HỘI THẢO KHOA HỌC “VAI TRÒ CỦA DOANH NGHIỆP TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH” (23/03/2022)

07/04/2022 10:31:35 SA

Sáng ngày 23 tháng 03 năm 2022, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội thảo với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh”. Hội thảo nhằm đóng góp cho việc hiện thực hóa định hướng chiến lược về kinh tế xanh theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và xác định rõ hơn vai trò của các doanh nghiệp cho phát triển kinh tế xanh.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có TS. Vũ Quốc Tuấn – Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại; TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; PGS.TS. Phạm Trung Lương – Viện Môi trường và Phát triển bền vững; Ông Phạm Hoàng Hải – Trưởng ban phát triển quan hệ đối tác, Hội đồng doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam, VCCI; Bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát; Ông Phạm Tiến Dũng – Tổ chức Economica Vietnam. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng, TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng, TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng cùng các cán bộ của Viện. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ một số cơ quan nghiên cứu và các tổ chức khác.

(TS. Lê Xuân Sang phát biểu khai mạc hội thảo)

(TS. Võ Quốc Tuấn phát biểu khai mạc hội thảo)

Mở đầu hội thảo với bài tham luận “Dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050”, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đề cập đến mối quan hệ của tăng trưởng xanh và kinh tế xanh; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050; xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Từ đó đưa ra một vài kết luận sau: (i) Kinh tế xanh và tăng trưởng xanh là một xu thế tất yếu, Việt Nam không thể không thực hiện; (ii) Nếu đã bắt buộc phải thực hiện thì nên có tư duy thực hiện sớm để có định hướng và thiết kế từ ban đầu, tránh phải trả giá cho những giải pháp “nâu” trung gian và bỏ lỡ cơ hội đi cùng với thế giới; (iii) Thực hiện kinh tế xanh và tăng trưởng xanh với các cam kết đưa phát thải ròng về “0” là thách thức rất lớn cho các chủ thể cả Nhà nước và doanh nghiệp và mỗi người dân; (iv) Vai trò của Nhà nước là tạo lập thể chế kiến tạo, vai trò của doanh nghiệp là chủ động thực hiện chuyển đổi từ nâu sang xanh bằng công nghệ, chuyển đổi số và quản trị hiện đại; (v) Trách nhiệm thực hiện kinh tế xanh phải là sự chung tay của cả cộng đồng, phải có liên kết, phối hợp giữa các chủ thể liên quan.

(PGS.TS. Bùi Quang Tuấn trình bày tại hội thảo)

TS. Võ Trí Thành trong tham luận “Doanh nghiệp “xanh” và trách nhiệm xã hội” đã trình bày chi tiết về thị trường, doanh nghiệp, những vấn đề phát triển trong nền kinh tế; những minh chứng điển hình về các doanh nghiệp sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn và một số vấn đề chính sách. Cuối cùng, diễn giả đưa ra thông điệp doanh nghiệp cần học cách sống, cách quản trị nhiều loại “sốc” (giá; thị trường hàng hóa, tài chính-tiền tệ, dịch bệnh, thiên tai...); học cách tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua kết nối trong GSCs/GVC/Mạng sản xuất; học để có một tầm nhìn và chiến lược sản xuất kinh doanh mới hiệu quả hơn thân thiện với môi trường hơn.

(TS. Võ Trí Thành trình bày tại hội thảo)

Trình bày tham luận với chủ đề “Doanh nghiệp chung tay xóa bỏ rác thải nhựa đại dương từ hoạt động nuôi trồng thủy sản”, Bà Nguyễn Thị Hải Bình đã trình bày thực trạng rác thải Đại dương từ hoạt động nuôi trồng thủy sản, cụ thể tổng lượng rác nhựa phát sinh từ hoạt động nuôi trồng thủy sản ước tính vào khoảng 64.143 tấn/năm, bên cạnh đó lượng rác thải từ hạ tầng nuôi thủy sản ước tính vào khoảng gần 9.000 tấn/năm. Vì vậy, doanh nghiệp cần tham gia tuyên truyền chuyển đổi vật liệu hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản;  Nghiên cứu đưa ra các giải pháp sử dụng vật liệu bền vững từ nhựa HDPE và composite thay thế cho các vật liệu gây ô nhiễm môi trường; Đưa ra mô hình nuôi trồng thủy sản đa tầng hướng đến vừa nuôi trồng vừa làm sạch môi trường, giảm thiểu phát thải ra môi trường biển nhằm hướng đến mục đích xóa bỏ rác thải Đại dương, bảo vệ nguồn lợi biển.

(Bà Nguyễn Thị Hải Bình trình bày tại hội thảo)

PGS.TS. Phạm Trung Lương đã trình bày chi tiết nhận thức về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, thực trạng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh (TTX) và những vấn đề đặt ra cho việc phát triển du lịch xanh trong tham luận “Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn ở Việt Nam”. Theo đó để phát triển du lịch theo hướng xanh rất cần sự phối hợp của các bên liên quan là các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, khách du lịch cũng như cộng đồng.

(PGS.TS. Phạm Trung Lương trình bày tại Hội thảo)

Tiếp tục chương trình của hội thảo, ông Phạm Hoàng Hải đã trình bày bài tham luận “Hiện trạng mô hình kinh tế tuần hoàn ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam”. Theo đánh giá từ kết quả khảo sát và nghiên cứu tại bàn, có 90% doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH), tuy nhiên có 82% doanh nghiệp trong số đó chuyển đổi ở mức sơ khai và trung bình. Các thách thức được đưa ra là do áp lực chuyển đổi chưa đủ mạnh để tạo nên thay đổi, cơ chế khuyến khích chuyển đổi còn hạn chế và bất cập, thiếu thông tin và mô hình phù hợp. KTTH đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức với doanh nghiệp Việt Nam vì vậy cần khắc phục những hạn chế, thách thức để doanh nghiệp có khả năng chuyển đổi tốt hơn.

(Ông Phạm Hoàng Hải trình bày tại Hội thảo)

Mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp và kinh tế xanh; TNXH của DN đối với môi trường trên khía cạnh kinh tế, pháp lý, nhân văn và trong bối cảnh biến đổi khí hậu; một số mô hình, sáng kiến thực hiện TNXH của DN đối với môi trường như doanh nghiệp ngành lâm nghiệp tăng cường cung cấp dịch vụ môi trường rừng, công nghệ tưới nhỏ giọt và chuyển đổi đối tượng sản xuất để tiết kiệm nước, sản xuất gạch bê tông nhẹ không nung được ông Phạm Tiến Dũng trình bày cụ thể trong tham luận “Doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội đối với môi trường trong nền kinh tế xanh”.

(Ông Phạm Tiến Dũng trình bày tại Hội thảo)

Cuối cùng là bài tham luận trình bày về “Doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19 theo hướng xanh và chống chịu” của TS. Hà Huy Ngọc. Trong bài tham luận, diễn giả trình bày về xu hướng phục hồi xanh ở một số quốc gia trên thế giới; Xu hướng đầu tư vào phục hồi xanh ở khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam sau tác động của đại dịch COVID-19. Từ đó, đưa ra một số khuyến nghị đối với Chính phủ cũng như với các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy đầu tư phục hồi xanh ở khu vực tư nhân.

(TS. Hà Huy Ngọc trình bày tại Hội thảo)

Trong phần thảo luận, TS. Vũ Quốc Huy đã có những chia sẻ, gợi mở về sơ đồ mô hình KTTH, chính sách của các quốc gia về KTTH và những tồn tại, hạn chế chính sách KTTH của Việt Nam. Bên cạnh đó, TS. Vũ Quốc Huy mong muốn có thêm những nghiên cứu, hành động để tiếp tục triển khai KTTH ở quy mô quốc gia.

(TS. Vũ Quốc Huy bình luận tại Hội thảo)

TS. Lê Xuân Sang cho rằng có năm nhóm nhân tố tác động đến vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh là nhóm cung, nhóm cầu, yếu tố công nghệ, vốn và tính bền vững của khung pháp lý. Từ các nhân tố này TS. Lê Xuân Sang đưa ra các câu hỏi gợi mở nhằm nâng cao hơn nữa vai trò cũng như hiệu quả của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh.

(TS. Lê Xuân Sang bình luận tại Hội thảo)

TS. Võ Trí Thành cho rằng nên tăng cường nhận thức của cộng đồng về tăng trưởng xanh và tăng cường liên kết của Chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng trong tiến trình chuyển đổi xanh. Ngoài ra cần có những tiêu chí đo lường để đánh giá “bức tranh thật” của kinh tế xanh, sự tham gia của doanh nghiệp và mức độ KTTH của Việt Nam.

(TS. Võ Trí Thành bình luận tại Hội thảo)

Trong phần bế mạc, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn tổng kết một số điểm sơ bộ bao gồm (i) Cần rà soát lại các cơ hội, thách thức của Việt Nam trong chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, KTTH; (ii) Nhà nước là chủ thể có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xanh; (iii) Các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong quá trình chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh”; (iv) Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể tham gia trong quá trình chuyển đổi xanh. Cuối cùng, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những đóng góp ý kiến đóng góp cho Hội thảo.

(PGS.TS. Bùi Quang Tuấn phát biểu bế mạc hội thảo)

Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp.

Đưa tin: Việt Hà