HỘI THẢO “MÔ HÌNH KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI VÀ KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG TẠI VIỆT NAM” (27/06/2022)

04/07/2022 9:41:35 SA

Sáng ngày 27 tháng 06 năm 2022, Viện Kinh tế Việt Nam cùng Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo với chủ đề “Mô hình Khu công nghiệp sinh thái và khả năng ứng dụng tại Việt Nam”. Đồng chủ trì hội thảo có TS. Phạm Hùng Tiến – Phó giám đốc Viện FNF Việt Nam và TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có TS. Trần Thị Mai Thành – Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; Bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ThS. Trần Thanh Phương – Công ty TNHH SD Link. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng; TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng, cùng toàn thể cán bộ của Viện. Ngoài ra, hội thảo còn có sự góp mặt của các nhà khoa học đến từ một số cơ quan nghiên cứu và các tổ chức khác.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Sau lời tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu của TS. Phạm Anh Tuấn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn trong bài phát biểu khai mạc đã đề cập hội thảo nhằm đưa ra những đánh giá đa chiều về khả năng ứng dụng mô hình Khu công nghiệp (KCN) sinh thái tại Việt Nam.

Trình bày tham luận với chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế và chỉ dấu sinh thái của Mô hình KCN Sinh thái”, TS. Trần Thị Mai Thành đã trình bày về khái niệm, phân loại KCN sinh thái; kinh nghiệm quốc tế trường hợp KCN Ulsan – Hàn Quốc. Từ đó, TS. Mai Thành phân tích những lợi ích, hạn chế và những điều kiện để áp dụng thành công mô hình KCN sinh thái và các chỉ dấu sinh thái của mô hình KCN sinh thái.

(TS. Trần Thị Mai Thành trình bày tại Hội thảo)

Tiếp theo chương trình, ThS. Nguyễn Đức Long trình bày tham luận “Khả năng áp dụng mô hình KCN sinh thái tại Khu công nghiệp Thăng Long II”. Nội dung chính của tham luận đánh giá khả năng chuyển đổi KCN Thăng Long II sang mô hình KCN sinh thái trên các tiêu chí theo tổng hợp từ kinh nghiệm quốc tế và Nghị định 35/2022/NĐ-CP. Theo đó, diễn giả có nhận định khả năng chuyển đổi của KCN Thăng Long II là không khả thi và KCN Thăng Long II chưa có khả năng cộng sinh công nghiệp.

(ThS. Nguyễn Đức Long trình bày tại Hội thảo)

Tình hình phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam; Phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam; Chính sách và định hướng phát triển khu công nghiệp sinh thái được bà Vương Thị Minh Hiếu trình bày chi tiết trong tham luận “Ứng dụng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam: Thực trạng và triển vọng”.

 (Bà Vương Thị Minh Hiếu trình bày tại Hội thảo)

Cuối cùng là bài tham luận trình bày về “Giải pháp ứng dụng mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam” của ThS. Trần Thanh Phương. Các giải pháp thúc đẩy ứng dụng mô hình KCN sinh thái được diễn giả đưa ra bao gồm (i) Hoàn thiện thể chế - chính sách; (ii) Tăng cường các công cụ hỗ trợ (về tài chính, kỹ thuật, liên kết, phát triển nguồn nhân lực); (iii) Tăng cường triển khai thí điểm; (iv) Nhân rộng mô hình.

(ThS. Trần Thanh Phương trình bày tại Hội thảo)

Trong phần thảo luận, TS. Nguyễn Bình Giang cho rằng để thúc đẩy doanh nghiệp tham cộng sinh công nghiệp, cần phải có các giải pháp để tháo gỡ cản trở (i) doanh nghiệp thiếu thông tin về đối tác; (ii) doanh nghiệp cảm thấy thiếu tin tưởng, ngần ngại chia sẻ thông tin của doanh nghiệp (các chỉ số phát thải); (iii) chi phí sử lý chất thải đầu vào; (iv) vị trí các khu chức năng của các KCN đang hoạt động;…

(TS. Nguyễn Bình Giang góp ý kiến tại Hội thảo)

TS. Phạm Hùng Tiến cho rằng nhóm nghiên cứu nên đi sâu hơn và lồng ghép các văn bản pháp luật liên quan đến chủ đề phù hợp với Nghị Định 13, Chiến lược tăng trưởng xanh, công cụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng kinh tế xanh nói riêng. Đăc biệt cần chú ý hơn đến góc độ tự thân của doanh nghiệp, không chỉ nhìn duới góc độ cơ quan quản lý.

(TS. Phạm Hùng Tiến góp ý kiến tại Hội thảo)

ThS Trần Thanh Phương cung cấp các thông tin cho hội thảo về tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái theo Nghị Định 35/2022/NĐ-CP và bộ công cụ KCN sinh thái của Liên Hợp Quốc để phát triển cộng sinh công nghiệp.

Theo TS. Phạm Anh Tuấn, những doanh nghiệp lớn có hệ thống tiết kiệm năng lượng và hạn chế chất thải tốt bởi họ có ưu thế về công nghệ và vốn. Ngược lại nếu doanh nghiệp trong KCN không nắm được quy trình sản xuất hiện đại thì vấn đề phát triển KCN sinh thái là rất khó khăn.

Kết thúc buổi hội thảo, TS. Lê Xuân Sang phát biểu tổng kết, bế mạc và gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến cho nhóm nghiên cứu có cơ sở chỉnh sửa, hoàn thiện các báo cáo của đề tài.

Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp.