Diễn đàn khoa học “Đại dịch Covid-19 và chuyển đổi số ở Việt Nam”

28/12/2021 6:10:22 CH

Sáng ngày 24/12/2021, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) tổ chức diễn đàn khoa học với chủ đề “Đại dịch Covid-19 và chuyển đổi số ở Việt Nam”. Đây là diễn đàn được tiếp nối trong chuỗi các diễn đàn khoa học mà Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hằng năm theo Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 15/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đánh giá, thảo luận các tác động đa chiều của đại dịch Covid-19 đối với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề và địa phương trên cả nước, từ đó đưa ra kiến nghị, đề xuất để đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam. Diễn đàn được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

 

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm<br>phát biểu khai mạc Diễn đàn

PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm
phát biểu khai mạc Diễn đàn

Tham dự Diễn đàn, có PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm và các đại biểu: GS.TS. Đỗ Hoài Nam, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm, PGS.TS. Trần Đức Cường và GS.TS. Võ Khánh Vinh nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; đồng chí Đỗ Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Tây Âu Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại Trung ương. Về phía các diễn giả có Đại tá Lê Thế Mẫu, Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng; TS. Lê Minh Công, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, TS. Đặng Thái Bình, ThS. Nguyễn Thu Hương, Viện Hàn lâm cùng các đại biểu, các nhà khoa học tham dự trực tiếp và trực tuyến đến từ Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban dân tộc của Quốc hội; Bộ Khoa học và công nghệ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ ngoại giao, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chiến lược bộ quốc phòng, Học viện hậu cần Bộ quốc phòng; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại diện một số doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ, Công ty trách nhiệm Grab, các đại biểu đến từ TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Huế và các địa phương khác trên cả nước.

Tham dự diễn đàn, còn có mặt của đồng chí lãnh đạo và các nhà khoa học của các Viện nghiên cứu và các ban chức năng thuộc và trực thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cùng các cơ quan thông tấn báo chí đã đến dự và đưa tin về diễn đàn quan trọng này: Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, thông tấn xã Việt Nam, truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Hà nội mới, Báo Tiền phong, Báo Lao động, Báo Tuổi trẻ, Báo Thanh niên, Báo đời sống pháp luật…

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, thay mặt lãnh đạo Viện Hàn lâm, PGS.TS. Bùi Nhật Quang nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đảo của các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến. Chủ tịch Bùi Nhật Quang cho biết, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước; nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm thực hiện mục tiêu kép “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19” và “phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong trạng thái bình thường mới”, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ tư- phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam hoàn thành xây dựng Chính phủ số, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP và đứng trong nhóm 50 quốc gia đứng đầu thế giới, xếp thứ 03 trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn

PGS.TS. Bùi Nhật Quang cho biết thêm, trong bối cảnh toàn xã hội bị cách ly, giãn cách trong một thời gian dài, các doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, các trường học không thể cho học sinh đến trường, giao thông vận tải và các dịch vụ logistics bị gián đoạn liên tục, giao thương trong nước và quốc tế đình trệ, người bệnh không thể tiếp cận hiệu quả các dịch vụ y tế… thì chuyển đổi số trở thành cứu cánh cho chính phủ, doanh nghiệp, các ngành, địa phương và toàn thể người dân trong cả nước để tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và dân sinh.      Bên cạnh đó, đã tròn 2 năm đại dịch Covid-19 hoành thành, theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học, đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu chững lại trong năm 2022 với các diễn biến và hệ lụy khó lường. Xét về khía cạnh tiêu cực, đại dịch Covid-19 khiến các quốc gia chịu tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng và toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu. Theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2021, nền kinh tế toàn cầu tiếp năm 2020 suy giảm tới 4.3% cao gấp 2 lần so với mức suy giảm được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu của năm 2019. Năm 2021, nền kinh tế toàn cầu phục hồi ở mức 4.7% nhưng cũng không thể bù đắp được những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra. Đại dịch Covid-19 cũng đẩy thêm 131 triệu người sống dưới mức nghèo khổ và khiến thế giới đối diện với cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

PGS.TS. Bùi Nhật Quang khẳng định, Covid-19 đã mang lại động lực mạnh mẽ cho quá trình chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế- xã hội, khắc phục những đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, đưa con người kết nối gần nhau hơn và làm xuất hiện nhiều mô hình kinh tế, việc làm, an sinh mới trong thế kỷ XXI. Mặt khác, nó cũng đặt ra nhiều thách thức cho mọi quốc gia trên thế giới trong vấn đề huy động và sử dụng các nguồn lực, đào tạo kỹ năng cũng như chuẩn bị hạ tầng công nghệ số để bắt kịp những thay đổi lớn lao do đại dịch Covid-19 mang lại.

Theo đó, Chủ tịch Viện Hàn lâm mong muốn, các đại biểu, nhà khoa học tại diễn đàn sẽ tập trung trao đổi, chia sẻ và gợi mở môt số nội dung quan trọng như: (1) Tính tất yếu cần chuyển đổi số tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch; (2) Hiệu quả và những điểm nghẽn, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số để khắc phục những tác động tiêu cực của đại dịch; (3) Làm thế nào để Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số thành công trong bối cảnh hiện nay.

Đại tá Lê Thế Mẫu, Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng trình bày báo cáo tại Diễn đàn

Đại tá Lê Thế Mẫu, Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng trình bày báo cáo tại Diễn đàn

Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo, Ban Tổ chức Diễn đàn đã nhận được hơn 50 bài tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học từ khắp mọi miền đất nước. Sau quá trình lựa chọn, Ban tổ chức Diễn đàn đã lựa chọn 33 bài tham luận tiêu biểu. Các bài tham luận tập trung vào một số nội dung chính như sau: (1) Đại dịch Covid-19: cơ hội và thách thức chuyển đổi số của các nước trên thế giới và Việt Nam; (2) Chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19 trong các lĩnh vực: kinh tế, xã hội, văn hóa, an sinh, an ninh mạng; (3) Chuyển đổi số trong một số ngành, doanh nghiệp chủ chốt ở Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19; (4) Kinh nghiệm chuyển đổi số của một số địa phương như: Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Diễn đàn nhận được 05 báo cáo trình bày của các diễn giả (Đại tá Lê Thế Mẫu, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, TS. Đặng Thái Bình, ThS. Nguyễn Thu Hương và TS. Lê Minh Công) được chia làm 02 phiên thảo luận: Phiên 1: Đại dịch Covid-19, cơ hội và thách thức chuyển đổi số ở Việt Nam; Phiên 2: Đại dịch Covid-19 và chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực chủ yếu. Các báo cáo trình bày tập trung vào các nội dung liên quan đến đại dịch Covid-19 đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế - chính trị thế giới và chuyển đổi số ở Việt Nam; Phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua đẩy nhanh chuyển đổi số ở Việt Nam; Xây dựng thương hiệu số bằng các công cụ điện tử: nghiên cứu trường hợp của các doanh nghiệp Việt Nam; Chuyển đổi số ngành giáo dục: Giáo dục trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19; Dịch vụ sức khỏe tâm thần từ xa trong đại dịch Covid-19- kinh nghiệm từ dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần”.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Đại tá Lê Thế Mẫu, Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng cho biết, hiện nay, Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số đối với hoạt động của Chính phủ để xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số mạnh mẽ nền hành chính công và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, Chính phủ đề ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phần mềm quốc tể để thúc đẩy quá trình số hóa hoạt động kinh doanh, xây dựng các thành phố thong minh, nâng cao hiệu quả các cơ chế chính sách và đối thoại giữa nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Đây là cơ sở để Việt Nam tự tin thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số nền kinh tế và các hoạt động chính trị- xã hội và an ninh.

Diễn đàn nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự. Các ý kiến đều khẳng định mặt tích cực của công cuộc chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, các đại biểu cũng nêu ra mặt trái những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Đó là sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận chuyển đổi số của nhóm yếu thế trong xã hội (vùng sâu, vùng xa); cần thiết phải xây dựng hệ thống hạ tầng về thể chế, luật pháp, các thiết chế xã hội (văn hóa, giáo dục) để từng bước đáp ứng với yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số hiện nay; khẳng định chuyển đổi số là tính tất yếu và phổ biến nhưng phải gắn kết chặt chẽ với điều kiện, hoàn cảnh, đặc thù riêng của Việt Nam; nhận thức rõ về tầm quan trọng của vấn đề bảo mật thông tin, an ninh trên không gian mạng và việc đảm bảo quyền riêng tư của người dùng cùng với đó là duy trì sự ổn định của đường truyền đều là những vấn đề cần nhìn nhận và giải quyết trong quá trình chuyển đổi số hiện nay.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày báo cáo tại Diễn đàn

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày báo cáo tại Diễn đàn

Đánh giá về phục hồi và phát triển kinh tế bền vững thông qua đẩy nhanh chuyển đổi số ở Việt Nam, PGS.TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khủng hoảng kinh tế từ Covid-19 mang lại nhiều tác hại và sự tàn phá to lớn, tuy nhiên nó cũng tạo ra những cơ hội mới. Đó là tái cơ cấu và xây dựng nền kinh tế theo hướng xanh và phát triển bền vững. Cuộc khủng hoảng Covid-19 là cơ hội để chuyển đổi nhanh sang nền kinh tế xanh mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã xác định.

Để thực hiện chuyển đổi số thành công, các đại biểu cũng nêu ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và cần triển khai trong thời gian tới: hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số; chính sách an sinh xã hội cho các nhóm yếu thế; chính sách doanh nghiệp trong việc xây dựng hiệu quả thương hiệu số; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu (công nghệ thông tin) gắn liền với thiết chế văn hóa- xã hội (nền văn hóa số, ứng xử văn minh); phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; sớm ban hành Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số…

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn

Diễn đàn khoa học “Đại dịch Covid-19 và chuyển đổi số ở Việt Nam” có ý nghĩa thực tiễn và dự báo sâu sắc, nhằm tìm hiểu cơ hội, thách thức trong chuyển đổi số ở Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng như đánh giá hiệu quả, điểm nghẽn, khó khăn trong chuyển đổi số của Việt Nam nói chung, các ngành/ lĩnh vực địa phương nói riêng. Đặc biệt, dù công cuộc chuyển đổi số có diễn ra mạnh mẽ như thế nào thì các vấn đề nghiên cứu cần phải tập trung đến chủ thể chịu tác động mạnh mẽ, đó là người dân, phục vụ nhân dân. Dựa trên những phân tích khoa học, góp phần đề xuất các giải pháp và những kiến nghị chính sách phù hợp, hướng tới thực hiện thành công chuyển đổi số ở Việt Nam trong thời gian tới.

Nguồn: Nguyễn Thu Trang

https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Dai-dich-Covid-19-va-chuyen-doi-so-o-Viet-Nam-1318