Việt Nam phải 'thoát ta' để giảm phụ thuộc quá mức Trung Quốc

22/08/2019 9:37:25 SA

PV:- Thưa ông, dù đặt nỗ lực "thoát Trung" từ giữa những năm 2014, tuy nhiên, nông, thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn liên tiếp nếm trái đắng, tình trạng nhập siêu của VN từ TQ tăng mạnh, dự kiến năm 2015 nhập siêu TQ có thể lên tới 35 tỉ USD. Theo đánh giá của ông, nỗ lực thoát Trung của VN liệu đã được coi là thất bại? Liệu có phải chúng ta đã thực hiện chưa đầy đủ hoặc sai lệch nội hàm việc “thoát Trung” hay còn có nguyên nhân nào khác?

TS. Lê Xuân Sang: Trong ngày đầu năm 2016, việc VN bắt đầu ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được cho là tin vui cho nền kinh tế VN. Việc gia nhập TPP được đánh giá là một cánh cửa rộng mở để VN thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc về kinh tế.

Sau vụ việc Giàn khoan Hải Dương 981 kéo vào hải phận VN thì vấn đề “thoát Trung” đã được đặt ra một cách thôi thúc, phi chính thức giữa một số chính trị gia, nhà nghiên cứu, nhất là nghiên cứu kinh tế.

Trước hết, theo tôi hiểu, những người theo “chủ thuyết” “thoát Trung” cho rằng nền kinh tế VN có sự lệ thuộc cao độ vào TQ và sự lệ thuộc này là vô cùng nguy hại tới an ninh kinh tế - tài chính và chủ quyền quốc gia; vì vậy, họ đặt vấn đề là phải “thoát Trung” càng nhanh càng tốt.

Tuy nhiên, nếu xét trên mức độ sâu rộng, bản chất của các mối quan hệ kinh tế giữa hai nước và khả năng VN xây dựng, thực thi chính sách một cách hữu hiệu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng thì suy nghĩ trên là hơi thái quá, thiên về cảm tính dân tộc, chưa dựa trên đánh giá toàn diện, chuyên sâu. Trên thực tế, chưa có một phân tích chuyên sâu, nghiêm túc nào về lợi ích và phí tổn của quan hệ kinh tế VN- TQ trong ngắn, trung và dài hạn. Chính vì vậy, có một số vấn đề về tư duy, quan điểm (nội hàm) và cách thức, lộ trình “thoát Trung” cần phải được nghiên cứu thấu đáo, làm rõ thêm.

Thứ nhất, tại sao Việt Nam phải “thoát Trung”?

Thứ hai, “thoát” cái gì, lĩnh vực nào?

Thứ ba, làm sao để “thoát” trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện chủ trương hội nhập sâu, rộng như hiện nay (phải thực hiện các cam kết và các nguyên tắc hội nhập như Tối huệ quốc (MFN) và Đối xử quốc gia (MN)?

Trên thế giới, khi đánh giá mối quan hệ (tính phụ thuộc) kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là hai nước láng giềng, người ta thường dựa nhiều nhất là vào mối quan hệ thương mại là Tỷ lệ Xuất nhập khẩu (XNK)/GDP, đặc biệt là đối với với những nước phải nhập siêu nhiều. Ví dụ như Việt Nam và Mỹ là hai nước có tỉ lệ nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn. Tuy vậy, quan trọng hơn là cần phải đánh giá được bản chất, cơ cấu nhập khẩu. Cụ thể là cơ cấu hàng hóa nhập khẩu có hợp lý không, có gây nguy hại tới an ninh kinh tế - tài chính trong dài hạn không?.

Nhìn chung, xu hướng trên thế giới trong hai thập niên lại đây thì hầu hết những nước có nền kinh tế mở đều ngày càng gia tăng phụ thuộc vào nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Các nguyên nhân chính của xu hướng này bao gồm hàng xuất khẩu Trung Quốc có giá tương đối rẻ, có nhiều chủng loại phong phú, phù hợp với nhiều phân khúc thị trường, cũng như nhiều đối tượng khách hàng tiêu dùng. Các hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và các nước càng giúp khuyếch đại mạnh mẽ các luồng thương mại và đầu tư.

Tuy vậy, nhiều nước lo ngại sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu sang, thay vì nhập khẩu, từ thị trường Trung Quốc, nhất là Hàn Quốc, Úc do liên quan tới yếu tố khả năng chuyển đổi thị trường trong trường hợp xung đột, chiến tranh (thương mại, quân sự).

Trên thế giới, nếu xét về mức độ phụ thuộc thương mại thì Úc và Brazin có mức độ phụ thuộc vào Trung Quốc lớn hơn cả. Xét về thị trường xuất khẩu, số liệu năm 2009 cho thấy các nước phụ thuộc lớn nhất vào Trung Quốc bao gồm: Vùng lãnh thổ Đài Loan (giá trị xuất khẩu chiếm 13,4% GDP), Hàn Quốc 10,4% GDP, Malaixia gần 10. Riêng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc năm 2014 chỉ chiếm hơn 9%. Như vậy, về xuất khẩu, Việt Nam không phụ thuộc nhiều như một số nước vừa kể trên. Thêm vào đó, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam nhiều mặt hàng là nhu yếu phẩm (lương thực, thực phẩm) và nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất. Điều này hàm ý rằng hàng hóa Việt Nam cũng quan trọng đối với Trung Quốc.

Về nhập khẩu, đúng là Việt Nam bị phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc (năm 2014, chiếm 24% GDP), nhưng vẫn không phải là nước phụ thuộc lớn nhất. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này phải dựa trên sự phân tích là: phụ thuộc có tính lành mạnh hay không, tích cực hay tiêu cực?

Bản chất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu phục vụ đầu vào, hàng bán thành phẩm để sản xuất, gia công sau đó chế biến và xuất khẩu sang các nước khác, chủ yếu là nước phát triển và có thặng dư thương mại đối với các nước/vùng lãnh thổ này. Trong ngắn hạn, nhập khẩu dạng này là khó có thể tránh và không hẳn là có hại, vì các ngành sản xuất này Việt Nam hiện tại đang thiếu; trong khi đó, VN nhập về rồi gia công, xuất siêu sang các nước thứ ba cũng là cách nhiều nước vẫn đang làm (tuy lợi nhuận không cao).

Vấn đề thứ hai, hiện Việt Nam khó mà không phụ thuộc vào nhập khẩu hàng Trung Quốc do giá thành nhập khẩu hàng nguyên vật liệu đầu vào sản xuất từ TQ thấp hơn các nước khác (như ASEAN, Ân Độ, Hàn Quốc,..) khoảng 15-20%. Mức giá rẻ hơn này chủ yếu nhờ lợi thế riêng có của Trung Quốc như lợi thế kinh tế nhờ quy mô, nhân dân tệ bị đánh giá thấp trong thời gian dài, lãi suất ngân hàng được ấn định ở mức thấp (giai đoạn 2013-2014 mức lãi suất vay của Trung Quốc0 thấp hơn Việt Nam khoảng 4-5 điểm%).

Tóm lại, Việt Nam đang nhập siêu từ Trung Quốc nhưng lại xuất siêu tạo ra thặng dự thương mại ở các nước phát triển khác; trong khi đó những mặt hàng nhập khẩu lại ít chèn lấn doanh nghiệp trong nước (tỷ trọng hàng tiêu dùng nhập khẩu Việt Nam thường dưới 10%). Hơn nữa, lưu ý là cũng có những mặt hàng công nghiệp chế biến Việt Nam đang nhập siêu nhưng trong chính những nhóm hàng hóa nội ngành này cũng có những mặt hàng Việt Nam lại đang xuất khẩu sang Trung Quốc.

PV:- Thực tế, TQ là thị trường lớn, nhiều lợi ích đối với bất cứ một nhà sản xuất nào mà VN không phải là ngoại lệ. Theo ông đánh giá, vấn đề này đã được VN nhìn nhận như thế nào? Tại sao chúng ta chưa đặt ra vấn đề tận dụng lợi thế của thị trường này thay vì luôn bị động và bị chèn ép, thưa ông? Và nếu tận dụng tốt lợi thế của mình, sự phụ thuộc trên có hoàn toàn là xấu, thưa ông?

TS. Lê Xuân Sang: Bây giờ tôi xin đi vào trả lời từng câu hỏi:

Vì sao Việt Nam lại phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như vậy?

Thứ nhất, cơ cấu kinh tế của chúng ta cần những hàng hóa bổ sung từ Trung Quốc. Trước hết, công nghiệp hỗ trợ trợ trong nước yếu kém nên phải nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Lưu ý là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng trong thời gian dài (thiên về tốc độ tăng trưởng cao) nên buộc Việt Nam càng muốn tăng trưởng càng phải nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng tốt bằng doanh nghiệp Trung Quốc trên phương diện này.

Thứ hai, chi phí nhập khẩu từ Trung Quốc giảm nhiều nhờ vị trí địa lý gần kề. Bên cạnh đó, các nhân tố khác khiến hàng Trung Quốc giá rẻ hơn là nhờ lợi thế kinh tế nhờ quy mô và tính đa dạng của nền kinh tế. Có thể xem thị trường Trung Quốc là như là thị trường thế giới thu nhỏ và không biên giới (thuế quan). Với những ưu thế như vậy, tôi thấy sức hấp dẫn của nền kinh tế, hàng hóa Trung Quốc rất lớn.

Thứ ba, có thể nói hàng nhập khẩu từ Trung Quốc uốc có chủng loại đa dạng nhất, trong đó chỉ có một số mặt hàng nước này mới có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu thụ ở VN như đồ chơi Trung thu, đồ Tết, đồ thờ cúng và phong thủy (gần đây có tì hưu, các con giáp hàng năm,..). Đây là những nhân tố khiến cho nền kinh tế Việt Nam – Trung Quốc ngày càng gắn kết, phụ thuộc lẫn nhau. Chất lượng, chủng loại hàng hóa Trung Quốc ngày càng gia tăng trong khi thu nhập Việt Nam ngày càng cao, với sự ‘góp sức’ của các FTA mà 2 nước tham gia khiến xuất nhập khẩu ngày càng được mở rộng.

Sự phụ thuộc nào vào Trung Quốc có là hoàn toàn xấu?

Trong mối quan hệ xuất nhập khẩu, nền kinh tế Việt Nam cũng phải chịu những tác động tiêu cực trong giao thương với Trung Quốc. Ví dụ, những mặt hàng công nghệ thấp, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt công nghệ phát thải ra môi trường, gây nguy hại cho an ninh năng lượng mà Trung Quốc cấm thì Việt Nam lại nhập về, tự biến mình thành “thiên đường” ô nhiễm và “tốn điện”. Nhưng, cái tiêu cực này chủ yếu là do Việt Nam. Do trình độ quản lý của Việt Nam quá yếu kém, hàng rào kỹ thuật thấp, không đủ khả năng kiểm soát, ngăn chặn được công nghệ rác, lạc hậu. Điều này cũng có liên quan tới bất cập trong công tác đấu thầu, khiến có tới khoảng 90% dự án do Trung Quốc thắng thầu. Bên cạnh đó, công tác giám sát thực hiện dự án thắng thầu và chế tài xử lý vi phạm còn yếu kém. Kinh nghiệm xử lý vi phạm thực hiện dự án do doanh Trung Quốc gây ra của Ba Lan và gần đây là In-đô-nê-xi-a là rất đáng tham khảo cho Việt Nam.

Như vậy, nếu đánh giá toàn diện có thể thấy sự phụ thuộc tương đối lớn của Việt Nam vào Trung Quốc nhưng không hoàn toàn là xấu, mà ngược lại còn có không ít yếu tố tích cực với sự phát triển của kinh tế trong nước trong ngắn và trung hạn./.