TỌA ĐÀM KHOA HỌC “CẢI CÁCH VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ KINH DOANH: KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VÀ HÀM Ý CHO VIỆT NAM”

23/08/2022 3:28:32 CH

Ngày 10 tháng 8 năm 2022, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Cải cách và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”. Tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế trong việc thực hiện các chương trình cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

Tham dự tọa đàm, về phía khách mời có PGS.TS. Vũ Duy Nguyên – Phó Trưởng khoa Thuế và Hải Quan Học viện Tài Chính; PGS.TS. Đặng Minh Đức – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu; TS. Trần Thị Mai Thành – Trường Đại học Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng; TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng cùng các cán bộ của Viện. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ một số cơ quan nghiên cứu và các tổ chức khác.

(PGS.TS. Bùi Quang Tuấn phát biểu khai mạc Tọa đàm)

Sau lời phát biểu khai mạc của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, các đại biểu đã nghe bài tham luận về “Mô hình hải quan thông minh: nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp đối với hải quan Việt Nam” của PGS.TS. Vũ Duy Nguyên. Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì việc xây dựng và triển khai chiến lược Hải quan thông minh là tất yếu. Thông qua việc nghiên cứu tiếp cận kinh nghiệm quốc tế về mô hình Hải quan thông minh ‘SMART customs” của một số quốc gia trên thế giới là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản, diễn giả đã gợi mở một số nội dung đối với triển khai mô hình Hải quan thông minh ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

(PGS.TS. Vũ Duy Nguyên trình bày tại Tọa đàm)

PGS.TS. Đặng Minh Đức có tham luận trình bày về “Kinh nghiệm cải cách môi trường kinh doanh trong quá trình chuyển đổi số Estonia”. Từ những phân tích kinh nghiệm của Estonia, bài trình bày đi đến một số kết luận và bài học kinh nghiệm bao gồm (i) Nhận thức từ rất sớm với cách tiếp cận đúng đắn, lựa chọn lộ trình phù hợp; (ii) Tiên phong trong ứng dụng các công nghệ mới; (iii) Lấy người dân làm trung tâm, quan tâm đến trải nghiệm người dùng; (iv) Minh bạch trong mọi hoạt động, xây dựng niềm tin của người dân.

(TS. Đặng Minh Đức trình bày tại Tọa đàm)

Với bài tham luận “Cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam thời gian qua”, TS. Trần Thị Mai Thành cho biết môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang được xếp hạng khá cao. Bên cạnh đó, chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số thành phần phản ánh môi trường kinh doanh, cũng ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên có một số chỉ tiêu như thuế, thương mại xuyên bên giới đang có những nút thắt cần cải thiện. Do vậy cần có những giải pháp thích hợp nhằm phát triển, thu hút FDI đầu tư trong thời gian tới.

(TS. Trần Thị Mai Thành trình bày tại Tọa đàm)

Các đặc trưng và tác động của CMCN 4.0 tới môi trường kinh doanh, sản xuất công nghiệp toàn cầu; Vai trò của Chính phủ và yêu cầu về chiến lược riêng của mỗi quốc gia để cải thiện môi trường kinh doanh, sản xuất công nghiệp  và tận dụng cơ hội từ CMCN 4.0; Kinh nghiệm của một số quốc gia điển hình (Đức, Mỹ, Trung Quốc); Bài học cho Việt Nam được TS. Bùi Thu Trang trình bày chi tiết trong tham luận “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sản xuất công nghiệp của các nước trong bối cảnh CMCN 4.0 và một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.

(TS. Bùi Thu Trang trình bày tại Tọa đàm)

Trong phần trao đổi bình luận, TS. Phạm Anh Tuấn cho rằng năng lực công nghệ của các quốc gia là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển mô hình hải quan thông minh. Về môi trường đầu tư của Việt Nam, cần lưu ý hơn về các yếu tố lợi thế của Việt Nam và nhận định về thu hút FDI ảnh hưởng đến việc khai thác tài nguyên, khoáng sản. Ngoài ra, TS. Phạm Anh Tuấn có nhận định thế giới đang trong cuộc chạy đua quyết liệt để chuyển đổi trong CMCN 4.0.

(TS. Phạm Anh Tuấn bình luận tại Tọa đàm)

Theo TS. Nguyễn Bình Giang để triển khai được mô hình hải quan thông minh ở Việt Nam cần tính đến yếu tố tài chính; kỹ năng, ý chí chính trị, lợi ích của cán bộ hải quan; việc chia sẻ thông tin trong nội bộ và xuyên quốc gia. Bên cạnh đó, cần tính đến yếu tố chuyển giao công nghệ trong thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và cũng cần để ý đến việc đào tạo nhân nhân lực cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

(TS. Nguyễn Bình Giang bình luận tại Tọa đàm)

Phát biểu bế mạc tọa đàm, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những đóng góp, gợi mở để nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu và phát triển hướng nghiên cứu gắn với bối cảnh mới chú trọng đổi mới sảng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số,…

Tọa đàm diễn ra thành công tốt đẹp.

Việt Hà