“Công xưởng” phải tạo ra tác động tốt đối với kinh tế Việt Nam

22/08/2019 9:37:32 SA

Thưa ông, hiện nay Việt Nam đã thu hút được lượng vốn FDI khá lớn. Nhiều tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Intel, Microsoft, LG… cũng đã đặt những nhà máy sản xuất quy mô lớn ở Việt Nam. Nhiều ý kiến nhận định rằng, Việt Nam có thể trở thành “công xưởng” mới của châu Á. Ông đánh giá thế nào về khả năng này?

Các tập đoàn xuyên quốc gia nói riêng và các DN có vốn đầu tư nước ngoài nói chung vào Việt Nam ngày càng nhiều, kể cả là các dự án mở rộng sản xuất. Kết quả này là nhờ tác động của nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài. Việt Nam có đầy đủ các nhân tố cơ bản để thu hút họ, trùng hợp với các động lực đầu tư của họ. Trước hết là động lực tìm kiếm thị trường. Việt Nam là nền kinh tế đã và đang tăng trưởng tương đối cao và ổn định, với số dân hiện nay trên 90 triệu người, dân số trẻ chiếm tỷ trọng cao, với nhu cầu tiêu dùng rất cao, kể cả hàng xa xỉ.

Với động lực tìm kiếm hiệu quả, Việt Nam cũng là điểm hấp dẫn, nhất là các dự án sử dụng nhiều lao động khi  chi phí lao động tương đối rẻ, khéo tay trong khi các ràng buộc về lao động, ô nhiễm môi trường không quá khắt khe (và cái giá phải trả không quá cao khi vi phạm).  Chi phí đầu tư ở một số nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc ngày càng tăng nên họ cần một nơi đầu tư rẻ hơn như Việt Nam.

Việc các DN DFI chọn Việt Nam là điểm đến là tốt, tuy nhiên Việt Nam cố gắng thu hút được những dự án đầu tư có hiệu quả cao (nhất là hiệu ứng tràn) hoặc ít nhất không gây hại lâu dài cho kinh tế, môi trường và an ninh quốc gia của Việt Nam. Nếu dòng vốn FDI đầu tư vào những khu vực, ngành và địa điểm có thể gây ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế, cho an ninh của đất nước, thì chúng ta cũng không nên bằng mọi giá mời chào FDI.

Trong dài hạn, việc Việt Nam trở thành một “công xưởng” mới của ASEAN là có thể, nhưng điều quan trọng hơn là “công xưởng” ấy phải tạo ra tác động tốt đối với nền kinh tế Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh và vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Do vậy, vấn đề thu hút FDI mới cần có sự cân nhắc kỹ càng, không nên dễ dãi như trước.

Trong hơn 25 năm qua, dòng vốn FDI vào Việt Nam phần lớn vẫn chỉ dừng lại ở mức độ gia công, lắp ráp. Như vậy cho dù Việt Nam có trở thành công xưởng của ASEAN hay châu Á thì cũng không phải là điều hay?

Đúng là nó sẽ không có nhiều ý nghĩa trong dài hạn như mong muốn. Thực tế có một số dự án FDI để lại hệ lụy xấu cho Việt Nam như gây ô nhiễm môi trường, bóc lột nhân công quá mức khi thu nhập quá rẻ mạt và điều kiện sống tồi tệ. Chiến lược thu hút FDI Việt Nam đòi hỏi khắt khe hơn, suy tính hơn để có được nguồn vốn hiệu quả hơn.

Một điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù thu hút FDI vào nhiều, nhưng năng lực hấp thụ của ta còn hạn chế. Mỗi năm dòng vốn FDI giải ngân chỉ vào khoảng 10-11 tỷ USD và nhiều năm có khoảng cách rất xa so với lượng vốn FDI đăng ký. Thách thức ở đây là cố gắng tạo điều kiện để thực hiện giải ngân tốt hơn, hấp thụ tốt hơn. Điều này cũng liên quan đến vấn đề năng lực thể chế, kỹ năng quản lý và tay nghề lao động, hệ thống DN công nghiệp hỗ trợ cũng như một số vấn đề liên quan tới môi trường kinh doanh – đầu tư tại các địa phương.

Khu vực FDI còn nhiều vấn đề, song bản thân DN nội cũng không khác mấy khi chỉ gia công, làm thuê với giá trị gia tăng thấp. Đây có phải là điều đáng lo ngại, thưa ông?

Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Phần lớn DN trong nước, nhất là DNNVV  có năng suất lao động thấp, kỹ năng và trình độ công nghệ thấp, năng lực quản lý, quản trị yếu kém, kinh nghiệm hoạt động trên thị trường khu vực và quốc tế chưa nhiều và nhất là thiếu vốn. Hệ thống kế toán rất kém, quản trị mang tính gia đình trị cao nên khó thu hút vốn tư nhân khác, nhất là vốn nước ngoài trên tất cả các kênh huy động vốn. Hệ thống công nghiệp hỗ trợ yếu kém, thông tin thị trường hạn chế, cùng với mức lãi suất vay ngân hàng cao hơn nhiều các DN nước ngoài cũng là những bất lợi lớn đối với các DN Việt Nam.

Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới,  đây là những điểm yếu ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN trong nước, khiến họ ít tận dụng được những cơ hội do mở cửa đem lại. DN Việt đã và đang “thua” trên thị trường trong nước trên nhiều lĩnh vực.

Ông có nghĩ Việt Nam có nguy cơ trở thành địa điểm cho thuê cơ sở sản xuất và nguồn nhân công giá rẻ, không tiến sâu hơn được vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu?

Điều này là có thể khi các điểm yếu kể trên chậm được xử lý, trong khi các chính sách hỗ trợ DN trong nước kém hiệu quả, đặc biệt các DN nước ngoài vừa có lợi thế trên nhiều phương diện, nhiều DN khi vào Việt Nam có xu hướng kéo theo các DN nhỏ trong mạng lưới hoạt động, công nghiệp hỗ trợ của mình. DN Việt có nguy cơ bị gạt xa hơn ra ngoài rìa phát triển, hội nhập của họ là không nhỏ.

Xin cảm ơn ông!