HỘI THẢO “CƠ SỞ XÁC ĐỊNH NGÀNH ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP Ở VIỆT NAM”

23/08/2022 4:46:39 CH

Ngày 23 tháng 8 năm 2022, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Cơ sở xác định ngành ưu tiên phát triển trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài cấp Bộ do TS. Lê Văn Hùng làm chủ nhiệm.

Hội thảo được chủ trì bởi TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện KTVN và có sự tham dự của toàn thể cán bộ Viện KTVN.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Lê Xuân Sang cho rằng vấn đề xác định ngành ưu tiên phát triển trong lĩnh vực công nghiệp là một vấn đề phức tạp. Để đáp ứng kì vọng phát triển ngành công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới có nhiều nhân tố tác động, nhiều biến ngoại sinh, ngày càng phức hợp thì dư địa chính sách và các ứng phó của nhà nước ngày càng khó khăn hơn, vì vậy lựa chọn đề tài này có tính cấp thiết nhất định. Đề tài tổ chức buổi tọa đàm nhằm mục đích báo cáo những kết quả sơ bộ và nghe những góp ý của các đại biểu tham dự để nhóm thực hiện đề tài có thể hoàn thiện nghiên cứu trong thời gian tới.

TS. Lê Xuân Sang – Chủ trì hội thảo, phát biểu đề dẫn hội thảo

Mở đầu hội thảo, TS. Lê Văn Hùng (Phó Viện trưởng phụ trách Viện NC Phát triển bền vững vùng, chủ nhiệm đề tài) đã trình bày báo cáo tham luận về “Cơ sở xác định ngành ưu tiên phát triển trong lĩnh vực công nghiệp chế biến ở Việt Nam”. Theo TS. Hùng, mục tiêu lựa chọn ngành là ngành đó phải có đóng góp lớn cho nền kinh tế trong nước và tạo ra sự thay đổi năng suất. Vì vậy, đề tài tập trung 3 nhóm tiêu chí để xác định ngành ưu tiên, đó là: Lợi thế cạnh tranh (RCA, năng suất…), độ lan tỏa (việc làm chất lượng, an sinh xã hội…) và hiệu quả môi trường. Đề tài chủ yếu sử dụng bộ số liệu điều tra doanh nghiệp hàng năm của Tổng cục Thống kê và các tài liệu thứ cấp khác có liên quan. Một trong những phát hiện đang chú ý của đề tài đó là các chính sách xác định ngành ưu tiên ở Việt Nam đã xuất hiện từ sớm, từ những năm 2000 tuy nhiên chưa rõ ràng và thiếu tính hệ thống. Về vấn đề thực trạng phát triển của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo thì có thể thấy rằng tỷ trọng đóng góp trong GDP ngày càng tăng, giá trị xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng nhanh so với nhiều nước trong khu vực. Đây là các kết quả nổi bật trong phần báo cáo của TS. Lê Văn Hùng.

TS. Lê Văn Hùng trình bày tham luận

Tiếp nối những kết quả nghiên cứu của đề tài, ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (phòng Kinh tế Vùng, Viện Kinh tế Việt Nam), một trong những thành viên nhóm thực hiện đề tài đã có báo cáo về “Lựa chọn ngành công nghiệp chế biến ưu tiên theo hướng bền vững”. Dựa vào những tính toán khoa học trên cơ sở bộ số liệu Điều tra doanh nghiệp, diễn giả đã đưa ra một số kết luận như: Ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống có tỷ trọng VA/GO là cao nhất nhưng không có nhiều thay đổi trong vòng 10 năm trở lại đây; Những ngành khuyến khích phát triển gồm: sản xuất đồ uống, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, in sao chép bản ghi các loại, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất máy móc, thiết bị. Những ngành không khuyến khích phát triển: sản xuất sợi, vải dệt thoi và hoàn thiện sản phẩm dệt; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm từ khoang phi kim loại khác; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị).

ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết trình bày tham luận

Kết thúc phần trình bày của hai diễn giả, hội thảo bước vào phần thảo luận:

TS. Nguyễn Đình Hòa (Trưởng phòng Phòng KTPT) cho rằng đề tài nên làm rõ hơn cơ sở để xếp hạng các ngành ưu tiên, trong đó cần đưa ra quan điểm của các tác giả cơ sở nào là quan trọng nhất, từ đó làm rõ hơn nội dung của phương pháp luận.

TS. Nguyễn Đình Hòa phát biểu tại Hội thảo

ThS. Trần Văn Hoàng (Phòng Kinh tế vĩ mô) đặt vấn đề tại sao trong kết luận của đề tài thì những ngành không khuyến khích phát triển lại là những ngành chế biến sâu. Đề tài nên xem xét tính toán lại để có những kết luận chính xác hơn. TS. Phạm Bích Ngọc (Trưởng phòng, Phòng Kinh tế quốc tế) thì cho rằng đề tài nên có sự so sánh về lựa chọn ngành ưu tiên trước và sau khi có Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị; và có sự so sánh giữa các địa phương. Đề tài cũng cần đánh giá xem Nghị quyết 50 có phù hợp với bối cảnh hiện nay không? Có những bối cảnh quốc tế và trong nước ảnh hưởng đến FDI như chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nên đưa vào phân tích.

TS. Phạm Bích Ngọc phát biểu tại Hội thảo

ThS. Trần Văn Hoàng phát biểu tại Hội thảo

Theo TS. Tô Thị Ánh Dương (Phòng Lịch sử Kinh tế), nhóm thực hiện đề tài nên trình bày rõ hơn khung phân tích và có giải thích thế nào là ngành cấp 2 để những người theo dõi dễ hiểu hơn các tuyến vấn đề được trình bày trong hai báo cáo. TS. Nguyễn Thị Tố Quyên (Trưởng phòng Kinh tế Vùng) gợi ý đề tài nên tổng quan lại cơ sở lựa chọn ngành ưu tiên và có sự đánh giá sơ bộ về những nghiên cứu trước đây có liên quan đến vấn đề này. TS. Trần Thị Vân Anh (Phó Trưởng phong Kinh tế ngành) góp ý đề tài nên chia theo giai đoạn, ví dụ đến năm 2030 nên ưu tiên phát triển nhóm ngành nào, và những giai đoạn tiếp theo thì tập trung phát triển nhóm ngành nào…

TS. Tô Thị Ánh Dương phát biểu tại Hội thảo

TS. Nguyễn Thị Tố Quyên phát biểu tại Hội thảo

TS. Trần Thị Vân Anh phát biểu tại Hội thảo

Thay lời kết luận hội thảo, TS. Lê Xuân Sang yêu cầu đề tài cần làm rõ tại sao lại lựa chọn ngành chế biến chế tạo và giải thích tại sao lại loại bỏ ngành công nghiệp khai khoáng, tại sao lại chọn ngành cấp 2? Cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu cần được lí giải cụ thể: ưu tiên những ngành có tiềm năng hay những ngành đã phát triển? bổ sung tiêu chí về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp (đưa vào lợi thế cạnh tranh), trình độ nguồn nhân lực (tiêu chí về mức độ lan tỏa). Cần bổ sung nội dung kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này: ví dụ như kinh nghiệm của Hàn Quốc, Malaysia… Bổ sung một số trường hợp nghiên cứu điển hình để tăng tính thuyết phục cho những kết luận của đề tài.

TS. Lê Văn Hùng thay mặt nhóm thực hiện đề tài đã gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham dự, góp ý cho đề tài và khẳng định sẽ cố gắng tiếp thu tối đa những góp ý của các đại biểu, bổ sung những đánh giá chính sách, tổng quan những nghiên cứu đánh giá về các chính sách liên quan đến ngành chế biến chế tạo của Việt Nam, phân tích rõ hơn bối cảnh…

Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp./.

Ngọc Ngà