HỘI THẢO “CẢI CÁCH THỂ CHẾ KINH TẾ CỦA HỒ QUÝ LY VÀ LÊ THÁNH TÔNG VÀ NHỮNG BÀI HỌC LỊCH SỬ”

20/11/2020 4:33:42 CH

Sáng ngày 16 tháng 7 năm 2020, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Cải cách thể chế kinh tế của Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông và những bài học lịch sử”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ của đề tài cấp Bộ do TS. Lý Hoàng Mai – Trưởng phòng Phòng Lịch sử Kinh tế Việt Nam làm chủ nhiệm.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có GS. Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học), TS. Trần Khánh Hưng (ĐH Kinh tế quốc dân), TS. Phí Vĩnh Tường – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới,…Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng, TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng, cùng toàn thể cán bộ của Viện. Ngoài ra, hội thảo còn có sự góp mặt của các nhà khoa học đến từ một số cơ quan nghiên cứu và các Bộ ban ngành trung ương.

(PGS.TS. Bùi Quang Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo)

Sau lời phát biểu khai mạc của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các đại biểu đã lần lượt nghe hai bài tham luận: “Cải cách chính sách kinh tế của Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông” do TS. Lý Hoàng Mai trình bày và “Những bài học từ cải cách kinh tế của Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông” do TS. Phạm Sỹ An – Trưởng phòng Kinh tế vĩ mô và Thể chế kinh tế trình bày.

(TS. Lý Hoàng Mai – Chủ nhiệm đề tài trình bày tham luận)

Sau phần trình bày tham luận của 2 diễn giả Viện Kinh tế Việt Nam, hội thảo đã lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự.

GS. Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học) cho rằng việc phát hành tiền giấy của Hồ Quý Ly không chính thống do không xuất hiện niên hiệu trên đồng tiền. Còn về vấn đề hạn điền thì nhà Trần đã có chính sách khai hoang, xây dựng điền trang từ những năm 1266; về hạn nô thì thực chất chính là vấn đề quân sự. Chính sách quân điền không phải là chính sách đến thời Lê Thánh Tông mới có mà đã có từ trước trong lịch sử. Thực chất Hồ Quý Ly lên nắm quyền lực của nhà Trần từ rất lâu, do đó đã có sự chuẩn bị.

IMG_3814.JPG

(Các đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội thảo)

Theo TS. Trần Khánh Hưng (ĐH Kinh tế quốc dân), những chính sách của Lê Thánh Tông ngắt quãng và gián đoạn. Do đó, trong quá trình phân tích, nghiên cứu, các tác giả cần rút ra được những bài học kinh nghiệm phù hợp.

TS. Lê Xuân Sang thì cho rằng những chính sách của Lê Thánh Tông phần lớn là “đổi mới” chứ không phải “cải cách”. Hồ Quý Ly là người đi trước thời đại, ông đã đưa toán học vào các kì thi và có nhiều sáng kiến về quân sự. Về tư duy cải cách và lộ trình cải cách: khó thành công do không hợp thời thế. Các tác giả nên chỉ rõ góc nhìn, cách đánh giá dựa trên những khía cạnh nào.

Theo TS. Phí Vĩnh Tường, các tác giả cần làm rõ mục đích của cải cách và phân tích kĩ hơn bối cảnh tương ứng với từng giai đoạn của các chính sách.

Bên cạnh những ý kiến nêu trên, một số đại biểu cũng có những đóng góp về giải pháp và bài học kinh nghiệm rút ra từ những chính sách cải cách kinh tế của Hồ Quý Ly và Lê Thánh Tông.

Kết thúc buổi hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đã gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham dự, đóng góp ý kiến để nhóm tác giả của đề tài có cơ sở chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo của đề tài.

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp.