HỘI THẢO “KINH TẾ BIỂN XANH: CƠ HỘI, THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG” (16/11/2021)

19/11/2021 4:34:10 CH

Ngày 16 tháng 11 năm 2021, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Kinh tế biển xanh: Cơ hội, thách thức, và giải pháp phát triển bền vững”.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh – Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED) - Liên hiệp các Hội KH-KT Việt Nam(VUSTA); TS. Dư Văn Toán – Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; TS. Lê Văn Hùng – Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng; cùng các đại biểu đến nhiều tổ chức, cơ quan khác. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng, TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng cùng cùng toàn thể cán bộ của Viện.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260km, với tổng diện tích các vùng lãnh hải trên 1 triệu km2. Quy mô kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 47-48% GDP cả nước, trong đó, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 20-22% GDP cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế biển nước ta vẫn phải đối mặt với các thách thức lớn về môi trường và tài nguyên biển cả trong ngắn hạn và dài hạn. Vì vậy, các vấn đề liên quan đến vấn đề kinh tế biển xanh là chủ đề nóng trong giai đoạn tới.

(PGS.TS. Bùi Quang Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo)

Vấn đề tác động BĐKH đến kinh tế - môi trường biển; Kinh tế tuần hoàn và sự cần thiết triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn; Xây dựng cộng đồng thích nghi BĐKH dưa trên kinh tế tuần hoàn; Tầm nhìn thời đại “Hậu Hóa Dầu” được GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh trình bày chi tiết trong tham luận “Tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế - môi trường ven biển Việt Nam và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho phát triển bền vững”.

(GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh trình bày tại Hội thảo)

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng trình bày tham luận về “Xây dựng Thể chế và Chính sách để phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”. Theo đó diễn giả cho thấy bức tranh tổng quan về nuôi biển Việt Nam và tiềm năng có thể đạt được cho phát triển nuôi biển đến năm 2030. Diễn giả cho rằng cần có những chính sách đồng bộ để phát triển nuôi biển bền vững bao gồm (i) Giao quyền sử dụng vùng biển cho chủ đầu tư; (ii) Chính sách tín dụng cho doanh nghiệp và ngư dân nuôi biển; (iii) Chính sách giám sát, cảnh báo và quản lý môi trường biển; (iv) Chính sách đào tạo cho ngư dân nuôi biển; (v) Chính sách bảo hiểm nuôi biển công nghiệp; (vi) Đầu tư Nhà nước và hỗ trợ cho nuôi biển; (vii) Quy định quản lý Nhà nước về nuôi biển.

(PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng trình bày tại Hội thảo)

Đối với lĩnh vực Năng lượng tái tạo, Việt Nam đã thúc đẩy đầu tư xây dựng, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác trên các vùng biển và hải đảo. Đặc biệt Chính phủ ưu tiên phát triển các dự án điện gió tại một số tỉnh có tiềm năng, trước hết là tại các tỉnh Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau. TS. Dư Văn Toán đã tình bày về “Đánh giá tiềm năng điện gió ngoài khơi vùng ven biển Việt Nam và đề xuất chính sách phát triển” để làm rõ vấn đề về xu thế, tiềm năng, các dự án điện gió ở vùng biển Việt Nam và có đề xuất là cần phát triển đột phá/thí điểm phát triển tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

(TS. Dư Văn Toán trình bày tại Hội thảo)

Tiếp tục chương trình của tọa đàm, TS. Hà Huy Ngọc đã trình bày bài tham luận “An ninh môi trường biển ở Việt Nam”. Diễn giả đề cập đến khái niệm then chốt về an ninh môi trường biển; hiện trạng an ninh môi trường biển; một số áp lực đối với đảm bảo an ninh môi trường biển trong giai đoạn tới và đưa ra các khiến nghị giải pháp chính sách đảm bảo an ninh môi trường biển.

(TS. Hà Huy Ngọc trình bày tại Hội thảo)

Trình bày tham luận với chủ đề “Đánh giá thực trạng phát triển khu kinh tế ven biển ở Việt Nam”, TS. Lê Văn Hùng đã khái quát một số mô hình khu kinh tế ven biển ở Châu Á cũng như nên ra thực trạng và vấn đề trong phát triển KKT ven biển Việt Nam. Từ đó đưa ra ba bài học về quy hoạch, thu hút đầu tư, môi trường sinh thái nhằm phát triển bền vững KKT ven biển.

(TS. Lê Văn Hùng trình bày tại Hội thảo)

Hội thảo bước sang phần trao đổi, thảo luận.

TS. Lê Anh Vũ – Nguyên Phó viện trưởng Viện Phát triển bền vững Vùng, cho rằng cần thay đổi cách tiếp cận khi tiến hành chuyển đổi mô hình kinh tế từ nâu sang xanh và đặt ra câu hỏi làm thế nào để chúng ta tạo ra cơ cấu cho kinh tế biển xanh.

Chuyên gia Doãn Mạnh Dũng đóng góp ý kiến về áp dụng công nghệ mới sử dụng cánh quạt hình trống tại miền Trung và Nam Bộ để sử dụng làm nguồn năng lượng tái tạo biến đổi động năng thành điện năng.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng một lần nữa khẳng định đã đến lúc chuyển sang canh tác nuôi trồng trên biển. Nuôi biển phải xuất phát từ việc đảm bảo bền vững, gìn giữ môi trường và hệ sinh thái biển, giảm thiểu cường độ phá hoại.

Theo TS. Lê Văn Hùng, thu hút đầu tư cho công nghiệp ven biển cần phải có những giải pháp đầu tư trong cả ngắn hạn và dài hạn để phát triển, bên cạnh đó cũng làm giảm thiểu tác động của sản xuất công nghiệp đến môi trường biển.

Để trả lời cho cậu hỏi của ông Ngô Hoàng Đại Long, Phân hiệu ĐHQG-HCM tại tỉnh Bến Tre “Cơ hội nào cho các tỉnh duyên hải Tây Nam Bộ trong phát triển Kinh tế biển xanh trong bối cảnh mới ở Việt Nam”. GS.TS. Nguyễn Hữu Ninh cho rằng ưu thế của vùng duyên hải Tây Nam Bộ là du lịch sông nước cùng với việc thay đổi chiến lược phát triển kinh tế trong những năm gần đây của vùng thì việc phát triển Kinh tế biển xanh cho các tỉnh duyên hải Tây Nam Bộ là hoàn toàn có thể làm được.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình – Đại diện doanh nghiệp có đề xuất nên có các cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng để thu hút đầu tư vào doanh nghiệp. Cùng doanh nghiệp mở ra cơ hội mới để chuyển đổi vật liệu nuôi biển sang nhựa HDPE hạn chế ảnh hưởng của khí hậu.

Phát biểu bế mạc hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những đóng góp về cách tiếp cận vấn đề liên quan đến kinh tế biển xanh; vấn đề phát triển kinh tế thủy sản; các vấn đề về thể chế và chính sách;…để tạo tiền, động lực cho phát triển kinh tế bền vững, kinh tế biển xanh cũng như nền kinh tế tuần hoàn ở nước ta.

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Thực hiện: Việt Hà