TỌA ĐÀM “NÂNG CAO NĂNG LỰC CHỐNG CHỊU, XÂY DỰNG NỀN KINH TẾ ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ CỦA VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY” (24/07/2023)

26/07/2023 10:39:59 SA

Ngày 24 tháng 07 năm 2023, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề: “Nâng cao năng lực chống chịu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay”. Tọa đàm tập trung thảo luận về các xu hướng lệ thuộc trong thương mại quốc tế, sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào khu vực FDI và các giải pháp nâng cao năng lực chống chịu, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và quản lý nợ công bền vững nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tham dự Tọa đàm, về phía khách mời có TS. Nguyễn Đoan Trang – Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Lê Quang Thuận – Viện Chiến lược tài chính, Bộ Tài chính; Thiếu tướng, PGS.TS. Lê Văn Cương – Nguyên viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh – Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao, Nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ucraina; PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng; TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng, cùng các cán bộ của Viện. Ngoài ra, tọa đàm còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ một số cơ quan nghiên cứu và các tổ chức khác.

(Toàn cảnh Tọa đàm)

Sau lời phát biểu khai mạc của PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, các đại biểu đã nghe bài tham luận về “Xu hướng lệ thuộc trong thương mại quốc tế của Việt Nam” của TS. Phạm Bích Ngọc (Trưởng phòng, Phòng Quan hệ Kinh tế Quốc tế, Viện Kinh tế Việt Nam). Diễn giả đã làm rõ thực trạng thương mại quốc tế của Việt Nam với Hàn Quốc và Trung Quốc trong giai đoạn 2007-2021. Kết quả cho thấy, Việt Nam phụ thuộc vào Hàn Quốc ở nguồn cung cấp hàng nhập khẩu và phụ thuộc vào Trung Quốc ở thị trường xuất và nhập khẩu. Để tăng cường phát triển thương mại với hai quốc gia này, Việt Nam cần tập trung ưu tiên cho các nhóm ngành phù hợp với thị trường của Hàn Quốc và Trung Quốc; Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách thương mại chung; Hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư, thương mại.

(TS. Phạm Bích Ngọc trình bày tại Tọa đàm)

TS. Nguyễn Đoan Trang đã trình bày tham luận với chủ đề “Sự phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào khu vực FDI và các giải pháp nâng cao năng lực chống chịu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”. Theo diễn giả, nền kinh tế Việt Nam (KTVN) có tính chống yếu, dễ bị tác động bởi yếu tố bên ngoài vì KTVN đang phụ thuộc rất nhiều vào FDI và xuất khẩu. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ, ở Việt Nam các doanh nghiệp FDI đang có xu hướng dịch chuyển ra khỏi ngành may mặc và tăng đầu tư vào ngành điện tử, máy tính. Trước tình hình đó, Việt Nam cần có những giải pháp phù hợp nhằm thu hút và sử dụng hợp lý nguồn vốn FDI nhằm nâng cao tính chống chịu, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ cũng như cần nâng cao vai trò của khu vực kinh tế trong nước, kinh tế trong nước giữ vai trò quyết định trong nền kinh tế.

(TS. Nguyễn Đoan Trang trình bày tại Tọa đàm)

Tiếp theo chương trình, TS. Lê Quang Thuận trình bày tham luận “Quản lý nợ công bền vững nhằm xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu, rộng”. Theo đó, TS. Lê Quang Thuận đã làm rõ nội hàm của kinh tế độc lập tự chủ và nội hàm nợ công, thực trạng nợ công và quản lý nợ công ở Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Từ những phân tích được đưa ra, để quản lý nợ công bền vững nhằm xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu, rộng, Việt Nam cần: (i) Hoàn thiện thể chế, khung pháp lý về quản lý nợ công; (ii) Thực hiện huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả vay nợ, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia trong điều kiện hội nhập; (iii) Duy trì cơ cấu ngân sách hợp lý; (iv) Tăng cường phối hợp và điều hành chính sách vĩ mô; (v) Củng cố và lành mạnh hóa thị trường tài chính; Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong quản lý nợ công.

(TS. Lê Quang Thuận trình bày tại Tọa đàm)

Trong phần thảo luận, PGS.TS. Lê Văn Cương đưa ra một vài ý kiển về tỷ lệ nội địa của FDI, theo Thiếu tướng muốn nội địa hóa cần phát triển 3 vấn đề của nền kinh tế: công nghệ cắt gọt (ví dụ, làm vỏ máy tính, làm nòng súng, làm vòng bi ổ thép…), hóa chất cấp cao, vật liệu điện tử. Doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt chưa có sự liên kết, giúp đỡ lần nhau cũng khiến tỷ lệ nội địa hóa FDI ở Việt Nam thấp. Với vấn đề nợ công, có sự khác biệt với nhiều nước và thông lệ quốc tế, vậy Việt Nam cần phải theo một quy chuẩn chung để đồng bộ với thế giới.

(PGS.TS. Lê Văn Cương phát biểu tại Tọa đàm)

PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh cho rằng hiện nay cả Việt Nam và thế giới đều phải đối diện với nhiều rủi ro. Rủi ro về kinh tế (khủng hoảng mang tính hệ thống, chu kỳ); Rủi ro về an ninh, chính trị (phân mảng địa chính trị, xung đột giữa các quốc gia); Rủi ro về môi trường (ô nhiễm, biến đổi khí hậu); Rủi ro về xã hội (Dịch bệnh,  già hóa dân số, công nghệ). Như vậy, khi bàn về khả năng chống chịu thì cần nói đến những cú sốc và đảm bảo điều kiện có thể nâng cao năng lực chống chịu bao gồm các điều kiện cơ bản như: kinh tế, đo lường khả năng phục hồi, năng lực thể chế và năng lực công nghệ nội sinh.

(PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh phát biểu tại Tọa đàm)

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn cho rằng Kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào tam giác Thái Bình Dương, cũng tức là phụ thuộc vào ba quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ. Bởi vậy những khủng hoảng địa chính trị sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến Việt Nam. Trong bối cảnh ấy Việt Nam cần có những nhận định, chiến lược sáng suốt để nâng cao năng lực chống chịu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

(PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Tọa đàm)

Theo PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng, năng lực chống chịu liên quan nhiều hơn đến vấn đề kinh tế, khủng hoảng có tính chu kỳ. Trước những cú sốc bên ngoài và độ mở nền kinh tế cao thì Việt Nam cần tập trung nhiều vào năng lực chống chịu. Bên cạnh đó, vai trò nhà nước đã có sự thay đổi. Đây cũng là hướng mới trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

(PGS.TS. Nguyễn Chiến Thắng phát biểu tại Tọa đàm)

TS. Lê Xuân Sang đề cập đến sự khác nhau về khái niệm kinh tế độc lập theo báo cáo của Bộ chính trị và chính phủ. Cũng theo TS. Lê Xuân Sang trong 4000 năm qua chưa có trường hợp nào có thể tồn tại nền kinh tế độc lập và nếu phát triển kinh tế dựa trên FDI thì rất khó đảm bảo nền kinh tế độc lập. Bàn tay của thị trường ngày càng bị hạn chế và rủi ro liên quan công nghệ lại rất cao.

(TS. Lê Xuân Sang phát biểu tại Tọa đàm)

Trong phần bế mạc, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn tổng kết tọa đàm đã đưa đến các thông tin dựa trên ba lĩnh vực chính là thương mại, đầu tư và tài chính. Trong khi nền kinh tế, chính trị, xã hội đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, quy mô và vị thế của nền kinh tế Việt Nam đang được cải thiện. Từ góc độ tự chủ với nền kinh tế mở trên thế giới thì rất khó để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nhất là khi gặp các cú sốc gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính vì vậy quan trọng nhất vẫn là năng lực chống chịu, có thể nhận diện các thách thức và biến các thách thức thành cơ hội. Ngoài ra, Việt Nam cần nâng cao năng lực nội sinh, xem xét lại các năng lực nội sinh trên bình diện khoa học công nghệ, không dựa hoàn toàn vào xuất khẩu, nâng cao tầm quan trọng của sản xuất trong nước. Cuối cùng, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những ý kiến đóng góp cho tọa đàm.

Tọa đàm đã kết thúc thành công tốt đẹp!

Việt Hà