“Việt Nam như ông nông dân mang cuốc bước vào sân chơi hội nhập”

22/08/2019 9:37:31 SA

Phụ thuộc nhập khẩu Trung Quốc méo mó nền kinh tế

Tại hội thảo tổng kết 30 năm phát triển kinh tế Việt Nam do Viện kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 19/11, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, chặng đường 30 năm cải cách kinh tế Việt Nam đã chứng kiến những giai đoạn thăng trầm và những đột phá trong mở cửa thị trường, giá cả và tiến triển trên đường hội nhập. Thành tựu đáng kể đã được ghi nhận bao gồm tăng trưởng kinh tế cao nhiều năm liên tục, đưa hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo...

"Tuy nhiên, thế giới lại luôn vận động theo quy luật đào thải khắc nghiệt. Sự phức tạp của kinh tế chính trị trong khu vực và thế giới trong vòng vài năm trở lại đây đang đưa Việt Nam rơi vào một hoàn cảnh mà sự tồn vong của dân tộc ở vào thế hiểm nguy hơn bao giờ hết”, ông Thiên cảnh báo.

Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hệ quả là Việt Nam vẫn đang bị các nước phát triển hơn, đặc biệt là Trung Quốc bỏ lại phía sau và ngày càng nới rộng khoảng cách.

Cũng theo ông Thiên, những yếu tố cốt lõi thay đổi năng suất và chất lượng chưa có như công nghiệp là gia công, lắp ráp và khai thác tài nguyên, công nghiệp đó chưa thay đổi. Công nghệ chưa thoát khỏi lạc hậu và vẫn có khoảng cách xa so với thế giới. Năng suất lao động 20 năm hầu như không thay đổi...

Khi xếp hạng cạnh tranh và thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam, theo TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam là nước đứng thứ 99 về năng lực cạnh tranh song thu nhập bình quân đầu người lại chỉ ở mức 1.400 USD trong khi các nước có vị trí tương đương mức thu nhập bình quân đầu người lên tới 7.545 USD.

Ông Thiên cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với độ mở lớn nhưng kinh tế Việt Nam vẫn có tính lệ thuộc vào nhập khẩu đặc biệt là phụ thuộc nhập khẩu đầu vào từ Trung Quốc làm méo mó nền kinh tế.

Vị chuyên gia đặt câu hỏi: "Nếu chỉ nhập khẩu đầu vào thì không thể vượt qua đẳng cấp cao hơn, không biết vài chục năm sau khi nào mới có thể thoát khỏi lệ thuộc kinh tế?".

Viện trưởng Trần Đình Thiên cho biết, Việt Nam vào TPP, bám vào cấu trúc lớn đó để "bay lên" nhưng cấu trúc hội nhập tới đây đẳng cấp rất cao, Việt Nam có bám được ko hay thành "giỏ đựng rác".

Mang cuốc vào sân chơi hội nhập

Nêu ý kiến tại hội thảo, TS. Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, tổng kết 30 năm có năm bài học rút ra nhưng bài học rút ra cần ứng dụng trong tương lai.

"Nhiều nhà khoa học nói kết quả thời kỳ đổi mới vừa qua đã hết, đã đến lúc nguồn lực khai thác cạn kiệt, cần cuộc đổi mới thứ hai. Trong cuộc đổi mới thứ hai nàu chúng ta rút ra bài học gì? Nếu chúng ta làm một cuộc đổi mới thứ hai cái gì sẽ là động lực thúc đẩy cản trở chúng ta, ai là chủ thể và làm thế nào để đổi mới", vị chuyên gia này băn khoăn.

Dẫn bức tranh biếm hoạ về người nông dân vác cuốc, trước mặt là chữ WTO với đầy thiết bị linh kiện điện tử, ông Tuấn Anh so sánh, Việt Nam như một ông nông dân mang cuốc bước vào sân chơi hội nhập với toàn các ông lớn phát triển hiện đại. "Như thế có hội nhập được không?", ông Tuấn Anh đặt câu hỏi.

TS. Vũ Tuấn Anh dẫn chứng các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines vẫn loay hoay trong bẫy thu nhập trung bình và so sánh với Hàn Quốc, Đài Loan.

"Có học giả nước ngoài cho rằng các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài và khai thác tài nguyên thiên nhiên trước sau cũng sẽ bị sa lầy", ông Tuấn Anh nói.

Theo đó, ông Vũ Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam cần thay đổi, không chờ TPP, không chờ FDI, người Việt cần mạnh mẽ, tự cường hơn!!!