Hội thảo khoa học “Mối quan hệ giữa Toàn cầu hóa và Cục diện thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
25/07/2024 12:29:07 CH
Trong khuôn khổ Chương trình trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu Cục diện thế giới đến năm 2030 phục vụ mục tiêu hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn mới”, sáng ngày 19/7/2024, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Mối quan hệ giữa Toàn cầu hóa và Cục diện thế giới đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hội thảo có sự tham dự của TS. Đặng Xuân Thanh, chủ nhiệm Chương trình và đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu trong và ngoài Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và các trường đại học.
Quang cảnh hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định giữa toàn cầu hóa (TCH) - quá trình tăng cường và mở rộng sự tương tác, liên kết, và phụ thuộc kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị giữa các quốc gia và khu vực trên toàn thế giới – với cục diện thế giới (CDTG) có mối quan hệ chặt chẽ, ảnh hưởng và quy định lẫn nhau. Thế giới càng ổn định, hòa bình thì TCH càng có cơ hội phát triển. Trong khi đó, CDTG thể hiện cho tương quan, sức mạnh tổng hợp giữa các quốc gia; nhưng trong quá khứ sự biến đổi từ cục diện này sang cục diện khác thường đem đến cho thế giới sự bất ổn. Hội thảo này được tổ chức với mong muốn xem xét mối tương quan giữa 2 mối quan hệ này về mặt lý luận và thực tiễn, tác động của vấn đề này đến Việt Nam thời gian qua và dự báo tình hình trong thời gian tới.
Trong tham luận bàn về mối quan hệ giữa TCH và CDTG, TS. Vũ Hoàng Linh (Viện Kinh tế Việt Nam) tóm lược bốn dòng quan điểm chính trong giới học thuật chính trị - kinh tế quốc tế đang chi phối hiện nay đó là: (1) TCH thúc đẩy một CDTG trong đó cán cân quyền lực/quan hệ quốc tế giữa các quốc gia thay đổi theo hướng cân bằng và hợp tác hơn; (2) Sản xuất, thương mại và đầu tư vẫn mang tính chất quốc gia nhiều hơn, vì thế TCH ít tác động đến CDTG; (3) TCH tạo ra một CDTG mất cân bằng; (4) TCH tác động đến CDTG thông qua quá trình khu vực hoá và không đồng nhất ở các khu vực khác nhau.
TS Vũ Hoàng Linh
Phân tích thực tiễn tác động qua lại giữa TCH và CDTG trên thế giới trong thời gian gần đây, PGS.TS Phạm Thái Quốc (Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới) nhấn mạnh TCH và CDTG là mối quan hệ hai chiều, có sự tác động qua lại lẫn nhau. TCH tiến triển, tạo điều kiện để các yếu tố của quá trình sản xuất (vốn, nguyên vật liệu, nguồn nhận lực, công nghệ) tự do lưu chuyển giữa các quốc gia, các châu lục. Điều này thúc đẩy sản xuất, thương mại, đầu tư, các quốc gia đều được hưởng lợi và phát triển. Tuy nhiên do khả năng nắm bắt các cơ hội là khác nhau, một số quốc gia phát triển nhanh hơn, vươn lên trở thành cường quốc (như Trung Quốc, Ấn Độ). Các nước này mở rộng ảnh hưởng, cạnh tranh gay gắt với các quốc gia vốn dẫn dắt thế giới về kinh tế, công nghệ, quân sự… dẫn đến cạnh tranh nước lớn sâu sắc. PGS.TS Phạm Thái Quốc cũng cho rằng, khi cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt dẫn đến làm thay đổi tương quan sức mạnh cũng như làm thay đổi khuôn mẫu các quan hệ chủ đạo giữa các quốc gia, điều đó có nghĩa là CDTG thay đổi. Sự thay đổi của CDTG lại dẫn đến TCH chậm lại. Những năm 2022-2024 có lẽ đang là đỉnh điểm của sự chậm lại của TCH, đồng thời cũng tiềm ẩn sự thay đổi sâu sắc trong CDTG.
PGS.TS Phạm Thái Quốc
Trong tham luận về TCH kinh tế và ảnh hưởng tới CDTG trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh, TS. Phạm Bích Ngọc (Viện Kinh tế Việt Nam) đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố ảnh hưởng lớn tới TCH trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay là cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này đã giúp cải thiện năng suất, tăng trưởng kinh tế, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu, cho phép tạo ra một mạng lưới kết nối toàn cầu. Song song với yếu tố này, những biến đổi về cơ cấu chính trị của các khối nước, các khu vực đang và sẽ làm cho quan hệ kinh tế thế giới trở nên đa dạng hơn và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế của các quốc gia và khu vực trở nên mạnh mẽ hơn.
Theo TS. Phạm Bích Ngọc, CDTG từ sau Chiến tranh Lạnh diễn ra năm xu thế lớn. Một là, thế giới phát triển nhanh chóng theo hướng chuyển từ đơn cực, từ tình trạng Mỹ làm bá chủ về chính trị, quân sự, kinh tế, sang hệ thống thế lực đa cực, với ảnh hưởng của nhiều cường quốc (Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc). Đặc điểm nổi bật trong các quan hệ điều chỉnh giữa các nước lớn là tính hai mặt. Sự khác nhau về ý thức hệ và chạy đua về lợi ích, tranh giành ảnh hưởng quyết định tính hai mặt trong chính sách đối ứng, quyết định sự tồn tại song song giữa hợp tác và cạnh tranh, giữa mâu thuẫn và hài hòa, tiếp xúc và kiềm chế. Hai là, xu thế phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm chiếm ưu thế. Kinh tế trở thành trọng điểm trong quan hệ quốc tế, cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia thay thế cho chạy đua vũ trang đã trở thành hình thức chủ yếu trong cuộc đọ sức giữa các cường quốc. Ba là sự trỗi dậy của các nước “phương Nam” với “các nền kinh tế mới nổi” trở thành những đối thủ cạnh tranh với các “cường quốc cũ”, đồng thời có tiếng nói lớn hơn và có sức thuyết phục hơn trong các vấn đề toàn cầu được đặt ra tại các thể chế và diễn đàn quốc tế. Sẽ có sự chuyển dịch sức mạnh kinh tế toàn cầu từ các nền kinh tế phát triển trước đây, đặc biệt là các nền kinh tế ở châu Âu, sang các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, đặc biệt ở Trung Quốc, Ấn độ và các nước BRICS khác. Bốn là, tuy nguy cơ chiến tranh thế giới bị đẩy lùi, song hòa bình ở nhiều khu vực vẫn bị đe dọa, thậm chí có nơi xung đột diễn ra nghiêm trọng và chiều hướng ngày càng rối loạn. Năm là, vai trò ngày càng lớn của các Công ty xuyên quốc gia (TNCs) không chỉ trong kinh tế mà còn trong sự phát triển nói chung của thế giới).
TS. Phạm Bích Ngọc
Tham luận “Hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính” của TS. Nguyễn Bình Giang (TBT Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế) đã trình bày về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính ở các phương diện: đầu tư gián tiếp, vay quốc tế, dịch vụ tài chính, và hội nhập về chuẩn mực kế toán/chuẩn mực báo cáo tài chính. So sánh độ mở giao dịch tài chính quốc tế của Việt Nam với một số nước trong khu vực bằng chỉ số KAOPEN, TS. Nguyễn Bình Giang nhận xét rằng trong hội nhập tài chính Việt Nam thận trọng trong thực hiện, nhờ đó đảm bảo an ninh tài chính quốc gia vững chắc trước những chao đảo, khủng hoảng tài chính thế giới.
(ảnh) TS Nguyễn Bình Giang
Tại Hội thảo, các chuyên gia PGS.TSKH Võ Đại Lược, TS. Võ Trí Thành, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, PGS.TS. Lê Xuân Bá, PGS.TS. Cù Chí Lợi, TS. Nguyễn Cao Đức, TS. Hoàng Thế Anh, TS. Ngô Chí Nguyện đã thảo luận, phân tích, đánh giá mối quan hệ giữa TCH và CDTG đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 cũng như tác động của vấn đề này đến Việt Nam thời gian qua và dự báo tình hình trong thời gian tới.
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Kinh tế Việt Nam cảm ơn các nhà khoa học, các đại biểu tham dự. TS. Phạm Anh Tuấn khẳng định, những tham luận và ý kiến được trình bày tại hội thảo này sẽ là cơ sở để Chủ nhiệm đề tài tiếp thu, làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản và xác định những vấn đề cần bổ sung hoàn thiện, phục vụ mục tiêu hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn mới.
Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp./.
Các tin liên quan
- Hội thảo khoa học “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: Hiện trạng và giải pháp thực hiện” (12/08/2024 8:56:51 SA)
- Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: xu hướng định hình kinh tế xanh (08/01/2024 11:08:00 SA)
- Hội thảo “Xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu” (08/01/2024 11:04:13 SA)
- Hội thảo khoa học “Chuyển dịch năng lượng Việt Nam: Xu hướng định hình tương lai xanh” (08/01/2024 10:55:43 SA)
- Hội thảo quốc tế “Quan hệ hữu nghị Việt-Lào: Thúc đẩy hợp tác song phương, chia sẻ kinh nghiệm ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi tăng trưởng” (04/12/2023 4:54:44 CH)
- Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam 2023 (07/11/2023 8:32:18 SA)
- Tổng kết Hội thảo Khoa học "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương" (28/08/2023 11:03:08 SA)
- Khai mạc Hội thảo khoa học "Định dạng bản sắc Ninh Bình gắn với xây dựng thương hiệu địa phương" (28/08/2023 10:57:32 SA)
- TỌA ĐÀM “NÂNG CAO NĂNG LỰC CHỐNG CHỊU, XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ CỦA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY” (24/07/2023) (26/07/2023 10:39:59 SA)