan ở Lâm Đồng, Bác Nguyễn Hữu Bả ở Khánh Hòa những lần kỷ niệm trước có mặt, năm nay không đến được. Và nhiều người khác nữa. Chúng ta thật sự thấy vắng vẻ, cảm thấy rõ ràng nỗi buồn sâu sắc vì những sự vắng mặt đó.

Nhưng lúc này, tôi đặc biệt muốn chúng ta, những người đang có mặt tại đây, lúc này dành một phút tưởng niệm đến những thành viên của Viện KTVN, đã vĩnh viễn đi xa, đã không thể nào đến được với chúng ta hôm nay. Đó là GS. Đào Văn Tập, GS. Nguyễn Huy, GS. Nguyễn Ngọc Minh, là Anh Đặng Phong, Chị Đào Hằng, là Anh Nguyễn Văn Huân, Anh Phan Sỹ Mẫn, Anh Nguyễn Quý Luyện cùng những người thân yêu khác đã mãi mãi vĩnh biệt chúng ta.

Xin mời tất cả mọi người đứng dậy và dành một phút mặc niệm.

Kính thưa tất cả mọi người.

Tôi xin phép không trở lại lịch sử nhiều năm trước của Viện. Không phải vì tôi cố tình quên đi phần lịch sử đó. Chúng ta đã có một cuốn phim tài liệu rất xúc động về lịch sử. Nhân vật trong phim là tất cả chúng ta. Còn người có công dựng lại lịch sử bằng hình đó là Anh Vũ Tuấn Anh, nguyên Viện trưởng, cùng một nhóm cộng sự trong Viện.

Tôi chỉ xin được dành mấy phút để báo cáo với tất cả các quý vị những nét cơ bản của Viện Kinh tế Việt Nam hiện tại. Mọi người đi xa trở lại Viện có lẽ đang muốn biết về chính ngôi nhà hiện tại của mình.

Thứ nhất, Viện có một cơ ngơi tạm gọi là khang trang. Với trọn 2 tầng của ngôi nhà này, Viện coi như có đủ điều kiện vật chất nền tảng để hoạt động. Để có được cơ ngơi này, có công lớn của anh Đỗ Hoài Nam, anh Nguyễn Xuân Thắng và Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXHVN.

Thứ hai, Viện hiện có khoảng 60 cán bộ, bao gồm cả biên chế chính thức và cán bộ hợp đồng. Đánh giá thực lực một cách sòng phẳng, theo bất cứ tiêu chí hay góc độ nào, đều phải nói Viện đang không phải là lúc có thực lực nghiên cứu mạnh, chưa nói là mạnh nhất. Thiếu lực lượng “đầu đàn” mạnh, thiếu sự kết nối liên tục giữa các thế hệ. Thậm chí sắp tới có thể xẩy ra tình trạng có “khoảng trống thế hệ”. Việc tuyển cán bộ mới có năng lực xuất phát tốt rất khó khăn. Chắc tất cả chúng ta đều hiểu nguyên nhân. Cộng thêm vào đó là cơ chế đãi ngộ, khuyến khích và cạnh tranh trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn những bất cập. Kết cục là thực lực khoa học của Viện không mạnh, hay đúng hơn, chưa mạnh.

Thứ ba, hoạt động nghiên cứu của Viện hiện nay chưa thực sôi động, chưa cuốn hút mạnh mẽ mọi người vào quỹ đạo sáng tạo, chưa thúc đẩy được khát khao tìm tòi, phát hiện ở các cán bộ nghiên cứu, đặc biệt là những nhà nghiên cứu trẻ. Vì vậy, kết quả khoa học và những đóng góp thực tế của Viện cho đến nay thực sự chưa nhiều, chưa nổi bật và tự chúng tôi cho rằng còn xa mới đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống cũng như mong muốn của chúng ta.

Bộ máy lãnh đạo Viện đương nhiệm, trước hết là tôi, xin chịu trách nhiệm về tình trạng đó.

Nhưng mặt khác, cũng phải nói một cách công bằng rằng sau một giai đoạn khó khăn, trong mấy năm gần đây, Viện bắt đầu trở lại quỹ đạo tiến lên. Chậm, hoặc có thể nói, đang rất chậm, nhưng đang có động thái tiến lên, một cách chắc chắn, rõ ràng và khá tự tin, trên nhiều khía cạnh và phương diện. Lớp trẻ đang có những bước đi khẳng định mình. Cuộc họp Tổng kết Viện năm 2015 cách đây mấy ngày ghi nhận điều đó. Lãnh đạo Viện HLKHXH tham dự Tổng kết cũng xác nhận và đánh giá cao điều đó.

Cán bộ của Viện đã hoàn thành một loạt Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp bộ với chất lượng khá hơn qua từng năm. Các đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, chủ yếu dành cho cán bộ trẻ, đạt được những kết quả vượt bậc. Sẽ có những cuốn sách, chúng tôi tin là có giá trị, sẽ được xuất bản trên cơ sở các công trình nghiên cứu "trẻ" này.

Đó là chưa kể đến những đóng góp của cán bộ Viện vào việc xây dựng đường lối, chiến lược, tham gia Tư vấn chính sách, hợp tác với các địa phương trong nghiên cứu - phát triển, v.v. Những đóng góp này được xã hội - Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các ngành, các cấp, các doanh nghiệp và cả người dân - thừa nhận trên cơ sở những sự đánh giá khách quan và công bằng.

Xin các vị khách quý hôm nay dành một tràng vỗ tay khích lệ cho sự khởi đầu tích cực của một Viện Kinh tế Việt Nam 55 tuổi nhưng vẫn còn rất trẻ trung hôm nay.

Kính thưa các vị Đại biểu cùng tất cả các thành viên VKTVN.

Viện Kinh tế VN vẫn đang trưởng thành, vẫn tiếp tục đóng góp cho đất nước theo đúng chức năng, sứ mệnh của mình. Và cả bằng tình yêu đất nước, tình yêu Viện có trong mỗi cán bộ của Viện.

Nhiều người đã đến Viện làm việc, rồi đi khỏi Viện, nhận nhiệm vụ và trọng trách mới. Tất cả họ đã có những đóng góp xứng đáng ở cương vị làm việc của mình. Viện tự hào về tất cả những con người đó.

Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng có không ít người trong số họ đã có những bước tiến đặc biệt mạnh mẽ. GS. Trần Phương, GS. Đào văn Tập, Anh Võ Đại Lược, Anh Lê Đức Thúy, Anh Đỗ Hoài Nam, Anh Nguyễn Xuân Thắng, Anh Nguyễn Ngọc Quang - đều đã từng là người của Viện Kinh tế Việt Nam; hay Anh Đặng Xuân Thanh chỉ ở Viện Kinh tế Việt Nam một thời gian khá ngắn ngủi. Họ ở Viện và đã đi khỏi Viện, nhận những chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Nhưng diều rất đáng quý, rất đáng được nói đến ngày hôm nay là: khi ở cương vị mới, tất cả họ đều thấy có phần đóng góp có giá trị của Viện Kinh tế Việt Nam trong thành công của mình.

Viện Kinh tế Việt Nam thật sự tự hào về điều đó. Đó cũng là niềm tự hào về chính Viện của mình.

Xin cám ơn các vị đã đi ra và trở lại, với Viện Kinh tế Việt Nam.

Tôi xin được dùng từ "Tự hào" để khép lại bài diễn văn này. Bởi vì đó là từ xứng đáng nhất để dành cho ngày hôm nay, cho tuổi 55 vẫn còn tràn đầy sức trẻ, sức sáng tạo, tràn đầy tình yêu của Viện Kinh tế VN.

Xin trân trọng cám ơn tất cả mọi người!

Các tin liên quan