TỌA ĐÀM KHOA HỌC “TÁC ĐỘNG BAN ĐẦU CỦA DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP COVID-19 TỚI KINH TẾ VIỆT NAM VÀ PHẢN ỨNG CHÍNH SÁCH”

20/11/2020 4:39:18 CH

Sáng ngày 27 tháng 5 năm 2020, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đềTác động ban đầu của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tới kinh tế Việt Nam và phản ứng chính sách”.

Tham dự tọa đàm, về phía khách mời có lãnh đạo một số Viện, trung tâm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam như: PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng – Viện trưởng Viện NC Châu Âu, PGS.TS.Phạm Quý Long – Phó Viện trưởng phụ trách Viện NC Đông Bắc Á, TS. Phí Vĩnh Tường – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế & Chính trị thế giới,… ; đại diện một số Bộ ban ngành Trung ương như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; cùng các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực: kinh tế, y tế, du lịch,….Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng, TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng, cùng toàn thể cán bộ, các nhà nghiên cứu của Viện.

(toàn cảnh buổi tọa đàm)

Chủ trì Tọa đàm là Ban Lãnh đạo Viện Kinh tế Việt Nam gồm PGS.TS. Bùi Quang Tuấn và TS. Lê Xuân Sang.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn khẳng định mục đích của Tọa đàm nhằm chia sẻ quan điểm, thông tin và đưa ra những giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Với sự tham gia của các chuyên gia y tế và kinh tế, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn bày tỏ hi vọng toạ đàm sẽ có những thảo luận sôi nổi và đa chiều về các kịch bản triển vọng kinh tế (khủng hoảng chữ V, L hay W…) và thảo luận về các giải pháp hỗ trợ kinh tế cũng như kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.

Tiếp tục chương trình của tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam đã trình bày bài tham luận “Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19: Diễn biến và vấn đề đặt ra”với ba nội dung chính: tình hình dịch bệnh, bản chất, phản ứng và những vấn đề liên quan. Theo GS.TS. Nguyễn Văn Kính, trên thế giới, tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp. Tại Trung Quốc, tất cả các tỉnh thành đều có người bị nhiễm bệnh (có thể 14 triệu người tử vong theo ước tính của Hoa Kỳ). Tại ASEAN, Indonesia có số người nhiễm và tử vong nhiều nhất. Cũng theo diễn giả, Việt Nam đã trở thành điểm sáng với việc kiểm soát dịch bệnh nhờ kinh nghiệm đối phó với dịch SARS trước đây.

(GS.TS. Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam)

Các đại biểu tham dự tọa đàm còn được nghe bài trình bày về “Tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam: kênh tác động và phản ứng chính sáchcủa TS. Phạm Sỹ An, Trưởng phòng Phòng Kinh tế vĩ mô và Thể chế kinh tế, Viện Kinh tế Việt Nam. TS. Phạm Sỹ An đã tập trung phân tích tình hình dịch bệnh, các kênh tác động của COVID 19 đến nền kinh tế Việt Nam và phản ứng chính sách.Theo diễn giả, các ngành CN-NN-DV cũng chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.Diễn giả cũng chỉ ra rằng các quốc gia trên thế giới đã ban hành nhiều chính sách, nhưng về cấu trúc thì tương đồng với Việt Nam.Theo đó, Việt Nam đã đưa ra bốn gói chính sách lớn, tuy nhiên hiệu quả của các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và chưa có các đánh giá chính thức.

Kết thúc Phiên 1 với phần trình bày của 2 diễn giả, tọa đàm bước sang phiên thảo luận.

TS. Lê Xuân Sang cho rằng theo kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng trước đây, việc tiên quyết là phải kiểm soát đại dịch, khi đó, kinh tế sẽ hồi phục nhanh. TS. Lê Xuân Sang cũng dẫn chứng các công trình nghiên cứu về nguồn gốc của COVID-19, đồng thời chỉ ra 9 yếu tố cho sự thành công của việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam. Bên cạnh đó, TS. đưa ra quan điểm nỗi sợ về kinh tế của người Việt Nam ở mức cao, đồng thời TS. gợi ý toạ đàm thảo luận vấn đề thể chất của người Việt Nam trong việc lây nhiễm và các nguồn lây nhiễm.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Kính, trước mắt cần ngăn chặn các con đường lây nhiễm, bên cạnh đó, việc tìm hiểu nguồn gốc của virus vẫn phải cùng đồng hành với các biện pháp ngặn chặn phòng ngừa này. Về quan điểm nỗi sợ về kinh tế của người Việt Nam ở mức cao, GS. chỉ ra trên thực tế, người Việt Nam rất quý trọng sinh mạng do trải qua các cuộc chiến tranh và khó khăn từ quá khứ.

Quan điểm của TS. Hoàng Xuân Trung (Viện Nghiên cứu châu Âu) cho rằng người Việt Nam kháng hay đã được phòng ngừa nhờ tiêm vaccine chống lao là chưa chính xác. Ông cũng cho rằng vấn đề truyền thông đóng vai trò vô cùng quan trọng, các nghiên cứu, bài báo, thông tin công bố về COVID-19 càng nhiều thì tỷ lệ mắc và tử vong sẽ giảm.

Ngoài nội dung bình luận của các chuyên gia, một số nhà khoa học cũng đã đặt ra một số câu hỏi đối với các diễn giả: PGS. TS. Phạm Quý Long đặt câu hỏi về tính chính xác của số liệu; PGS. TS. Nguyễn Chiến Thắng quan tâm đến kịch bản dịch bệnh và triển vọng sẽ được vượt qua trên quan điểm y tế là gì; TS. Phí Vĩnh Tường đặt câu hỏi về triển vọng ngành dược của Việt Nam; ThS. Nguyễn Văn Thịnh có câu hỏi liên quan đến chiến lược miễn dịch cộng đồng theo quan điểm y tế,…

IMG_3793.JPG

(TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch)

Mở đầu Phiên 2 của tọa đàm, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch trình bày bài tham luận “Tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đến hoạt động du lịch Việt Nam: tác động và kiến nghị chính sách” gồm bốn nội dung chính liên quan đến bối cảnh toàn cầu và trong nước, hành động của ngành du lịch và giải pháp chính sách.

Tiếp nối chương trình của buổi tọa đàm, TS. Trương Thị Thu Trang, Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, trình bày bài tham luận “Tác động của đại dịch COVID-19 tới nông nghiệp, nông thôn Việt Nam”.

Bài trình bày đưa ra bối cảnh chung về cuộc khủng hoảng từ hai phía cung và cầu (cung cầu chưa gặp nhau), khi chuỗi cung ứng nội địa bị phá vỡ, việc giãn cách xã hội khiến sản xuất đình trệ và người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Diễn giả cũng đưa dẫn chứng về rủi ro sinh kế nông nghiệp-nông thôn (bệnh dịch nông nghiệp như dịch tả lợn châu Phi, hạn hán và hoả hoạn – hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, rủi ro liên quan đến bệnh dịch trên người – COVID-19). Bên cạnh đó, trong năm 2019, tái cơ cấu nông nghiệp đã có những bứt phá. Diễn giả đưa ra các dự báo của IMF, tạp chí Economists, FAO và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; trong đó nhấn mạnh thương mại nông sản quốc tế phải được duy trì do tỷ lệ giao dịch xuyên biên giới của nông sản ở mức cao.

Kết thúc phần nội dung của Phiên 2, TS. Tô Thị Ánh Dương,Viện Kinh tế Việt Nam trình bày bài tham luận “Tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tới nền kinh tế toàn cầu và phản ứng chính sách”. Diễn giả tập trung trình bày về tác động đến nền kinh tế toàn cầu (GDP, thương mại việc làm) và các phản ứng chính sách (G20, G20+, Trung Quốc) đồng thời phân tích tác động dựa trên sơ đồ về bối cảnh tác động (tăng chi phí thương mại), các kênh tác động cung-cầu (cú sốc năng suất tiêu cực) và phản ứng chính sách. Diễn giả chỉ ra chỉ số niềm tin kinh doanh toàn cầu và tăng trưởng thương mại ở châu Á có sự sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công đều lớn hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008. Việc làm và thu nhập từ tiền lương ở tất cả các khu vực đều bị suy giảm.

Tọa đàm bước sang phần thảo luận.

TS. Lê Xuân Sang nhấn mạnh vấn đề kinh tế học thời đại dịch với yếu tố ngoại sinh, khi đó, nếu giải quyết được vấn đề đại dịch, nền kinh tế sẽ không cần thiết phải kích thích. Những yếu kém nội tại của nền kinh tế làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực của đại dịch. Bên cạnh đó, vấn đề hồi phục sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố và đặc điểm các ngành cụ thể. TS. đặt câu hỏi về cách thức ước tính thiệt hại, tính chính xác của các ước tính có thể tin cậy được hay không? Liệu nhóm lợi ích tác động đến chính sách nào sẽ đứng đằng sau; đồng thời ông cũng nêu ra vấn đề về khả năng hấp thụ và sự chuẩn bị của nền kinh tế trước sự chuyển dịch làn sóng FDI mới vào Việt Nam.

PGS. TS. Nguyễn Chiến Thắng đặt câu hỏi về lĩnh vực du lịch, triển vọng thay thế thị trường khách du lịch nội địa hay kích cầu trong nước với quốc tế ra sao?

TS. Phạm Bích Ngọc quan tâm đến những cơ hội, tiềm năng trong ngành du lịch bên cạnh những tác động tiêu cực và khả năng phục hồi của ngành du lịch sau khủng hoảng.

Ngoài ra, buổi tọa đàm còn ghi nhận một số ý kiến bình luận của các chuyên gia và các đại biểu tham dự.

Thay lời bế mạc tọa đàm, TS. Lê Xuân Sang đánh giá tác động của đại dịch rất phức tạp, đa dạng và cần phải có thời gian quan sát. Vì vậy, phản ứng chính sách cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng và phụ thuộc vào tình hình thực tế để tránh các sai lầm. Kịch bản mở cửa nền kinh tế toàn cầu sẽ tạo ra những cơ hội và cú hích quan trọng cho Việt Nam có thể đón đầu và tận dụng các cơ hội hiếm có, đồng thời giảm thiểu thách thức đã đặt ra.

          Tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp./.