Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: xu hướng định hình kinh tế xanh

08/01/2024 11:08:00 SA

Nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển năng lượng tái tạo, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, ngày 29/12/2023, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo: "Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: Xu hướng định hình kinh tế xanh”.

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng phát triển kinh tế xanh của Việt Nam theo các phương diện, lát cắt khác nhau, xác định những thuận lợi và thách thức trong lộ trình chuyển dịch năng lượng..., từ đó, đề xuất một số định hướng, giải pháp ban đầu cho Việt Nam sang nền kinh tế xanh trong bối cảnh mới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang ngày càng được quan tâm tại Chương trình nghị sự của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã tham gia các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính và xác định phải chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững, đồng thời cùng cộng đồng quốc tế đạt được các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu. Định hướng này được thể hiện qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 cũng như Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 qua Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.

TS. Lê Xuân Sang nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng phát triển kinh tế xanh của Việt Nam theo các phương diện, lát cắt khác nhau, xác định những thuận lợi và thách thức trong chuyển đổi xanh, gần đây nhất là những điểm nghẽn về thế chế liên quan..., từ đó, đề xuất một số định hướng, giải pháp ban đầu cho Việt Nam nhằm chuyển đổi hữu hiệu, bền vững sang nền kinh tế xanh trong bối cảnh mới.

Giáo sư Trương Quang Học cho biết phát triển kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới hiện đại, thể hiện cách thức phản ứng của các nền kinh tế trước diễn biến của tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên... Đồng thời thể hiện những nỗ lực của các Chính phủ trong tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững.

Đánh giá xu hướng mô hình kinh tế xanh trên thế giới và Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, GS.TSKH. Trương Quang Học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, phát triển kinh tế xanh để đạt được tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới hiện đại. Tăng trưởng xanh là cách thức phản ứng của các nền kinh tế trước diễn biến của tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; xu hướng tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới với ngành công nghiệp xanh nổi lên như một mũi nhọn, tạo động lực tăng trưởng mới và mang tính cạnh tranh cao. Đồng thời thể hiện những nỗ lực của các Chính phủ trong tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Cụ thể, mô hình kinh tế xanh hiện đang được triển khai trong một số lĩnh vực như: Đô thị xanh, thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh (tín dụng, chứng khoán, bảo hiểm xanh), năng lượng mặt trời và các lĩnh vực liên quan.

Theo giáo sư Trương Quang Học, kinh tế xanh được xuất phát bởi việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên được tăng cường đầu tư trong các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của Trái đất, hạn chế suy giảm sinh thái và các rủi ro về môi trường, bao gồm: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng hiệu quả việc tăng năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến và nông - lâm - ngư nghiệp bền vững. Đặc biệt, việc đầu tư phát triển kinh tế xanh cần được hỗ trợ từ những cải cách về chính sách trong nước và quốc tế cũng như nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường.

TS. Lê Xuân Sang và GS.TSKH. Trương Quang Học đồng chủ trì Hội thảo

Hiện nay, kinh tế xanh được hiểu là sự kết hợp giữa ba yếu tố: kinh tế (xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển năng lượng sạch, đáp ứng nhu cầu việc làm của người dân và thúc đẩy tăng trưởng...), môi trường (đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững, bảo tồn tài nguyên biển, bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn...) và xã hội (nâng cao chất lượng giáo dục, thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới và giảm thiểu bất bình đẳng xã hội...). Kinh tế xanh có tính chất bền vững, có nghĩa là những hoạt động trong nền kinh tế tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người; đồng thời, những hoạt động này thân thiện với môi trường. 3 yếu tố này được cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững. Kinh tế xanh là một nền kinh tế cần thiết bởi nó tạo ra việc làm, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, cạn kiệt nguồn tài nguyên và suy thoái môi trường.

TS. KTS Hoàng Hữu Phê, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Thiết kế R&D thuyết trình về các vấn đề liên quan đến Thiết kế Đô thị xanh: tiết kiệm năng lượng, thông minh, hướng tới thiên nhiên

Trong nền kinh tế xanh, tài nguyên môi trường là yếu tố quan trọng mang tính chất quyết định đến sự phát triển kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu được xem là vấn đề then chốt của kinh tế xanh. Nhà nước và khu vực tư nhân tập trung ưu tiên đầu tư vào các hoạt động kinh tế, cơ sở hạ tầng, công trình có tác dụng đảm bảo mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm và phát thải carbon; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; ngăn ngừa mất đa dạng sinh học và các dịch vụ của hệ sinh thái.

PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội trao đổi ý kiến tại Hội thảo

Với các trao đổi có liên quan đến: Đô thị xanh: Tiết kiệm năng lượng, sinh thái, thiên nhiên, thông minh; hiệu ứng nhà kính; tiềm năng và xu hướng phát triển điện mặt trời tại Việt Nam... các nhà khoa học cho rằng chuyển dịch năng hướng tới định hình kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của mọi quốc gia nếu muốn theo đuổi mô hình phát triển bền vững. Để chuyển đổi hữu hiệu bền vững sang kinh tế xanh, các chuyên gia đề xuất các chính sách năng lượng xanh, bài toán công nghệ, đẩy nhanh và sớm vận hành thị trường điện bán buôn bán lẻ cạnh tranh, nghiên cứu, hoàn thiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện thể chế sản xuất, tiêu thụ thị trường điện mặt trời…

Bên cạnh đó, để phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước một cách toàn diện, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái cho tương lai, các chuyên gia và nhà khoa học đã đề xuất các giải pháp tập trung vào các nhóm vấn đề như:

 [1] Nhận thức về bảo vệ môi trường cần được nâng cao trong xã hội trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường. Tuyên truyền, giáo dục về môi trường là việc làm trọng yếu, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống biến đổi khí hậu... ở mỗi người dân, góp phần nâng cao tính hiệu quả của các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động mà Chính phủ đã đề ra, tiến đến nền kinh tế xanh, phát triển xanh và bền vững. Các bộ, ngành, địa phương cần sớm ban hành các kế hoạch, chương trình, thực hiện theo chức năng nhiệm vụ để có cơ sở tổ chức, triển khai thực hiện phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Diễn giả, nhà khoa học, chuyên gia và đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

[2] Các chính sách về môi trường cần được tiến hành cải cách; hệ thống thuế tài nguyên, thuế môi trường cần được tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh và hoàn thiện... Nguy cơ, tác động của ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên cần được đánh giá đúng mức thông qua các cơ chế như thuế (đóng vai trò thiết yếu trong việc khuyến khích tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên), cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái.

[3] Đầu tư cho khoa học và công nghệ cần được tăng cường, đồng thời tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam, đẩy mạnh nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề phát triển kinh tế xanh như giảm thiểu phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường... Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ cần được đẩy mạnh, vì đây là nội dung quan trọng trong việc thiết lập các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để xây dựng cơ chế, chính sách, các giải pháp quản lý, đóng góp tích cực vào việc dự báo, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh.

Toàn cảnh Hội thảo

[4] Môi trường đầu tư cần được cải thiện, tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế, trong đó tập trung huy động nguồn vốn nước ngoài. Việc thu hút nguồn vốn nước ngoài không chỉ góp phần phát triển kinh tế xanh mà còn giúp doanh nghiệp trong nước học hỏi được kinh nghiệm từ phía doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, cần xây dựng tiêu chí chặt chẽ để lựa chọn những dự án đầu tư thực sự có hiệu quả trong phát triển kinh tế xanh, đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường.

Phạm Vĩnh Hà

Nguồn: https://vass.gov.vn/noidung/hoinghihoithao/Pages/tin-tuc-hoi-nghi-hoi-thao.aspx?ItemID=1521