Cần một tổ hợp chính sách cho xe điện
08/06/2021 10:58:02 SA
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Cần chính sách tầm vóc cho người dám mở đường
* Vingroup mới đây đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ trong 5 năm với ô tô điện. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Tôi hoàn toàn ủng hộ và thậm chí cho rằng cần một tổ hợp chính sách cho xe điện nói chung, không riêng gì cho doanh nghiệp nào. Việt Nam đã xác định xe điện là xu hướng không thể đảo ngược của tương lai thì chúng ta phải cố gắng khuyến khích các sản phẩm này một cách mạnh mẽ nhất.
Việc sử dụng các công cụ tài chính, như ưu đãi, giảm, miễn thuế, tiếp cận nguồn lực tài chính... cần được sử dụng tối đa để tạo động lực cho những người đi tiên phong, những người dám mở đường. Từ những "chiến sĩ" ban đầu ấy, chúng ta mới xây dựng được một đội ngũ để phát triển các sản phẩm này.
Lý do ta cần ưu đãi cho đội ngũ này bởi ô tô điện không những là xu hướng của thế giới mà còn phù hợp với chiến lược đã được đề ra của Việt Nam, đó là phát triển dựa trên trụ cột khoa học công nghệ, là chuyển đổi số và tăng trưởng xanh. Phát triển xe điện chính là tổng hòa của tất cả những yếu tố ấy. Bởi vậy, theo tôi, những chính sách trên nên thực hiện và cần có những thí điểm mạnh dạn hơn nữa để khuyến khích phát triển theo hướng này.
* Nhưng miễn, giảm thuế luôn dấy lên lo ngại có thể dẫn tới hụt thu, trong khi ngân sách đang khó khăn, thưa ông?
- Ta phải nhìn nhận rõ, thứ nhất, trước mắt, số hụt thu thuế sẽ không nhiều khi số lượng xe điện chưa lớn. Thứ hai, kể cả khi ngân sách có bị hụt thu nhưng đó chỉ là ngắn hạn. Còn về dài hạn, cơ sở thuế (tax base) sẽ được mở rộng và doanh thu thuế sẽ tăng lên. Khi đó, đóng góp cho ngân sách sẽ tăng. Các chính sách khuyến khích sẽ thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư hay mở rộng sản xuất, cũng có nghĩa là thu hút thêm đối tượng đóng thuế.
Ngoài ra, với các hiệp định thương mại tự do đang áp dụng ngày càng sâu rộng, đầu ra của các doanh nghiệp Việt sẽ lớn hơn, tiếp cận nhiều hơn với thị trường bên ngoài, tạo thêm nguồn thu và đóng góp cho ngân sách. Việc giảm thuế bởi thế tưởng như gây hụt thu, thực tế sẽ đóng góp nhiều hơn nếu có tầm nhìn xa hơn.
* Còn việc hỗ trợ cho người tiên phong như ông vừa nói, liệu có gây nên cảm giác "không công bằng" giữa các doanh nghiệp?
- Chúng ta nên nhìn mọi thứ trong một chiến lược dài hạn, tức là tầm vóc và ý nghĩa của chính sách chứ không phải câu chuyện của 1 hay 2 doanh nghiệp. Chính sách sẽ tạo nên người chơi và khi đó sẽ có cạnh tranh để có sản phẩm tốt, người dùng và nền kinh tế được hưởng lợi.
Quan trọng là ta phải tạo ra được chính sách cho những sản phẩm chiến lược của những ngành đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững; khuyến khích sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ và thân thiện môi trường, mà một trong những sản phẩm đó chính là xe điện. Ta phải hỗ trợ thì mới có những doanh nghiệp Việt trưởng thành, gánh vác trọng trách của người đi đầu, theo sau đó là hình thành cả đội ngũ doanh nghiệp Việt sản xuất các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao để vươn ra thế giới, tạo nên tầm vóc và thương hiệu quốc gia.
Ô tô điện là xu hướng tất yếu của tương lai
Cơ hội vàng bứt phá
* Ông có thể cho biết kinh nghiệm trên thế giới về những giải pháp khuyến khích xe điện?
- Các nước có lộ trình rõ ràng. Ví dụ Pháp, Đức và nhiều nước quy định khoảng 2040 sẽ cấm sản xuất ô tô sử dụng động cơ đốt trong. Điều này được công khai để cả doanh nghiệp và người dân thay đổi kế hoạch, điều chỉnh tiêu dùng.
Ngoài ra, để khuyến khích, các nước cũng có nhiều biện pháp, cả với nhà sản xuất lẫn người dùng. Ví dụ tại Hàn Quốc, người dân mua ô tô điện sẽ được hỗ trợ tới 13 - 19 triệu won (260 - 390 triệu đồng). Người dân Nhật Bản cũng nhận mức hỗ trợ từ 125.000 - 250.000 yen (26 - 50 triệu đồng) khi mua xe điện và thải loại xe cũ sử dụng động cơ đốt trong. Thái Lan áp dụng nhiều khoản ưu đãi thuế giúp người dân giảm chi phí. Ngoài ra còn có nhiều chính sách khác về điểm đỗ xe, phí làm biển, ưu tiên làn di chuyển... Đó chính là những bài toán sát sườn với người dân, dần dần tạo nên sự thay đổi hành vi.
* Theo ông, chính sách hay thậm chí "một tổ hợp chính sách" nào có thể áp dụng tại Việt Nam?
- Điều kiện mỗi nước khác nhau nhưng rõ ràng từ những chính sách trên, Việt Nam cần học tập và làm ngay. Tổ hợp chính sách theo tôi bao gồm nhiều yếu tố liên thông, liên ngành, từ thuế, tới phát triển hạ tầng, thông tin, hay việc hỗ trợ đầu tư cho R&D (nghiên cứu và triển khai)... Bởi ô tô điện là những sản phẩm công nghệ, cần các chính sách theo hướng nhà nước kiến tạo để tạo đột phá.
Một phần quan trọng không kém là việc khuyến khích đào tạo, giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức về việc sử dụng xe điện nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung, để tạo nên văn hóa tiêu dùng bền vững, xây dựng lối sống xanh. Khi văn hóa sống xanh được nâng lên, được bồi đắp, ta sẽ tạo nên được một xã hội xanh, các đô thị và nông thôn xanh. Tôi nhấn mạnh việc này cần làm ngay bởi tạo ra một thế hệ công dân có ý thức tiêu dùng xanh, tiêu dùng có trách nhiệm với cộng đồng không thể là vấn đề 1 - 2 năm mà là nhiều năm. Trong khi đó, ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính đang trở nên ngày càng trầm trọng và là thách thức lớn.
* Ý ông là cần một liều thuốc mạnh và ngay lập tức nếu chúng ta muốn phát triển ô tô điện?
- Đúng thế. Đây không những là thời điểm phù hợp mà còn là thời điểm của "cơ hội vàng" để chúng ta bứt phá. Lâu nay, trong rất nhiều lĩnh vực, chúng ta thường là người đi sau, phải chịu thiệt thòi vì xuất phát điểm thấp nên tham gia cuộc chơi muộn. Tuy nhiên, với xe điện nói riêng và một số sản phẩm ứng dụng công nghệ của cách mạng 4.0 nói chung, khoảng cách về xuất phát điểm đã hầu như bị công nghệ san bằng và chúng ta đang xuất phát gần như đồng thời với thế giới. Đơn cử như công nghệ 5G, chúng ta xuất phát điểm ngang với thế giới. Vị thế như vậy đã rất khác trước. Chúng ta lại có lợi thế về cơ cấu dân số vàng, dân số trẻ, năng động, khả năng tiếp cận công nghệ nhanh và đây chính là điều kiện, cơ hội cực kỳ quý báu để bứt phá, đuổi kịp và thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực.
Các tin liên quan
- GS.TS BÙI QUANG TUẤN: ĐỂ 'DIỄN ĐÀN KINH TẾ - XÃ HỘI VIỆT NAM NĂM 2022' THỰC SỰ CÓ HIỆU ỨNG TỚI SỰ PHÁT TRIỂN KT-XH (03/10/2022 11:26:16 SA)
- DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM NĂM 2021: PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG (06/12/2021 2:47:50 CH)
- TS. Lê Xuân Sang: "Mở cửa nền kinh tế: giảm cứng nhắc, tăng tính linh hoạt và không cực đoan" (18/11/2021 11:35:05 SA)
- PGS.TS Trần Đình Thiên: Gói hỗ trợ không thể cứ mãi "bơm sữa" tiếp tế từng ngày được nữa (15/11/2021 9:45:36 SA)
- Phục hồi kinh tế sau đại dịch: kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam (12/11/2021 4:41:13 CH)
- Thách thức, cơ hội và đột phá (19/08/2021 11:42:12 SA)
- Chính phủ đi đúng hướng trong các chính sách trọng tâm, xây dựng nền tảng tốt cho tăng trưởng (26/07/2021 9:01:29 CH)
- GDP có thể tăng trưởng đột phá với kinh tế số (08/07/2021 10:47:13 SA)
- PGS.TS Trần Đình Thiên: Hút “đại bàng” Việt, Thanh Hóa sẽ bùng nổ (25/06/2021 5:08:35 CH)