Toạ đàm: Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0

03/10/2022 11:12:57 SA

Sáng ngày 29/9, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức toạ đàm “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và cách mạng công nghệ 4.0” nhằm tiếp tục lắng nghe các ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan quản lý phục vụ xây dựng đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW.  

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng điều hành thảo luận tọa đàm

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng điều hành thảo luận tọa đàm

Phát biểu tại toạ đàm, TS. Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho biết: Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để quản lý doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, xây dựng doanh nghiệp có thương hiệu tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á. Những năm qua, lực lượng doanh nghiệp của Việt Nam phát triển nhanh với tốc độ trung bình đạt 7,4%/năm. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng của nền kinh tế, đóng góp chính cho ngân sách nhà nước và trở thành lực lượng đầu tàu lôi kéo đoàn tàu doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp là sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân.  Việt Nam đang có khoảng 7 triệu doanh nhân, tăng 250% so với năm 2013, trong đó có nhiều doanh nhân lớn gắn liền với những thương hiệu và giá trị doanh nghiệp được định vị trên thị trường quốc tế. “Chưa bao giờ vai trò của doanh nhân Việt Nam được đánh giá cao như hiện nay với những ảnh hưởng xã hội và tác động với cộng đồng” - TS. Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh.

Hiện nay, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đang chịu tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghệ 4.0. Sự phát triển của công nghệ hoàn toàn mới với các công nghệ kỹ thuật số, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… đã làm thay đổi doanh nghiệp theo hướng chuyển đổi số toàn diện, sử dụng hàm lượng công nghệ và chất xám nhiều hơn để cải tiến phương thức kinh doanh, tối ưu hoá quy trình sản xuất và phong cách làm việc mang đậm tính toàn cầu.

Đặc biệt, theo TS. Nguyễn Hoa Cương, sự bùng nổ của kỷ nguyên số trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tạo những cơ hội đầu tư hấp dẫn, “thổi bùng” tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần hình thành thế hệ doanh nhân mới đam mê kinh doanh và trẻ tuổi. Với 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, Việt Nam đang trở thành quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp cao nhất Đông Nam Á.

TS. Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương

Tuy nhiên, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với những đòi hỏi rất cao mang đến nhiều thách thức cho trong bối cảnh doanh nghiệp còn hạn chế về trình độ khoa học công nghệ, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển chưa tương xứng và phụ thuộc vào khu vực công; mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ chưa cao; thiếu nhân lực chất lượng cao. Trong đó, khối doanh nghiệp SME đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn do hạn chế về vốn, quy mô…

TS. Trần Thị Hoa Thơm - trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) chỉ ra những thách thức từ hệ thống pháp luật, cơ chế chồng chéo, thiếu ổn định và đồng bộ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp; mâu thuẫn của mô hình công nghiệp hoá, hiện đại hoá như mâu thuẫn giữa quan điểm hội nhập để phát triển nguồn lực bên ngoài với tư duy vốn trong nước đóng vai trò chủ đạo khiến cho nhiều cơ hội mời gọi các nhà đầu tư gốc hay tiếp cận vốn bên ngoài bị bỏ qua…

Với quan điểm, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp có ý nghĩa quyết định thực hiện mục tiêu chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, TS. Nguyễn Hoa Cương cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp đáp ứng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và đề xuất 3 nhóm giải pháp hỗ trợ chính.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, tối ưu hoá nguồn nhân lực, xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu cơ giữa khu vực doanh nghiệp, tổ chức đào tạo, tổ chức giáo dục nghề nghiệp và nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội; doanh nghiệp có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, tổ chức đào tạo tại chỗ, trang bị kỹ năng số, ngoại ngữ…

Thứ hai, thay đổi cách thức quản trị doanh nghiệp bằng cách áp dụng phần mềm quản trị, tạo giá trị gia tăng bằng chất lượng, hiệu suất, quy trình.

Thứ ba, thay đổi văn hoá doanh nghiệp phù hợp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh với 2 nội hàm chính: doanh nhân kỷ nguyên số sở hữu tầm nhìn về công nghệ, chuyển đổi môi trường doanh nghiệp theo mô hình gắn liền với công nghệ, số hoá đem lại lợi ích cho doanh nghiệp; doanh nhân xây dựng văn hoá doanh nghiệp gắn với không ngừng đổi mới sáng tạo trong công việc, ứng dụng công nghệ mới tạo năng suất lao động cao và hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Trần Thị Hoa Thơm nhấn mạnh đến việc cần thiết thực hiện tốt chính sách tôn vinh doanh nhân giỏi như Chương trình bình xét Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu đang được VCCI thực hiện; đồng thời chú trọng giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, tinh thần hợp tác của các doanh nhân…

Cũng tại hội thảo, TS Đỗ Diệu Hương đã đưa ra những giải pháp nhằm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc CMCN 4.0:

Thứ nhất, cần xây dựng, hoàn thiện môi trường, thể chế đầu tư, phát triển đất nước nhanh, đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với doanh nhân và các loại hình doanh nghiệp gắn với chủ trương, chính sách phát triển đất nước theo hướng bền vững, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo ngăn ngừa, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp.

Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật; khẳng định, bảo vệ, tạo điều kiện, khuyến khích, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, có đóng góp lớn đối với xã hội, đất nước; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước, cho cộng đồng xã hội, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chân chính, tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế.

Thứ ba, xã hội và bản thân đội ngũ doanh nhân phải nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong quá trình CNH, HĐH và CMCN 4.0. Tạo điều kiện thuận lợi; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH và CMCN, bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Thứ tư, phát huy vai trò của các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân. Thông qua các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước để kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức kinh tế, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp; nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thứ năm, đệ cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Xây dựng chuẩn mực của doanh nhân Việt Nam yêu nước, sáng tạo, đam mê kinh doanh, chủ động hội nhập, dám nghĩ, dám làm, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, có văn hóa và tuân thủ pháp luật. Xây dựng chính sách thúc đây phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; khuyến khích sử dụng lao động địa phương, lao động người dân tộc thiểu số, lao động nữ, con em gia đình chính sách, người khuyết tật. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích để bảo đảm tính hiệu quả, bền vững của liên kết “5 nhà” trong quá trình phát triển. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nhân đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng “công nghệ xanh”, đổi mới sản phẩm dịch vụ và tăng cường liên kết doanh nghiệp, chú trọng xây dựng, tôn vinh, quảng bá, khẳng định giá trị hàng hóa và thương hiệu Việt Nam.

Thứ sáu, công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách hỗ trợ để bảo đảm quyền lợi đầu tư và giảm thiểu rủi ro kinh doanh cho doanh nhân, doanh nghiệp. Đồng thời hạn chế tình trạng tham nhũng, hối lộ, lợi ích nhóm giữa doanh nhân với những người hoạch định chính sách. Xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân có hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo, gian lận, làm hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường,... làm tổn hại sức khỏe, tài sản người tiêu dùng, lũng đoạn thị trường, thất thoát tài sản, tiền bạc của Nhà nước.

Thứ bảy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát huy vai trò của doanh nhân trong của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc CMCN 4.0. Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng trong đội ngũ doanh nhân, nhất là ở các doanh nghiệp, ngành nghề giữ vị trí quan trọng của nền kinh tế. Nâng cao giác ngộ chính trị cho doanh nhân, người sử dụng lao động, bảo đảm doanh nghiệp hoạt động theo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bảo đảm tỷ lệ hợp lý đại diện của doanh nhân trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Đặc biệt, doanh nhân là đảng viên trong các loại hình doanh nghiệp phải là những người gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống, có tài kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, hết lòng vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích của người lao động và có trách nhiệm cao với cộng đồng xã hội.

Nguồn: Doanh nhân kỷ nguyên số sở hữu tầm nhìn về công nghệ | VCCI (diendandoanhnghiep.vn)

Doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 | doisongtieudung.vn