HỘI THẢO “KINH TẾ VIỆT NAM TRƯỚC KHÓ KHĂN VÀ NGUY CƠ SUY THOÁI KINH TẾ TOÀN CẦU” (28/03/2023)

06/07/2023 3:13:07 CH

Ngày 28 tháng 03 năm 2023, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo: “Kinh tế Việt Nam trước khó khăn và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu”. Hội thảo nhằm phân tích, đánh giá tình hình, đưa ra một số dự báo và đề xuất các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trước những biến động bất thường và bất ổn của năm 2022 và đầu năm 2023 như cuộc xung đột Nga – Ukraine, lạm phát cao, cầu yếu, những rủi ro và bất ổn của khu vực tài chính và đứt gãy của các chuỗi sản phẩm.... Đồng chủ trì hội thảo có TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh và PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Tham dự Hội thảo, có TS. Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; TS. Lương Minh Huân – Viện trưởng Viện phát triển Doanh nghiệp; TS. Trịnh Thu Nga – Phó viện trưởng, Viện Khoa học Lao động và Xã hội; TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư; Bà Nguyễn Hải Bình – TGĐ Tập đoàn Super Trường Phát; TS. Trần Toàn Thắng – Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Vũ Quốc Huy – Chuyên gia kinh tế. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ các cơ quan nghiên cứu và một số tổ chức khác.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Mở đầu phiên các bài tham luận, TS. Phạm Anh Tuấn đã khái quát những vấn đề chung và nổi bật của kinh tế Việt Nam năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 thông qua tham luận với chủ đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và những tháng đầu năm 2023”. Theo đó một số điểm nổi bật của kinh tế Việt Nnăm 2022 bao gồm: GDP có mức tăng trưởng cao đạt 8,02%; Thương mại đạt kỷ lục 732 tỷ USD, xuất siêu hơn 11 tỷ USD; Lạm phát 3,15% đạt mục tiêu…. Dự đoán đến 2023 các bất ổn về kinh tế thế giới: Xung đột địa chính trị; Nguy cơ suy thoái; Lạm phát tiếp tục tăng; Hệ thống tài chính tiền tệ toàn cầu biến động mạnh… vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến doanh nghệp, người lao động và cả chính phủ. Tuy nhiên, so sánh với quốc tế, triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá khá hơn các nước trong khu vực.

(TS. Phạm Anh Tuấn trình bày tại Hội thảo)

Bàn về “Những vấn đề thách thức của kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay”, TS. Võ Trí Thành cho rằng áp lực rủi ro kinh tế vĩ mô bắt đầu từ cuối quý 3/2022. Ngân hàng nhà nước đã phải nới biên độ tỷ giá lên 2% và 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành lên 1%. Ngoài ra, ảnh hưởng còn đến từ tình trạng thiếu thanh khoản và sụt giảm niềm tin của các nhà đầu tư ở thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp do một số hanh vị gian lận bị xử lý. Năm 2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với “cơn gió ngược”, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, các điều kiện tài chính – tiền tệ chặt chẽ, ngặt nghèo hơn. Vì vậy cần có những giải pháp chính sách nhằm ổn định vĩ mô; an toàn hệ thống tài chính – ngân hàng và thúc đẩy phục hồi.

(TS. Võ Trí Thành trình bày tại Hội thảo)

Các vấn đề về tình hình phát triển doanh nghiệp, các khó khăn thách thức trong phát triển doanh nghiệp và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu được TS. Lương Minh Huân trình bày chi tiết trong tham luận “Tình hình doanh nghiệp và những khó khăn, thách thức hiện nay”. Trên cơ sở đó, diễn giả đã đưa ra dự báo tình hình doanh nghiệp năm 2023 cũng như các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Để hỗ trợ doanh nghiệp trong dài hạn cần Tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh; Nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19 cho doanh nghiệp; Nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ…

TS. Trịnh Thu Nga đã trình bày tham luận với chủ đề “Tình hình lao động, việc làm và các vấn đề an sinh xã hội”. Theo diễn giả, một số vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới, CMCN 4.0 là vấn đề già hóa dân số; thị trường lao động chưa phát triển, mất cân đối; các nguy cơ hiện hữu như suy giảm kinh tế toàn cầu, biến đổi khí hậu, xung đột quân sự tác động tiêu cực đến việc làm, sinh kế và cuộc sống của người dân; hệ thống an sinh xã hội thiếu tính bao trùm, liên kết. Do đó, để đáp ứng nhu cầu việc làm bền vững, phát triển toàn diện hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi phải kịp thời có các cơ chế, chính sách phù hợp trong cả ngắn hạn và dài hạn để thích ứng.

Trong tham luận “Khuyến nghị cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức trong bối cảnh mới”, TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng trong số các khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt, có 4 nhóm vấn đề lớn cần được quan tâm giải quyết tháo gỡ. Đó là (i) Khó khăn về nguồn vốn; (ii) Vướng mắc về thủ tục pháp lý; (iii) Thiếu đơn hàng xuất khẩu, khó khăn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; (iv) Những rào cản thách thức đối với FDI. Để giải quyết những vấn đề đó cần (i) Tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh; (ii) Thực thi có hiệu quả các giải pháp đã được đề ra tại các Nghị quyết của Chính phủ; (iii) Triển khai hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế; (iv) Ban hành Chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bà Nguyễn Hải Bình đã trình bày tham luận với chủ đề “Thách thức, khó khăn trước suy thoái toàn cầu và tâm thế “đón bão” của STP”. Những khó khăn mà STP phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay gồm: Chi phí logistic, nguyên vật liệu đầu vào, phí nhân công tăng; Khó khăn tiếp cận tín dụng, quỹ đầu tư; Hàng hóa thanh khoản thấp; Cầu tiêu dùng giảm mạnh. Theo đó dưới góc độ doanh nghiệp, bà Hải Bình đã đề xuất Viện kết nối doanh nghiệp tới các Quỹ đầu tư quốc tế, chung tay đầu tư các dự án lớn; Hỗ trợ doanh nghiệp phản hồi các chính sách Nhà nước; Chung tay cùng doanh nghiệp xây dựng các Đề án nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm – dịch vụ,…

Bước vào phiên bình luận, TS. Trần Toàn Thắng đã đưa ra một số thông tin khái quát về một số vấn đề như Đầu tư công, giải ngân đầu tư công; Điểm nghẽn của thị trường tài chính; Trái phiếu doanh nghiệp; Thị trường lao động, việc làm; Thị trường bất động sản,… Cũng theo TS. Trần Toàn Thắng chúng ta cần có một phân tích thấu đáo về danh mục đầu tư công (đầu tư vào lĩnh vực gì, công trình nào, loại hình nào,…) nhằm nhận định tác động của việc sử dụng đầu tư công như một đòn bẩy để kích thích tăng trưởng.

TS. Vũ Quốc Huy cho rằng có những mâu thuẫn trong sự tăng trưởng của Việt Nam năm 2022. Bởi dù chỉ số tăng trưởng GDP đạt hơn 8% nhưng với những tháng cuối năm xuất nhập khẩu giảm sút, doanh nghiệp đầu tư khó khăn, thị trường lao động việc làm ảm đạm,… Bên cạnh đó, TS. Vũ Quốc Huy đã đặt ra một số giả thuyết dự báo, kỳ vọng về kinh tế năm 2023.

Trong phần bế mạc, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn tổng kết một số điểm như sau (i) Hội thảo đã đưa ra những nhận định, nhận diện các vấn đề vĩ mô và vi mô của kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam, bên cạnh đó đưa ra một số dự báo và giải pháp ổn định, tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới; (ii) Để tăng trưởng nhanh và bền vững cần bàn thêm về các yếu tố thể chế, chính sách, công nghệ, kinh tế số, chuyển đổi xanh… Cuối cùng, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những ý kiến đóng góp cho Hội thảo.

(PGS.TS. Bùi Quang Tuấn phát biểu bế mạc Hội thảo)

Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp

Việt Hà