TỌA ĐÀM KHOA HỌC “TÁC ĐỘNG CỦA XUNG ĐỘT NGA-UCRAINA ĐẾN CỤC DIỆN THẾ GIỚI VÀ KINH TẾ VIỆT NAM: MỘT SỐ ĐÁNH GIÁ BAN ĐẦU” (27/04/2022)

12/05/2022 4:57:34 CH

Sáng ngày 27 tháng 04 năm 2022, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Tác động của xung đột Nga-Ucraina đến cục diện thế giới và kinh tế Việt Nam: Một số đánh giá ban đầu”. Đồng chủ trì tọa đàm có TS. Đặng Xuân Thanh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Tọa đàm có sự tham gia của ông Phạm Quang Vinh – Nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Hoa Kỳ; TS. Ngô Đức Mạnh – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên bang Nga; PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ucraina; TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội; Đại tá Lê Thế Mẫu – Nguyên Trưởng phòng thông tin Khoa học quân sự , Viện Chiến lược Quốc phòng. Ngoài ra, tọa đàm còn có sự góp mặt của các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành, các trường đại học và các cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam.

Sau lời tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu của ông Trần Xuân Phượng – Trưởng Ban Tổ chức sự kiện và Truyền thông Viện Kinh tế Việt Nam, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn trong bài phát biểu khai mạc đã đề cập: cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina là cuộc xung đột lớn có quy mô toàn cầu, nó làm chậm tiến trình toàn cầu hóa và có thể làm xuất hiện những liên minh mới. Tọa đàm cung cấp những phân tích và đánh giá đa chiều về tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina đến cục diện kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam nhằm phục vụ cho nghiên cứu tư vấn chính sách.

(Ông Trần Xuân Phượng tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu tại tọa đàm)

(PGS.TS. Bùi Quang Tuấn phát biểu khai mạc tọa đàm)

Mở đầu phiên các bài tham luận, ông Phạm Quang Vinh đã trình bày tham luận “Chiến lược của Hoa Kỳ nhìn từ xung đột Nga-Ucraina”với bốn nội dung chính: khái quát xung đột Nga-Ucraina, chiến lược an ninh quốc gia mới của Hoa Kỳ và phản ứng của Hoa Kỳ trước việc Nga tấn công quân sự Ucraina, trừng phạt kinh tế và những hệ lụy, dự báo chiến lược của Hoa Kỳ nhìn từ xung đột Nga-Ucraina. Theo ông Phạm Quang Vinh, Hoa Kỳ đã có những phản ứng quyết liệt trước việc Nga tấn công quân sự Ucraina bằng việc áp dụng những lệnh trừng phạt chưa từng có về tài chính, vận tải, quân sự, công nghệ, nhập khẩu dầu khí lên nước Nga. Qua phân tích phản ứng của các quốc gia trước lệnh trừng phạt này và hệ lụy của nó, diễn giả đưa ra dự báo (i) Hoa Kỳ coi ngăn chặn Nga trong cuộc xung đột này là ngăn chặn việc phá vỡ trật tự thế giới; (ii) Hoa Kỳ tiếp tục ưu tiên cạnh tranh với Trung Quốc – được coi là đối thủ hàng đầu – trong cuộc khủng hoảng này.

(TS. Phạm Quang Vinh trình bày tại tọa đàm)

TS. Ngô Đức Mạnh đã trình bày tham luận “Cuộc xung đột Nga-Ucraina”, theo diễn giả, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc xung đột này là Ucraina gia nhập NATO vượt qua “ranh giới đỏ” mà Nga đặt ra và thực chất đây là cuộc chiến/ xung đột giữa Nga với phương Tây mà Ucraina trở thành tâm điểm. Theo đó các lệnh cấm vận, biện pháp trừng phạt được phương Tây đặt ra gây xáo trộn lớn đến thị trường tài chính, dầu khí và lương thực thế giới; làm tăng lạm phát và giảm tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới. Đứng trước những biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga đã triển khai những biện pháp đáp trả. Việt Nam cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi cuộc xung đột này, bởi vậy một số khuyến nghị chính sách được đưa ra là (i) Tìm kiếm thị trường mới thay thế hàng nhập khẩu từ Nga, Ucraina; (ii) Thúc đẩy thanh toán bằng nội tệ với Nga; (iii) Tận dụng cơ hội từ các FTA; (iv) Nghiên cứu các luật cấn tránh bị chế tài theo CAATSA 2017.

(TS. Ngô Đức Mạnh trình bày tại tọa đàm)

Giới thiệu chung về Châu Âu và Ucraina, khái quát quan hệ kinh tế giữa Ucraina – EU trước và sau chiến dịch quân sự đặc biệt cũng như các tác động của chiến dịch đến quan hệ kinh tế Ucraina – EU được PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn trình bày chi tiết trong tham luận “Triển vọng quan hệ kinh tế Ucraina – Châu Âu nhìn từ xung đột Nga – Ucraina”. Quan hệ kinh tế giữa Ucraina – EU bắt đầu sau tuyên bố thành lập nhà nước Ucraina độc lập năm 1991. Từ đó, Ucraina và EU đã ký nhiều hiệp định liên kết, quan hệ đối tác nhất là sau hiệp định AAEUUA năm 2014, EU đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ucraina. Tổng thể, xuất khẩu từ EU sang Ucraina lớn hơn nhập khẩu chỉ trừ nguyên liệu thô và năng lượng, EU cũng đã huy động gói hỗ trợ tài chính trị giá hơn 17 tỷ euro cho Ucraina dưới dạng vốn vay ưu đãi không hoàn lại. Khi cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina nổ ra gây ra sự khan hiếm và đẩy giá cao ngũ cốc, khoáng sản - mặt hàng mà Ucraina chiếm thị phần lớn. Bên cạnh đó về nguồn ODA các nước (Mỹ, Đức, Pháp, Anh) cung cấp cho Ucraina chủ yếu là các khoản viện trợ về quân sự. Do vậy, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cuộc khủng hoảng Nga – Ucraina thực chất là cuộc khủng hoảng giữa Nga và NATO.

(PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn trình bày tại tọa đàm)

Tiếp theo chương trình, TS. Lê Xuân Sang trình bày tham luận “Tác động kinh tế của xung đột quân sự Nga-Ucraina: một số đánh giá ban đầu cà gợi suy chính sách”. Từ những đánh giá tác động của cuộc xung đột quân sự Nga-Ucraina đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, tác giả đưa ra một vài gợi suy chính sách cho Việt Nam bao gồm (i) Chính phủ hỗ trợ tối đa doanh nghiệp Việt Nam, kiều bào khắc phục khó khăn từ tác động tiêu cực; (ii) Áp dụng phương thức thanh toán an toàn hơn phòng tránh rủi ro trong giao dịch nước ngoài; (iii) Tận dụng tối đa ưu đãi trong các FTA nhằm đa dạng hóa thị trường; (iv) Đánh giá tác động của các lệnh trừng phạt Nga tới các dự án liên quan để có giải pháp kịp thời; (v) Nghiên cứu kênh chi trả nội địa với Nga; (vi) Nghiên cứu khả năng kinh doanh bằng đồng rup, hình thành hình thức hàng đổi hàng với Nga để hạn chế việc chuyển tiền qua ngân hàng.

(TS. Lê Xuân Sang trình bày tại tọa đàm)

Trong phiên bình luận, thảo luận, PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh đưa ra thông tin về tính chất, quy mô và triển vọng của cuộc xung đột này. Theo PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh đây không chỉ là cuộc xung đột song phương mà đây là sự kiện toàn cầu. Có thể nói, cuộc xung đột đẩy thế giới và châu Âu nói riêng đến cục diện bất ổn lâu dài và có thể thay đổi cục diện thế giới. Cuộc xung đột giữa Nga – Ucraina gây ra nhiều tác động với kinh tế thế giới (tăng trưởng, lạm phát, di cư, toàn cầu hóa,…) cũng như kinh tế Việt Nam. Đứng trước bối cảnh như vậy, trước hết Việt Nam cần phân tích, đánh giá lại dự báo bối cảnh thế giới và chú ý hơn đến đẩy mạnh hợp tác khu vực.

(PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh phát biểu tại tọa đàm)

Đại tá Lê Thế Mẫu bàn về những vấn đề gây tranh cãi trong cuộc xung đột giữa Nga – Ucraina (i) Nhận diện bản chất của cuộc chiến; (ii) Mỹ và Nga đang muốn gì từ Ucraina; (iii) Vì sao Nga lại đề ra mục tiêu phi phát xít hóa ở Ucraina; (iv) Tác động của cuộc chiến đến Việt Nam. Bên cạnh đó, đại tá cho rằng thực chất cuộc chiến này là cuộc chiến giữa hai trật tự thế giới (trật tự đơn cực do Mỹ lãnh đạo và trật tự đa cực theo quan điểm của Nga).

(Đại tá Lê Thế Mẫu phát biểu tại tọa đàm)

Chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn cho rằng cuộc chiến này là cuộc chiến địa chính trị kinh tế, đẩy mạnh quá trình phân rã về công nghệ, thương mại, vốn, chuỗi cung ứng,… Ông Bùi Ngọc Sơn cũng có quan điểm Việt Nam cần phải có đối sách nhằm ứng phó với tình hình hiện tại.

(Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn phát biểu tại tọa đàm)

Theo PGS. TS. Nguyễn Duy Dũng – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á, có lẽ chưa bao giờ có cuộc chiến toàn diện như vậy từ kinh tế, chính trị, văn hóa, quyền con người,… Quan trọng, hiện nay cần làm thế nào để nhận diện đúng xu thế và bối cảnh thế giới hiện nay để phục vụ cho nghiên cứu tư vấn.

(PGS. TS. Nguyễn Duy Dũng phát biểu tại tọa đàm)

TS. Nguyễn Ngọc Mạnh – Viện nghiên cứu Châu Mỹ chia sẻ một số thông tin và quan điểm cá nhân về khía cạnh tài chính quốc tế, trật tự thế giới, dự báo về cuộc xung đột giữa Nga - Ucraina tại tọa đàm.

(TS. Nguyễn Ngọc Mạnh phát biểu tại tọa đàm)

Trong phần bế mạc, TS. Đặng Xuân Thanh tóm lược một số điểm chính của tọa đàm (i) tọa đàm nhằm phân tích đánh giá nhận định về cuộc khủng hoảng Nga – Ucraina, từ đó đề xuất, tư vấn cho Đảng và Nhà nước những đối sách của Việt Nam; (ii) cuộc khủng hoảng này là cú sốc địa chính trị mà tác động của nó ảnh hưởng trên toàn cầu; (iii) Việt Nam đang đứng trước tình hình đầy bất lợi, rủi ro vì vậy cần có những đối sách thích hợp. Cuối cùng, TS. Đặng Xuân Thanh chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những ý kiến đóng góp cho tọa đàm.

(TS. Đặng Xuân Thanh phát biểu tổng kết, bế mạc tọa đàm)

Tọa đàm diễn ra thành công tốt đẹp.

Việt Hà