"Vị thế của Việt Nam chỉ có thể do chính Việt Nam tạo dựng và duy trì"

22/08/2019 9:37:30 SA

Nhiều thách thức phát triển kinh tế sau 30 năm đổi mới

NDĐT - Ngày 19-11, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam với chủ đề "Tổng kết 30 năm phát triển Kinh tế Việt Nam (giai đoạn 1986-2015)".

Đây là diễn đàn đa chiều, thảo luận và trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc đánh giá tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển nền kinh tế Việt Nam, so sánh thành tựu phát triển kinh tế với thế giới và với các thách thức mang tính lịch sử và thời đại đặt ra.

Phát biểu đề dẫn, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định: Thành tựu quan trọng bậc nhất của Đổi mới là việc chuyển nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp dựa trên nền tảng nền kinh tế nông nghiệp– nông dân cổ truyền sang kinh tế thị trường. Nhờ đó, đất nước thoát khỏi phương thức phát triển lạc hậu, biến quá trình này thành xu hướng không thể đảo ngược. Đây là kết quả của sự liên tục đổi mới tư duy phát triển, chuyển hóa sức mạnh của tư duy phát triển mới, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, thành các thành tựu kinh tế hiện thực, cụ thể, biểu hiện ở mức tăng trưởng kinh tế cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngoại thương phát triển, thu hút nhiều FDI và ODA, chủ động và tích cực mở cửa, hội nhập kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, cũng theo TS Trần Đình Thiên, thành tựu phát triển đã đạt được không bảo đảm rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thành công trong những giai đoạn tiếp theo. Một loạt các vấn đề cấu trúc đang cản trở khả năng phát triển đột phá của đất nước. Đó là: Sự méo mó của thị trường gây ra bởi sự độc quyền và đặc quyền của DNNN, sự yếu kém của hệ thống tài chính và những nút thắt thể chế, kỹ năng thấp của nguồn nhân lực, chi phí vận tải đắt đỏ, tiếp cận tín dụng, năng lượng và đất đai khó khăn.

"Trong bối cảnh thế giới đang trải qua một thời kỳ hết sức phức tạp, cùng với đó là các vấn đề xã hội khác như môi trường xuống cấp, biến đổi khí hậu, dân số già hóa cần được giải quyết, thì việc Việt Nam cam kết hội nhập ở đẳng cấp cao nhất đang đặt ra những thách thức to lớn. Việc lựa chọn sai mô hình phát triển có thể đưa đất nước đi ngược lại tiến trình phát triển và sẽ tụt hậu phát triển ngày càng xa hơn", ông Trần Đình Thiên nhận định.

Cũng với việc chỉ rõ những thành tựu và thách thức của nền kinh tế Việt Nam, tại diễn đàn, một vấn đề cũng được khá nhiều đại biểu đại diện cho các DN, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế quan tâm và thảo luận đó là việc định vị nền kinh tế Việt Nam đang đứng ở đâu trong không gian kinh tế toàn cầu và khu vực. TS Trần Đình Thiên cho rằng, dù có những thành tựu đáng tự hào và đáng ngưỡng mộ trong suốt 30 năm qua, Việt Nam vẫn đang bị các nước phát triển hơn, đặt biệt là Trung Quốc bỏ lại phía sau và ngày càng nới rộng khoảng cách. Việt Nam cũng đang bị bỏ lại phía sau các bảng xếp hạng toàn cầu trong phần lớn các tiêu chí phát triển.

"Vị thế của Việt Nam chỉ có thể do chính Việt Nam tạo dựng và duy trì. Sự phát triển của kinh tế tư nhân đặt trong nền tảng nền kinh tế với giáo dục kỹ năng chuyên sau, chất lượng thể chế, cơ sở vật chất hạ tầng vượt trội và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định nên được coi là quan điểm phát triển trong bối cảnh Việt Nam đang cam kết tham gia những cuộc chơi hội nhập đẳng cấp cao. Điều không may là Việt Nam đang thiếu tất cả các yếu tố này. Trước một bối cảnh đầy thách thức, nhưng cũng rất nhiều cơ hội mà thời cuộc hiện đang đặt ra Việt Nam, việc lựa chọn cho mình một chiến lược phát triển đúng đắn trong điều kiện liên tục đổi mới, sáng tạo là đòi hỏi bắt buộc", ông Thiên nhận định.

VIỆT PHONG