Lực đẩy công nghiệp hỗ trợ

22/08/2019 9:37:23 SA

 

Cơ hội lớn

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Sang, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam muốn phát triển phải hội tụ được nhiều yếu tố: Quy mô vốn lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao… Riêng về lợi thế quy mô, doanh nghiệp CNHT trong nước chủ yếu sản xuất sản phẩm mang tính đặc thù nội địa như: Hộp nhựa, kết cấu kim loại, khuôn đúc, bao bì… Các sản phẩm này có quy mô tiêu thụ thấp. Trong khi đó, sản phẩm thông dụng toàn cầu: Bộ phận cơ khí, bánh răng nhựa, bóng bán dẫn, tụ điện…, Việt Nam chưa có thế mạnh. Tuy nhiên, khi tham gia hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, quy mô thị trường xuất khẩu được mở rộng sẽ là động lực cho DN tích cực tham gia sản xuất sản phẩm cung ứng toàn cầu.

Tiến sĩ Lê Xuân Sang nhấn mạnh: Ngành CNHT đang có cơ hội lớn để thay đổi và phát triển. Bởi lẽ, FTA là “bàn đạp” thúc đẩy xuất khẩu, từ đó, nhu cầu nguyên phụ liệu cho sản xuất cũng tăng cao, tạo thị trường tiêu thụ cho sản phẩm CNHT. Đây là tiền đề cho DN CNHT mở rộng quy mô. Hơn nữa, FTA thế hệ mới cũng góp phần tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch hơn. Đặc biệt, CNHT sẽ dịch chuyển lên khâu có giá trị gia tăng cao hơn.

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp

Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế ưu đãi cho DN CNHT như: Miễn 4 năm đầu thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định, nguyên liệu vật tư, linh kiện để thực hiện dự án đầu tư… Đặc biệt, Nghị định 111/2015/NĐ còn cho phép nhà đầu tư hưởng ưu đãi 50% kinh phí sản xuất thử trong hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Theo ông Lê Thanh Thủy – Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Trí Cường, các DN vừa và nhỏ thường không có mặt bằng sản xuất ổn định lâu dài, chủ yếu phải đi thuê lại. Do đó, DN không thể đầu tư lâu dài. Hơn nữa, DN khó đổi mới máy móc, thiết bị do không tiếp cận được nguồn vốn hoặc tiếp cận được nhưng lãi suất cao. Ngoài ra, phát triển CNHT cần các nhà sản xuất vệ tinh nhưng ở Việt Nam, nhà sản xuất cấp 1 đã yếu, cấp 2,3 càng yếu hơn, không thể đáp ứng yêu cầu của DN lắp ráp.Tuy nhiên, theo nhiều DN, hành lang pháp lý dù tốt đến mấy nhưng khâu triển khai không hiệu quả thì ý nghĩa của chính sách không như mong đợi.

Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, ông Hoàng Minh Trí - Tổng giám đốc Công ty 4P - chia sẻ: Để ngành CNHT có thể thích nghi và phát triển trong hội nhập, cả DN và nhà nước cần vượt lên chính mình. Theo ông Trí, muốn tham gia vào chuỗi cung ứng, DN cần thực hiện tốt yếu tố: Tiêu chuẩn hóa, đảm bảo dịch vụ tốt, giao hàng đúng hạn, xây dựng mức giá cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa DN FDI và DN nội địa. “Một DN FDI muốn chuyển cơ sở sản xuất từ quốc gia này sang quốc gia khác, họ chỉ cần 1 năm là có thể hoạt động 100% công suất và hưởng rất nhiều hỗ trợ. Trong khi với DN trong nước, để nhà máy đi vào hoạt động ổn định, trung bình phải mất 5 năm nhưng lại không được nhận ưu đãi như DN FDI”, ông Hoàng Minh Trí ví dụ.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tháo gỡ những bất cập về chính sách thuế trong bối cảnh hội nhập và loại bỏ quy định gây khó khăn cho hoạt động của DN; ban hành chính sách khuyến khích DN nội địa tham gia chuỗi cung ứng.

Ông Atsusuke Kawada - Trưởng đại diện Văn phòng tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội: "Chính phủ Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ tích cực đối với các doanh nghiệp thực sự muốn tham gia vào chuỗi cung ứng".