Bài viết tuyên truyền Đại hội Đảng bộ Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam NK 2025-2030
10/04/2025 11:50:15 SA
Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã
Kinh tế tập thể, mà trọng tâm là hợp tác xã được Đảng ta xác định có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Với tư cách là cơ quan nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn cung cấp luận cứ khoa học phục vụ Đảng và Nhà nước hoạch định các chủ trương, đường lối; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã tích cực, chủ động thực hiện nhiều nghiên cứu, trong đó đáng chú ý là tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ Viện Hàn lâm và tiến tới Đại hội Đảng các cấp, bài viết này khái quát về triển khai các nội dung nghiên cứu, học tập về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã tại Viện Hàn lâm và đặt ra những vấn đề để tiếp tục thảo luận, đóng góp ý kiến.
I. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã
Kinh tế tập thể, mà trọng tâm là hợp tác xã được Đảng ta xác định có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển thành phần kinh tế này: Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu qủa kinh tế tập thể; Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu qủa kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã ban hành Chương trình số 1398-CTr/ĐU ngày 26/4/2023 về chương trình hành động, kế hoạch về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cụ thể như sau:
- Việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhằm tạo sự nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
- Thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh của Viện Hàn lâm trong nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn về kinh tế tập thể, hợp tác xã phục vụ cho việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
- Các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Viện Hàn lâm tổ chức quán triệt, phổ biến tới các tổ chức đảng, đảng viên trong đảng bộ, chi bộ các nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; thực hiện kịp thời, đầy đủ Chương trình, kế hoạch hành động của Đảng ủy Viện Hàn lâm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Ngay sau khi Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) ban hành Chương trình số 1398-CTr/ĐU ngày 26/4/2023, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Viện Hàn lâm đã tích cực, chủ động tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về phát triển kinh tế tập thể, đó là:
- Các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Viện Hàn lâm tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt tới các tổ chức đảng, đảng viên trong đảng bộ, chi bộ trong Đảng bộ Viện Hàn lâm các nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
- Xây dựng báo cáo nghiên cứu, tổng kết hoàn hiện lý luận về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trình Thủ tướng Chính phủ theo Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 02/02/2023 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
- Tổ chức nghiên cứu, đề xuất đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể phục vụ cho việc xây dựng Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) (thời gian 2023-2024); Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030, kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch hàng năm (thời gian 2023-2030); và các cơ chế, chính sách có liên quan.
II. Thực tiễn phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, phát triển
Kinh tế tập thể (KTTT), trọng tâm là hợp tác xã (HTX) được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Phát triển KTTT, HTX không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội, phù hợp với thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
2.1. Diễn tiến tư duy, nhận thức và cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã từ đổi mới đến nay
Diễn tiến tư duy, nhận thức của Đảng về phát triển KTTT, HTX
Đại hội VI (năm 1986) khẳng định, Việt Nam có các thành phần kinh tế XHCN là kinh tế quốc doanh và KTTT, trong đó: kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, chi phối; KTTT được củng cố theo hướng nâng cao trình độ tổ chức quản lý và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật. Đại hội VII (năm 1991), Đảng xác định kinh tế quốc doanh và KTTT trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân (KTQD) (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2019). Như vậy, tại Đại hội VI và Đại hội VII, Đảng đánh giá cao vai trò và xác định KTTT là thành phần kinh tế XHCN, là nền tảng của KTQD. Những quan điểm nêu trên được nhất quán và tiếp tục khẳng định trong các kỳ Đại hội sau đó.
Đại hội VIII (năm 1996) làm rõ hơn nội hàm của KTTT, HTX với việc đưa ra khái niệm và hình thức để phát triển kinh tế hợp tác xã. Đại hội IX (năm 2001), Đảng tiếp tục đề cập đến các hình thức phát triển đa dạng của KTTT, trong đó nhấn mạnh vai trò nòng cốt của HTX, phát triển HTX kinh doanh tổng hợp đa ngành hoặc chuyên ngành(Đảng Cộng sản Việt Nam, 2019).
Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX ban hành Nghị quyết số 13/2002/NQ-TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT. Nghị quyết 13 đưa ra các quan điểm, nhận thức mới: i) phát triển KTTT, HTX, tập trung dịch vụ đầu vào cho nông nghiệp và mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết; ii) chú trọng hiệu quả và lợi ích cho thành viên và xã hội, chú trọng nguyên tắc tự nguyện, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của KTTT; iii) KTTT hoạt động có mục đích kinh tế - xã hội và nhân văn, không chỉ vì lợi ích kinh tế thuần túy (Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, 2002).
Đại hội XII (năm 2016), Đảng đưa ra những yêu cầu để phát triển KTTT, HTX, trong đó nhấn mạnh phát huy vai trò của kinh tế hộ.
Đại hội XIII (năm 2021), Đảng nhấn mạnh vai trò cung cấp dịch vụ, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD), phát triển bền vững của KTTT, HTX và đưa ra quan điểm phải tăng cường liên kết giữa các HTX, hình thành các hiệp hội, liên hiệp HTX (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2021).
Hội nghị lần thứ Năm, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 20/2022/NQ-TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới. Nghị quyết 20 nhấn mạnh yêu cầu phát triển KTTT, HTX theo hướng năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền KTQD, phát huy vai trò là thành phần kinh tế XHCN (Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, 2022).
Diễn tiến cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, HTX
Kể từ đầu đổi mới đến nay, các quan điểm, chủ trương và cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, HTX có những bước chuyển về tư duy, nhận thức. Luật HTX năm 1996 thừa nhận quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong SXKD của HTX. Luật HTX năm 2003 làm rõ hơn quyền và nghĩa vụ, chính sách của Nhà nước đối với HTX. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để HTX phát triển, bảo đảm địa vị pháp lý và điều kiện SXKD của HTX bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp,… tôn trọng quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm của HTX trong SXKD; không can thiệp vào công việc quản lý nội bộ và hoạt động hợp pháp của HTX. Đối tượng tham gia HTX theo luật này cũng được mở rộng hơn, bao gồm cả cá nhân, pháp nhân và cán bộ công chức. Luật HTX năm 2012 làm rõ hơn chức năng của HTX, xác định rõ hơn sự khác biệt của HTX so với doanh nghiệp (Quốc hội, 2012).
Luật HTX năm 2023 có thêm những điểm mới là: i) bổ sung phân loại thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn; ii) quy định cụ thể 07 nguyên tắc mang tính bản chất HTX của Liên minh HTX quốc tế (ICA); iii) mở rộng và trao quyền nhiều hơn cho HTX, liên hiệp HTX tự quyết định việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra bên ngoài sau khi đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thành viên, phát triển thị trường bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác; iv) thể chế hóa 8 nhóm chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT (Quốc hội, 2023).
Ngày 12/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 340/2021/QĐ-TTg về Phê duyệt Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030. Chiến lược này có điểm mới so với giai đoạn trước, trong đó đáng chú ý là nhấn mạnh yêu cầu xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương, chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên.
2.2. Những rào cản đối với sự phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Chồng chéo, thiếu đồng bộ giữa Luật HTX với các văn bản pháp luật khác
Luật HTX năm 2012 và Luật Đất đai năm 2013 có sự thiếu đồng bộ về giao đất cho HTX. Luật HTX năm 2012 (Điều 6) quy định HTX, liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp được hưởng chính sách “Giao đất, cho thuê để phục vụ hoạt động của HTX, liên hiệp HTX theo quy định của pháp luật về đất đai”. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 (Điều 54, Điều 55) không quy định “giao đất” cho HTX, liên hiệp HTX sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp chỉ quy định cho HTX, liên hiệp HTX “thuê đất” (Điều 56, Điều 133).
Điều tương tự cũng có thể thấy giữa Luật HTX và Luật Các tổ chức tín dụng. Về người đại diện Quỹ tín dụng nhân dân, Luật HTX năm 2012 quy định, Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện duy nhất của HTX. Tuy nhiên, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 (khoản 2, Điều 3) cho phép người đại diện có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc theo Điều lệ của Quỹ tín dụng nhân dân ban hành.
Một số chính sách gây cản trở đối với hoạt động của HTX
HTX có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế, thường gặp khó khăn trong huy động vốn SXKD từ thành viên và các tổ chức tín dụng bên ngoài do chịu sự ràng buộc bởi các quy định.
Luật HTX năm 2012 (Điều 17) quy định: Đối với HTX, thành viên HTX không được góp quá 20% vốn điều lệ và đối với liên hiệp HTX, các thành viên không được góp quá 30% vốn điều lệ của HTX. Quy định này ảnh hưởng đến việc huy động nguồn vốn góp từ các thành viên, trong khi đây có thể được coi là nguồn vốn dễ huy động và chi phí rẻ hơn hơn so với vay vốn từ các tổ chức tài chính.
Theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các tổ chức tín dụng được phép hỗ trợ vốn cho các HTX theo một số quy chế được quy định trong Nghị định. Trong khi đó, các ngân hàng phải tự cân đối nguồn vốn để cho vay và tự chịu trách nhiệm khi rủi ro xảy ra, việc xử lý rủi ro phải được xác định là do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh. Thế nhưng chính sách về bảo hiểm nông nghiệp chưa đầy đủ, chậm triển khai, gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng mở rộng cho các HTX nông nghiệp vay.
Nghị định số 107/2017/NĐ-CP (Điều 5) quy định tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, việc làm mà HTX, liên hiệp HTX cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên, HTX thành viên. Tỷ lệ này không được vượt quá mức 50% tổng giá trị cung ứng sản phẩm dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX và không quá 30% tổng tiền lương của HTX tạo việc làm. Việc đưa ra mức giới hạn về tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ của HTX ra thị trường tạo sự thiếu bình đẳng trong cạnh tranh và chưa khuyến khích HTX mở rộng SXKD khi tham gia thị trường; đồng thời, làm mất đi tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX.
Một số chính sách chưa phù hợp với nguyên tắc cơ bản của HTX và xu hướng phát triển của thế giới
Các quy định chưa phản ánh đầy đủ định nghĩa và nguyên tắc cơ bản của HTX theo khuyến cáo của ICA. Một số quy định đã bó hẹp hoặc can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của HTX, chưa tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng cho HTX so với các loại hình kinh tế khác. Theo Điều 3, Điều 15 Luật HTX năm 2012, HTX là tổ chức KTTT, đồng sở hữu, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động SXKD, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý HTX. Như vậy, Luật HTX năm 2012 nhấn mạnh hơn tới khía cạnh cùng nhau SXKD và tạo việc làm. Tuy nhiên, theo định nghĩa của ICA, các HTX thành lập để đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, xã hội, văn hóa của thành viên, không chỉ giới hạn về mặt kinh tế như trong Luật HTX năm 2012.
Khoản 7, Điều 7 Luật HTX năm 2012 quy định HTX, liên hiệp HTX chăm lo phát triển bền vững cộng đồng thành viên, HTX thành viên và hợp tác với nhau nhằm phát triển phong trào HTX trên quy mô địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế. Như vậy, luật định chú trọng nhấn mạnh hơn tới sự phát triển của cộng đồng thành viên bên trong HTX, chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc thứ 7 của ICA về HTX là quan tâm tới “cộng đồng xã hội”, tức là cộng đồng nói chung cả bên trong và bên ngoài của HTX.
2.3. Thực tiễn phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Phát triển KTTT
KTTT, trong đó nòng cốt là HTX, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quy mô của KTTT có xu hướng gia tăng, từ 108.344 tỷ đồng (năm 2015) lên 133.588 tỷ đồng (năm 2020) (theo giá cố định 2010) (Tổng cục Thống kê, 2022). Tổng số thành viên khu vực KTTT là gần 8 triệu người, với 976,3 nghìn người có việc làm thường xuyên (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2023). Tuy nhiên, khu vực KTTT chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết số 13-NQ/TW đặt ra. Nghị quyết đề ra mục tiêu KTTT đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong hơn 20 năm kể từ Nghị quyết số 13-NQ/TW, tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT đạt thấp (dưới 6%) và chỉ bằng một nửa tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp của KTTT vào GDP có xu hướng giảm.
Phát triển HTX
Trong giai đoạn vừa qua, việc phát triển hợp tác xã đạt được các kết quả đạt như sau:
- Số lượng HTX, thành viên HTX có xu hướng tăng lên.
Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, HTX đã có những chuyển biến đáng kể. Tính đến ngày 31/12/2010 (trước khi Luật HTX năm 2012 được ban hành), cả nước có tổng cộng 6.302 HTX. Với sự ra đời của Luật HTX năm 2012 và các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, số lượng HTX có sự gia tăng đáng kể: năm 2022 là 29.021 HTX, gấp 4,6 lần so với năm 2010. Sự gia tăng này phản ánh số HTX thành lập mới tăng lên với các con số trong các giai đoạn 2001-2011 và 2012-2021 lần lượt là 11.640 HTX và 26.170 HTX.
HTX từng bước khẳng định vị trí, vai trò trong việc tập hợp những người sản xuất với nhau để khai thác lợi thế nhờ quy mô, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và tìm kiếm các cơ hội thị trường. Số lượng thành viên tham gia các HTX đạt khoảng 8 triệu năm 2013 nhưng giảm xuống 6,57 triệu năm 2016 và còn 6,98 triệu năm 2018, tới năm 2021 là 6 triệu thành viên. Kể từ năm 2021, số lượng thành viên tham gia HTX đang tăng lên. Năm 2022, các HTX thu hút 6,94 triệu thành viên, tăng so với năm 2021; quý I/2023, các HTX đã thu hút 5,3 triệu thành viên (Liên minh HTX Việt Nam, 2023).
- Kết quả SXKD của HTX chuyển biến tích cực.
Doanh thu của HTX đang hoạt động có kết quả SXKD có xu hướng tăng lên. Giai đoạn 2016-2022, doanh thu bình quân của mỗi HTX tăng từ 1,6 tỷ đồng lên 2,3 tỷ đồng/năm. Năm 2022, doanh thu bình quân của 125 liên hiệp HTX là 258 tỷ đồng/năm, lãi bình quân 8,9 tỷ đồng/năm. Một số liên hiệp HTX có quy mô lớn như: Liên hiệp HTX thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Coop), doanh thu 32.000 tỷ đồng/năm; Liên hiệp HTX nông sản an toàn Sơn La, Liên hiệp HTX dịch vụ nông nghiệp-tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop); Liên hiệp HTX Artermia Vĩnh Châu, Liên hiệp HTX chế biến-xuất khẩu thanh long Bình Thuận... Bên cạnh đó, doanh thu bình quân của 1 tổ hợp tác là 294,8 triệu đồng/năm (Liên minh HTX Việt Nam, 2022).
Lợi nhuận bình quân theo HTX có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ HTX kinh doanh có lãi chiếm 57,7%; kinh doanh hòa vốn chiếm 13,9%; kinh doanh lỗ chiếm 28,4%.
- Các HTX đẩy mạnh liên kết sản xuất.
Liên kết giữa các HTX với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển. Các HTX nông nghiệp là tác nhân quan trọng trong việc tích tụ, tập trung đất sản xuất nông nghiệp để hình thành các cánh đồng mẫu lớn, là tác nhân thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản và liên kết để hình thành chuỗi giá trị. Năm 2021, có 4.028 HTX nông nghiệp (chiếm 22,7% tổng số HTX nông nghiệp, tăng hơn 10% so với trước năm 2015) tham gia liên kết với 1.867 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch chế biến và tiêu thụ nông sản và có trên 6.792 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản (bằng 37% tổng số HTX nông nghiệp). Các chuỗi liên kết, chế biến, tiêu thụ nông sản được thực hiện với 4 tác nhân tham gia gồm 271 tổ chức khoa học, 586.585 hộ nông dân (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2021). Nhờ đó, hoạt động sản xuất của thành viên đạt hiệu quả cao hơn; cung cấp được nông sản bảo đảm chất lượng, giá thành, mẫu mã, chủng loại cho thị trường và đóng góp vào hoạt động xuất khẩu nông sản.
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc phát triển hợp tác xã còn những hạn chế, yếu kém, đó là:
- Số lượng HTX gia tăng nhưng số đang hoạt động và quy mô của các HTX vẫn khiêm tốn
Số lượng HTX và HTX thành lập mới có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, số HTX đang hoạt động có kết quả SXKD so với tổng HTX vẫn còn khá khiêm tốn và có xu hướng.
Phần lớn các HTX có quy mô nhỏ và có xu hướng giảm. Trong giai đoạn 2010-2021, bình quân mỗi HTX đang hoạt động chỉ có 14 lao động và giảm từ 21 lao động (năm 2010) xuống còn 10 lao động (năm 2021). Số lượng HTX dưới 10 lao động chiếm tỷ lệ cao nhất với 60,1% tổng số HTX, từ 10-49 lao động chiếm 37,0% và chỉ có 2,9% số HTX có trên 50 lao động (Tổng cục Thống kê, 2022). Năng lực của HTX còn yếu, nhiều HTX hoạt động trong tình trạng khó khăn, thiếu hụt nguồn vốn đầu tư, cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Chất lượng hoạt động thấp hơn so với tiềm năng và so với khu vực doanh nghiệp.
- Số lượng thành viên HTX và hiệu quả SXKD dù cải thiện nhưng vẫn còn khiêm tốn
Số lượng HTX tăng nhưng số lượng thành viên của mỗi HTX vẫn còn khiêm tốn. Trung bình mỗi HTX mới chỉ có 358 thành viên (năm 2022); tỷ lệ thành viên HTX trên dân số cả nước đạt khoảng 5,7%, thấp hơn so với con số 12% của thế giới (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2023).
Hiệu quả SXKD của các HTX đang hoạt động dù cải thiện nhưng vẫn còn khiêm tốn. Trong giai đoạn 2018-2021, lợi nhuận trước thuế bình quân mỗi doanh nghiệp chỉ đạt 185 triệu đồng/HTX và 14,8 triệu đồng/lao động, tỷ suất lợi nhuận so với doanh thu thuần là 2,7% (Tổng cục Thống kê, 2022).
2.4. Các kết quả về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và những vấn đề cần tiếp tục bổ sung, phát triển
Các kết quả đạt được
Trải qua gần 40 năm đổi mới, việc đổi mới tư duy, điều chỉnh chính sách của Đảng và Nhà nước về KTTT, HTX đạt được những kết quả tích cực như sau:
Thứ nhất, chuyển đổi từ mô hình KTTT, HTX mang nặng tính quan liêu bao cấp, hoạt động kém hiệu quả sang các mô hình KTTT, HTX kiểu mới tự chủ, tự chịu trách. Các chính sách về KTTT, HTX tạo ra những hành lang pháp lý ngày càng thông thoáng hơn, quyền tự do kinh doanh của các HTX được Nhà nước thừa nhận và đề cao.
Thứ hai, KTTT mà nòng cốt là các HTX đã có những thay đổi trong cơ chế quản lý phù hợp với cơ chế thị trường, tôn trọng những quy luật của kinh tế thị trường. Do vậy, nhiều HTX, liên hiệp HTX được củng cố về số lượng, chất lượng, hoạt động hiệu quả hơn .
Thứ ba, thể chế để KTTT, HTX có những thay đổi “về chất”, các HTX đã phát triển thành những tổ chức sản xuất hiệu quả, mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên của HTX, các thành viên HTX được tạo động lực về vật chất, tinh thần để gắn bó lâu dài với HTX. Điểm mới và cũng là nét đặc trưng của KTTT ở Việt Nam là Nhà nước tạo cơ chế, chính sách để KTTT mà nòng cốt là các HTX phát triển kinh tế nhưng cũng có những cơ chế để KTTT phát huy được vai trò là thành phần kinh tế XHCN. Các HTX, liên hiệp HTX đã thể hiện vai trò quan trọng trong giải quyết những vấn đề an sinh xã hội, nhất là ở vùng nông thôn .
Những vấn đề đặt ra
Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng phát triển KTTT, HTX vẫn đang gặp phải những vấn đề như sau :
Thứ nhất, cơ sở vật chất và năng lực nội tại của thành phần KTTT, HTX vẫn yếu kém, chưa có đủ năng lực để vươn lên thành thành phần kinh tế nòng cốt.
Thứ hai, nhiều HTX còn mang nặng tàn dư của thời kỳ bao cấp, trình độ quản trị, năng lực nguồn nhân lực thấp kém, khoa học, công nghệ lạc hậu.
Thứ ba, các liên hiệp HTX chưa phát huy được vai trò đầu tàu để thúc đẩy sự liên kết giữa các HTX với nhau, liên kết giữa các thành viên HTX, liên kết giữa HTX với doanh nghiệp và thị trường.
Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển KTTT, HTX
Thứ nhất, hội nhập, toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt
Tự do hóa thương mại, mở cửa diễn ra với tốc độ, trình độ phát triển ở mức cao, cùng với đó là sự ra đời các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Trong thương mại quốc tế ngày nay, nhất là với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các hàng rào thuế quan ngày càng giảm, thậm chí là giảm về mức 0%, trong khi các hàng rào kỹ thuật ngày càng tăng và yêu cầu ngày càng cao.
Hội nhập, toàn cầu hóa giúp KTTT, HTX có cơ hội tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng, tuy nhiên cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Điều này đòi hỏi cần điều chỉnh những chính sách, luật pháp liên quan đến điều kiện sản xuất của HTX để khắc phục những bất cập hiện tại.
Thứ hai, thế giới đang bước vào quỹ đạo phát triển mới do tiến bộ khoa học - công nghệ diễn ra với tốc độ cao, nhất là cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Cuộc cách mạng này thay đổi phương thức sản xuất và thay đổi phương pháp, công cụ quản lý trong nhiều lĩnh vực, trong đó có KTTT, HTX. Để tồn tại và bắt kịp xu thế, đòi hỏi khu vực KTTT, HTX cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong hoạt động và sản xuất, hướng vào nâng cao giá trị sản xuất thay vì mục tiêu số lượng.
Thứ ba, biến đổi khí hậu tác động trực tiếp tới các HTX nông nghiệp. Biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất của các HTX, nhất là HTX nông nghiệp. Các HTX cần ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp mô hình kinh tế tuần hoàn và các sáng kiến, kinh nghiệm trong SXKD, chế biến, bảo quản sản phẩm. Nhà nước cần đưa ra các chính sách nhằm thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng thông minh với biến đổi khí hậu, liên kết chuỗi giá trị.
Thứ tư, công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm thay đổi cơ cấu dân số và lao động. Lao động di cư từ khu vực nông thôn ra thành thị, từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ khiến các HTX thiếu hụt nguồn lao động, nhất là lao động có trình độ chuyên môn. Do đó, để phát triển và cạnh tranh với các doanh nghiệp/cơ sở sản xuất trong các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ, xu thế phát triển của HTX là phải thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng hoạt động của HTX trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tóm lại, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã nghiêm túc công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt và cung cấp các luận cứu khoa học phục vụ cho Đảng và Nhà nước đề ra các chủ trương, đường lối về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển KTTT, HTX, thành phần kinh tế này đã có những chuyển biến tích cực và đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, KTTT, HTX vẫn đang gặp không ít rào cản về cơ chế, chính sách và khó khăn, thách thức. Bối cảnh mới đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi tiếp tục bổ sung, phát triển và làm rõ về lý luận và hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX.
Tác giả :
TS. Nguyễn Đình Hòa
TS. Lý Hoàng Mai
ThS. Nguyễn Phương Thảo
Viện Kinh tế Việt Nam
Các tin liên quan
- Thông báo về việc tổ chức Lễ Kỷ niệm 65 năm thành lập Viện Kinh tế Việt Nam (06/02/1960 - 06/02/2025) (20/11/2024 4:36:42 CH)
- Thông báo giải thể Trung tâm Kinh tế xanh và Phát triển bền vững thuộc Viện Kinh tế Việt Nam (20/05/2024 3:21:41 CH)
- Thành lập Chi hội của Hội Khoa học kinh tế tại Viện Kinh tế Việt Nam (12/05/2022 5:03:07 CH)
- Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện chính sách và đào tạo nguồn nhân lực khoa học xã hội giai đoạn 2021 – 2025 giữa Viện Kinh tế Việt Nam và Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng (28/01/2022 4:08:03 CH)
- THÔNG BÁO TUYỂN DỤNG VIÊN CHỨC (18/11/2021 5:09:49 CH)
- Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Viện Kinh tế Việt Nam (15/11/2021 9:33:42 SA)
- Hội nghị công bố Quyết định về công tác cán bộ Tạp chí (30/04/2021 10:04:25 SA)
- Lễ Phát động thi đua năm 2021 (07/04/2021 4:26:39 CH)
- Hội nghị công bố Quyết định về công tác cán bộ (07/04/2021 12:06:52 CH)