TỌA ĐÀM “THU HÚT VÀ TRỌNG DỤNG NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO, NHÂN TÀI, TINH HOA CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG QUỐC GIA” (14/12/2021)

28/12/2021 5:55:12 CH

Chiều ngày 14 tháng 12 năm 2021, Viện Kinh tế Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài, tinh hoa cho phát triển bền vững quốc gia”. Tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề thu hút và trọng nhân tài, tinh hoa cho phát triển cũng như có những đóng góp và đưa ra các giải pháp cho mục tiêu đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường thu hút và trọng dụng nhân tài, tinh hoa của người Việt để có thể đáp ứng các nhu cầu mới về đẩy mạnh hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Tham dự Tọa đàm, về phía khách mời có TS. Lê Văn Hùng – Phó Viện trưởng phụ trách, Viên Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng; TS. Chử Đức Hoàng – Quỹ đổi mới Công nghệ Quốc gia, Bộ Khoa học & Công nghệ; TS. Phạm Mạnh Hùng – Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng, cùng toàn thể cán bộ nghiên cứu của Viện. Ngoài ra, tọa đàm còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ một số viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khác.

(TS. Lê Xuân Sang phát biểu khai mạc Tọa đàm)

Mở đầu tọa đàm với bài tham luận “Thu hút và trọng dụng nhân tài ở Việt Nam: Thực trạng và hạn chế”, TS. Lê Văn Hùng trình bày các chính sách, thực trạng, những điểm hạn chế và đưa ra một số khuyến nghị cho việc thu hút và phát triển nhân tài ở khu vực nhà nước. Theo đó, để thu hút nhân tài trong khu vực công cần thay đổi cách thức quản lý và sử dụng lao động trong các cơ quan/đơn vị nhà nước; Giảm bớt những qui định, thủ tục liên quan tới tuyển dụng và bổ nhiệm; Ưu tiên đầu tư nguồn lực, trang thiết, bị, điều kiện làm việc nhằm cải thiện môi trường làm việc trong khu vực nhà nước.

(TS. Lê Văn Hùng trình bày tại Tọa đàm)

Tiếp theo, TS. Chử Đức Hoàng trình bày tham luận với tiêu đề “Chính sách hỗ trợ tri thức trẻ nâng cao năng lực nghiên cứu và chuyển giao tri thức” đi sâu vào các nội dung (i) Vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao đối với phát triển bền vững quốc gia; (ii) Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam; (iii) Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ; (iv) Một số kết quả hỗ trợ thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực của Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF); (v) Mô hình hỗ trợ phát triển nguồn lực gắn liền với thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển bền vững.

(TS. Chử Đức Hoàng trình bày tại Tọa đàm)

Trình bày tham luận với chủ đề “Chế độ trọng dụng nhân tài trong khu vực công ở Singapore và hàm ý cho Việt Nam”, TS. Phạm Mạnh Hùng đã khái quát những chế độ trọng dụng nhân tài và bốn chính sách trụ cột trong Chế độ trọng dụng nhân tài khu vực công của Singapore bao gồm: chính sách sàng lọc nghiêm ngặt để loại bỏ cán bộ yếu kém; chính sách tuyển chọn kỹ lưỡng để có lãnh đạo tài giỏi; chính sách tài cao, chức vụ cao và chính sách trả lương thưởng thỏa đáng. Từ đó đưa ra đánh giá chung và ba nhóm đề xuất giải pháp cho Việt Nam.

(TS. Phạm Mạnh Hùng trình bày tại Tọa đàm)

Tiếp theo chương trình, TS. Bùi Thu Trang trình bày tham luận với chủ đề “Trọng dụng nhân tài của Trung Quốc: Bài học kinh nghiệm và hàm ý chính sách cho Việt Nam”, trong đó phân tích chiến lược quốc gia Nhân tài của Trung Quốc; các mục tiêu và giải pháp thực hiện của chiến lược; một số các chính sách và kế hoạch cụ thể của Trung Quốc để thực hiện chiến lược nhân tài quốc gia. Từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và hàm ý chính sách cho Việt Nam.

(TS. Bùi Thu Trang trình bày tại Tọa đàm)

Trong phần trao đổi thảo luận, TS. Vũ Quốc Huy có những thông tin gợi ý về định nghĩa nhân tài; cách xác định, đánh giá, nhận biết nhân tài; phát hiện, đào tạo nhân tài; đặc thù trong việc thu hút nhân tài;… Có nhiều khó khăn trong việc giải quyết vấn đề về thu hút nhân tài như việc xây dựng các chương trình chiến lược thu hút nhân tài, thu hút tri thức mới chỉ được nhà nước xây dựng ở góc độ chung, chưa được ban hành cụ thể. Bên cạnh đó nhà nước cũng có nhiều đề án đào tạo nhân tài như: đề án 500 tri thức trẻ; đề án 322, 911, về đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ;…chưa đạt được kỳ vọng, mục tiêu đưa ra. Cuối cũng TS. Vũ Quốc Huy gợi ý nên học tập kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc lập đề án và hành động trong việc thu hút nhân tài và nên dựa vào những đặc trưng, đặc thù của khu vực công, khu vực tư nhân để có những giải pháp thu hút và trọng dụng nguồn nhân tài, nhân lực chất lượng cao hiệu quả.

(TS. Vũ Quốc Huy bình luận tại Tọa đàm)

TS. Nguyễn Bình Giang cho rằng từ góc độ kinh tế học nhân tài, lao động chất lượng cao thực chất là hàng hóa chịu những điều chỉnh của quy luật cung cầu trên thị trường và giá của nhân tài là lương bổng, chế độ đãi ngộ vật chất và tinh thần cũng dựa trên quan hệ cung cầu. Bên cạnh đó TS. Nguyễn Bình Giang đưa ra những quan điểm nhận xét về phương thức thu hút, đãi ngộ và sử dụng nhân tài trong khu vực công và khu vực tư nhân ở nước ta hiện nay.

(TS. Nguyễn Bình Giang bình luận tại Tọa đàm)

Kết thúc buổi tọa đàm, TS. Lê Xuân Sang phát biểu tổng kết, bế mạc và gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham dự đã đóng góp ý kiến để cho nhóm nghiên cứu, các diễn giả nghiên cứu sâu hơn với chủ đề này.

(TS. Lê Xuân Sang bế mạc Tọa đàm)

Buổi tọa đàm đã diễn ra thành công tốt đẹp!