TỌA ĐÀM KHOA HỌC “CẠNH TRANH ẢNH HƯỞNG KINH TẾ ẤN ĐỘ DƯƠNG – THÁI BÌNH DƯƠNG, CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO VIỆT NAM” (30/05/2023)

06/07/2023 3:50:40 CH

Ngày 30 tháng 05 năm 2023, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “Cạnh tranh ảnh hưởng kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức cho Việt Nam”. Tọa đàm nhằm đánh giá bối cảnh hiện nay khi cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng trở nên phức tạp; các xung đột và bất ổn trên thế giới dẫn đến một loạt nhiều ảnh hưởng tiêu cực; thông qua những đánh giá đó đưa ra gợi ý chính sách cho Việt Nam trong thời gian tới.

Tham dự Tọa đàm, về phía khách mời có TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; TS. Nguyễn Lan Hương – Trưởng phòng Chính trị - Quan hệ quốc tế, Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; TS. Phạm Sỹ Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc; ThS. Nguyễn Lê Thy Thương – Viện Ấn Độ và Tây Nam Á; TS. Nguyễn Quốc Trường – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Phí Vĩnh Tường – Quyền Viện trưởng, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng; TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng; TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng, cùng các cán bộ của Viện. Ngoài ra, tọa đàm còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ một số cơ quan nghiên cứu và các tổ chức khác.

(Toàn cảnh Tọa đàm)

Mở đầu tọa đàm với tham luận “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF)”, TS. Võ Trí Thành đã cung cấp cái nhìn tổng quan về IPEF. IPEF gồm 4 trụ cột chính, cụ thể là (i) Thương mại; (ii) Chuỗi cung ứng; (iii) Kinh tế sạch; (iv) Kinh tế công bằng. Tới thời điểm hiện tại, có 14 quốc gia tham gia IPEF trong đó bao gồm 7 nước ASEAN và giao thoa nhiều thành viên RCEP, CPTPP, BRI. Nhìn nhận bước đầu IPEF giúp thúc đẩy kinh tế số, tăng cường khả năng chống chịu, phát triển hạ tầng,…Tuy nhiên có một số lo ngại khi IPEF “cố gắng đẩy Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng có thể phá vỡ mạng lưới khu vực mà ASEAN là thành viên”; câu chuyện ứng xử - địa chính trị;… Dù vậy, theo diễn gia IPEF có tinh thần phù hợp với Việt Nam và các trụ cột trong IPEF về cơ bản cũng là những vấn đề Việt Nam cần tập trung xử lý  trong giai đoạn phát triển mới.

(TS. Võ Trí Thành trình bày tại Tọa đàm)

TS. Nguyễn Lan Hương đã trình bày tham luận với chủ đề “Chiến lược của Mỹ trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) và gợi ý cho Việt Nam”. TS. Nguyễn Lan Hương đưa ra nhận định chiến lược của Mỹ có sự dịch chuyển, từ chống khủng bố toàn cầu chuyển hướng sang Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và kiềm chế Trung Quốc. Mỹ cũng đưa ra chiến lược địa kinh tế cạnh tranh với Trung Quốc, điều này thể hiện trong việc chính quyền Biden cuối cùng đã chọn từ bỏ tham gia CPTPP với Trung Quốc mà thay vào đó khởi động IPEF do Mỹ đứng đầu. Bên cạnh đó, hợp tác của IPEF hầu như chỉ bao gồm các ngành công nghiệp là chìa khóa cho sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đối với Việt Nam việc tham gia IPEF là có lợi bởi nó phù hợp với các định hướng của Đại hội XIII đề ra, tăng cường quan hệ với các quốc gia,… Tuy nhiên việc tham gia IPEF như thế nào vẫn cần có những phương án linh hoạt, khôn khéo, thận trọng.

(TS. Nguyễn Lan Hương trình bày tại Tọa đàm)

Những tiến triển chính về khung khổ IPEF; Quan điểm và chính sách của Trung Quốc; Quan điểm của ASEAN với IPEF được TS. Phạm Sỹ Thành trình bày cụ thể trong tham luận với chủ đề “Chiến lược của Trung Quốc đối với Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) và gợi ý cho Việt Nam”. Khi sáng kiến IPEF được đưa ra, Trung Quốc tố cáo Mỹ là người phá vỡ cấu trúc thương mại và kinh tế đa phương, hợp tác ở khu vực và trên toàn cầu. Trung Quốc cũng đưa ra tuyên bố không tham gia IPEF và tự mình sẽ thúc đẩy các sáng kiến và hoạt động kinh tế của khu vực. Đối với phản ứng chính sách, Trung Quốc hợp tác sâu sắc hơn với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua các dự án BRI (Sáng kiến Vành đai và Con đường) cũng như tham gia vào CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Kỹ thuật số và Thúc đẩy quan hệ kinh tế sâu rộng Trung Quốc- New Zealand,… Đối với các quốc gia ASEAN, ASEAN hoan nghênh sự can dự của Mỹ; Quan tâm đến tính bao trùm nhưng cũng nghi ngại về tính lâu bền của sáng kiến này.

(TS. Phạm Sỹ Thành trình bày tại Tọa đàm)

Cuối cùng là bài tham luận trình bày về “Ấn Độ với Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) và gợi ý cho Việt Nam” của ThS. Nguyễn Lê Thy Thương. Theo ThS. Nguyễn Lê Thy Thương, Ấn Độ tham gia IPEF vì (i) Mục đích tăng cường cơ hội hợp tác với các nước trong khu vực, đặc biệt là Hoa Kỳ; (ii) Hiện diện trong các cấu trúc kinh tế khu vực; (iii) Tham gia xây dựng các tiêu chuẩn về thương mại; (iv) Kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc; (v) Nội dung của IPEF phù hợp với chiến lược phát triển của Ấn Độ. Bên cạnh đó, diễn giả đưa ra hàm ý chính sách cho Việt Nam trên trụ cột kinh tế kết nối và kinh tế bền vững. Ngoài ra, Việt Nam cần chuẩn bị tốt cả về tâm thế, thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để đón nhận cơ hội đầu tư từ các đối tác trong IPEF.

(ThS. Nguyễn Lê Thy Thương trình bày tại Tọa đàm)

Trong phần thảo luận, TS. Nguyễn Quốc Trường đưa ra một vài ý kiển bổ sung về chuyển dịch chiến lược an ninh biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, phản ứng của Trung Quốc và Ấn Độ với sáng kiến IPEF. Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu và nắm bắt diễn biến của IPEF, tham khảo và chia sẻ thông tin với các quốc gia liên quan cũng như cần xác định quan điểm chủ trương để phục vụ quá trình nghiên cứu và đàm phán.

(TS. Nguyễn Quốc Trường phát biểu tại Tọa đàm)

TS. Phí Vĩnh Tường luận bàn về bối cảnh của sáng kiến IPEF, đầu tiên khi IPEF đề xuất, triển khai đó là một tam giác với các trục là Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN, các trục này có mối quan hệ mật thiết và nếu dịch chuyển sẽ dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Thứ hai, dự báo những đàm phán tới về hàng rào thuế quan có thể giảm cơ hội đổi mới công nghệ và hạn chế cạnh tranh Mỹ - Trung trên lĩnh vực công nghệ. Thứ ba, cạnh tranh công nghệ giữa các nước lớn là yếu tố cốt lõi quyết định sức mạnh về kinh tế và quân sự. Khi thống nhất những bối cảnh chung, Việt Nam mới có cơ sở để có thể luận bàn về IPEF.

(TS. Phí Vĩnh Tường phát biểu tại Tọa đàm)

TS. Phạm Anh Tuấn cho rằng sáng kiến IPEF là một bước trong cuộc cạnh tranh và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là chiến trường chính để bao vây Trung Quốc. Một điểm cần quan tâm nữa là vấn đề lợi ích của IPEF đối với quốc gia như Việt Nam chưa được đề cập. Bên cạnh đó, TS. Phạm Anh Tuấn đưa ra một vài dự báo liên quan đến vấn đề này, qua đó, TS. Phạm Anh Tuấn cho rằng Việt Nam cần có những tính toán, cân nhắc rõ ràng và cụ thể hơn khi tham gia vào sáng kiến này.

(TS. Phạm Anh Tuấn phát biểu tại Tọa đàm)

Trong phần bế mạc, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn tổng kết tọa đàm đã đưa đến nhiều thông tin và góc nhìn đa chiều về tình hình khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trước những tình hình phức tạp như hiện nay cần có những nhận xét, đánh giá về hiệu quả, thách thức và cơ hội tham gia IPEF của Việt Nam từ đó thể hiện được Việt Nam nên tham gia “cuộc chơi” này làm gì, tham gia như thế nào. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chuẩn bị các kịch bản sẵn sàng đối mặt với rủi ro. Cuối cùng, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những ý kiến đóng góp cho tọa đàm.

Tọa đàm đã kết thúc thành công tốt đẹp.

Việt Hà