HỘI THẢO “PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI TRONG LĨNH VỰC SẢN XUẤT VÀ TIÊU DÙNG BỀN VỮNG, THÚC ĐẨY KINH TẾ TUẦN HOÀN”

12/11/2021 4:15:57 CH

Chiều ngày 27 tháng 10 năm 2021, tại Hội trường Viện Kinh tế Việt Nam đã diễn ra buổi Hội thảo với chủ đề “Phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”. Hội thảo do Viện Kinh tế Việt Nam và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có ThS. Lê Xuân Thịnh – Giám đốc Trung tâm sản xuất sạch Việt Nam; TS. Bạch Hồng Việt – Quyền Giám đốc Trung tâm Phân tích dự báo, VASS; TS. Phạm Sỹ An – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng, TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng, TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng cùng toàn thể cán bộ của Viện.

(Toàn cảnh hội thảo)

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết Hội thảo đề cập đến các vấn đề chính là sử dụng công nghệ hiện đại; vấn đề số hóa, xanh hóa sản xuất; tiêu dùng bền vững và các vấn đề về kinh tế tuần hoàn.

Sau lời phát biểu khai mạc, Hội thảo bước vào phiên thứ 1 với bài tham luận “Chiến lược tăng trưởng xanh ở Việt Nam và yêu cầu về nguồn nhân lực cho trụ cột khoa học công nghệ thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh” của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn. Một số kết luận về tăng trưởng xanh (TTX) và nguồn lực cho phát triển tăng trưởng xanh được diễn giả đưa ra là (i) TTX là phương thức để thực hiện phát triển bền vững vì con người; (ii) TTX giai đoạn 2011-2020 thực hiện chưa hiệu quả trong đó có nguyên nhân quan trọng là nguồn lực tài chính và nguồn lực nhân lực; (iii) Để thực hiện TTX hiệu quả trong bối cảnh mới cần phải tập trung chú ý trụ cột khoa học công nghệ (KHCN) và chuyển đổi số; (iv) Nguồn nhân lực cho phát triển KHCN trong đó có TTX đang còn thiếu và yếu; (v) Cần phải có các giải pháp đột phá mạnh mẽ để phát triển nguồn nhân lực cho phát triển KHCN trong đó có TTX.

(PGS.TS. Bùi Quang Tuấn trình bày tại Hội thảo)

ThS. Lê Xuân Thịnh đã trình bày tham luận về “Xây dựng khu công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn”. Theo đó diễn giả đã đề cập đến hiện trạng nền công nghiệp Việt Nam; các chiến lược ngăn ngừa ô nhiễm; nền kinh tế tuần hoàn; khu công nghiệp sinh thái (KCNST); cộng sinh công nghiệp. Từ những nội dung được trình bày diễn giả đưa ra kết luận nền kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu của thế giới phát triển giúp ngăn ngừa ô nhiễm và phát triển bền vững; Phát triển KCNST hiện đang có những thuận lợi là chính sách nhà nước, nhận thức của con người… nhưng bên cạnh đó cũng có những khó khăn như rào cản pháp lý, nguồn vốn đầu tư, mô hình trình diễn,…

(Ths. Lê Xuân Thịnh trình bày tại Hội thảo)

Các đại biểu tham dự Hội thảo còn được nghe bài trình bày về “Ứng dụng KH&CN trong mô hình kinh tế tuần hoàn: Kinh nghiệm thế giới và hàm ý chính sách cho Việt Nam” của ông Bùi Nhật Huy. Trong bài trình bày, diễn giả giới thiệu một số quan niệm về kinh tế tuần hoàn, các mô hình kinh tế tuần hoàn ứng dụng khoa học công nghệ, các điều kiện để ứng dụng KHCN vào các mô hình kinh tế tuần hoàn và đưa ra các khuyến nghị như hình thành cơ sở pháp lý, khái niệm, lý luận, bộ chỉ số đo lường hiệu quả của kinh tế tuần hoàn; cần ứng dụng các mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn ở nhiều phân cấp khác nhau,…để đưa KH&CN vào mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

(Ông Bùi Nhật Huy trình bày tại Hội thảo)

Mở đầu Phiên 2 của tọa đàm, TS. Bạch Hồng Việt trình bày tham luận về “Phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành chế biến thủy sản ở Việt Nam”. Tác giả đưa ra bốn giải pháp chính nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong chế biến thủy sản (i) Nâng cao nhận thức về phát triển mô hình KTTH; (ii) Có hành lang pháp lý cũng như những hướng dẫn, quy định để doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện KTTH; (iii) Đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiến tiến là cơ hội để thực hiện KTTH nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao; (iv) Hỗ trợ tài chính cho đổi mới công nghệ và phát triển KTTH.

Tiếp tục chương trình của tọa đàm, TS. Hà Huy Ngọc đã trình bày bài tham luận “Doanh nghiệp KHCN và ĐMST ở Việt Nam”. Theo thống kê của tác giả đến năm 2020 nước ta có khoảng 3.100 công ty khởi nghiệp sáng tạo đang hoạt động với những mô hình sản phẩm sáng tạo và đột phá trên nhiều lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Vì vậy tác giả đã đưua ra một vài kiến nghị chính sách nhằm phát triển doanh nghiệp KHCN và ĐMST ở Việt Nam (i) Hỗ trợ doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng toàn cầu; (ii) Xóa bỏ rào cản về thủ tục hành chính và tăng cường cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp; (iii) Tăng cường đầu tư cho R&D; (iv) Thành lập kho ý tưởng hay quỹ ý tưởng và phát minh sáng chế quốc gia có thể chia sẻ, hỗ trợ cho việc ứng dụng trong DN; (v) Phát huy và khuyết khích tinh thần khởi nghiệp gắn với kinh tế số.

(TS. Hà Huy Ngọc trình bày tại Hội thảo)

Cuối cùng là bài tham luận trình bày về “Tiêu dùng bền vững gắn với kinh tế số ở Việt Nam” của TS. Bùi Thu Trang. Trong bài tham luận, diễn giả đưa ra ba xu hướng chính gồm (i) Đơn giản hóa và tăng khả năng tiếp cận sản phẩm; (ii) Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người tiêu dùng; (iii) Tiêu dùng hợp tác/chia sẻ. Các xu hướng này định hình sự tác động ngày càng tăng của chuyển đổi số tới các hình thức tiêu dùng. Diễn giả cũng đề cập đến rủi ro và cơ hội của chuyển đổi số tới tiêu dùng bền vững và đưa ra một số gợi ý khuyến nghị, giải pháp chính sách nhằm hướng tới tiêu dùng bền vững gắn với kinh tế số.

(TS. Bùi Thu Trang trình bày tại Hội thảo)

Trong phần thảo luận, TS. Phạm Anh Tuấn cho rằng đã có những tín hiệu tốt cho phát triển KTTH và KTX tại Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn bởi quá trình hiện thực hóa mục tiêu này ở các cấp, đặc biệt cần đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác giữa giới KHCN và giới quản lý KHCN. Cuối cùng TS. Phạm Anh Tuấn nhận định mục tiêu về phát triển KTTH nói chung cũng như phát triển KTX không thể thiếu vai trò của KHCN.

TS. Phạm Sỹ An cho rằng cần nhận diện đối với nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn nào của kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó nên có những đánh giá định lượng như đánh giá về thu nhập của doanh nghiệp trong KCNST và ở nơi khác hoặc đánh giá chỉ số phát triển của KT thông thường và KTTH nhằm làm rõ lợi ích của KTTH trong sản xuất và tiêu dùng bền vững.

(TS. Lê Xuân Sang phát biểu tổng kết, bế mạc Hội thảo)

Kết thúc buổi hội thảo, TS. Lê Xuân Sang phát biểu tổng kết, bế mạc và TS cũng gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến để Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Việt Hà