Hội thảo “Xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu”

08/01/2024 11:04:13 SA

Sáng ngày 19/12/2023, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam, trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm - VASS), phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng sự đồng hành của Tổng Công ty HABECO và Tổng Công ty Du lịch và Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu”. Hội thảo vinh dự được đón bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, VASS phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Phó Tổng thư ký Quốc hội khoá XIV; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam-VASS; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh; TS. Lê Xuân Nghĩa, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển bền vững và tài chính các – bon; PGS.TS. Hoàng Văn Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Nguyên Trưởng khoa Marketing, Đại học Thương mại, cùng sự tham gia các cán bộ nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam; các nhà khoa học và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí.

Từ trái sang: PGS.TS. Hoàng Văn Hải, PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh và PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chủ trì Hội thảo

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt có vai trò hết sức quan trọng cho phát triển cộng đồng doanh nghiệp và cho phát triển của nền kinh tế nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn và đang tiếp tục hội nhập mạnh mẽ với kinh tế thế giới. Việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt vì thế càng có nhiều ý nghĩa hơn. Xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt giúp chúng ta thay đổi mô hình tăng trưởng, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả và xây dựng các giá trị bền vững.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cảm ơn sự có mặt đông đảo của các đại biểu, nhà khoa học. PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết Việt Nam hiện nay đã là một thành viên đầy đủ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đang có 16 hiệp định thương mại quốc tế, trong đó có các hiệp định thương mại thế hệ mới. Việt Nam đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình nghị sự SDG 2030 - một chương trình phát triển có tính toàn diện và đa mục tiêu ở qui mô toàn cầu. Tại COP26 Việt Nam cũng đã cam kết cùng thế giới làm giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, và cam kết đạt mục tiêu “giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt. Việc xây dựng, phát triển, quảng bá và bảo vệ thương hiệu vì thế có ý nghĩa sống còn đối với mỗi doanh nghiệp nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp Việt nói chung.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn cho biết thêm, thời gian qua, Việt Nam đã có một số chính sách xây dựng và phát triển thương hiệu. Bộ Công Thương đã triển khai các chương trình, hoạt động đa dạng về phát triển thương hiệu, trong đó nòng cốt là Chương trình "Thương hiệu quốc gia Việt Nam”. Chương trình này đã giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu, tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu quốc gia và các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia trên các phương tiện truyền thông ở trong và ngoài nước. Từ góc độ hạn chế, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đưa ra một số nhận định sau: (i) việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ và thiếu tính chuyên nghiệp, đồng bộ; (ii) các doanh nghiệp vẫn quá chú trọng về số lượng, trong khi vấn đề thương hiệu chưa thực sự được quan tâm; (iii) đưa nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế đang đối diện nhiều thách thức, nhất là nguy cơ mất thương hiệu do chưa được đăng ký bảo hộ trước đó; (iv) số lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cả trong nước và thị trường quốc tế còn hạn chế; (v) thương hiệu hàng Việt Nam còn mờ nhạt trong con mắt người tiêu dùng nước ngoài…

Chính vì vậy, qua Hội thảo này, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu cùng nhau thảo luận và làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nhận diện thực trạng, những khó khăn và thách thức của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu.

Thứ hai, xác định những cơ hội cho việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu.

Thứ ba, đề xuất những giải pháp chính sách để đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong bối cảnh mới đang thay đổi.

 

PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban KHCN và MT Quốc hội, nguyên Phó Tổng thư ký Quốc hội khoá XIV
trao đổi tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 05 tham luận của các diễn giả (PGS.TS. Hoàng Văn Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Nguyên Trưởng khoa Marketing, Đại học Thương mại; TS. Khổng Quốc Minh, Cục Sở hữu trí tuệ; ThS. Kiều Thị Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ đầu tư Moka fund; bà Phùng Thị Lệ, Công ty MP Holding), tập trung trình bày các vấn đề: Xây dựng thương hiệu tập đoàn tư nhân Việt Nam; Xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt trong bối cảnh hội nhập; Quản trị tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu Việt; Con đường đại chúng để khai mở giá trị và định vị thương hiệu.

Lý giải vì sao cần phải phát triển thương hiệu, PGS.TS. Hoàng Văn Hải cho rằng, ngày nay sản phẩm có chu kỳ sống ngày càng ngắn, người mua có ít thời gian nên thường chọn các sản phẩm dịch vụ có thương hiệu; bên cạnh đó cạnh tranh ngày càng khốc liệt nên cần phải có sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn và một điều rất quan trọng nữa là tiêu chuẩn sống ngày càng nâng cao nên nhu cầu sử dụng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế luôn là lựa chọn của khách hàng. PGS.TS. Hoàng Văn Hải cũng khẳng định doanh nghiệp muốn trường tồn được thì “mặt trời” chính là sự hài lòng của khách hàng, “ngôi sao bắc đẩu” chính là năng lực cạnh tranh. Vì vậy uy tín của doanh nghiệp bắt đầu từ việc làm cho khách hàng thấy rằng doanh nghiệp mang lại giá trị cho họ,khi đó sẽ giải quyết được vấn đề của khách hàng…

PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh, Nguyên Trưởng khoa Marketing, Đại học Thương mại trình bày báo cáo tại Hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Quốc Thịnh khẳng định xây dựng thương hiệu chính là hình thành một trong ba trụ cột quan trọng tạo quyền lực mềm cho tổ chức/doanh nghiệp (trụ cột đổi mới sáng tạo, trụ cột thương hiệu và trụ cột văn hóa doanh nghiệp). Mỗi doanh nghiệp sẽ có cách thức xây dựng thương hiệu khác nhau tùy thuộc vào đặc thù nguồn lực của mình, đặc điểm của sản phẩm và thị trường cung ứng cũng như các biến động từ môi trường và hoạt động của các đối thủ cạnh tranh. Các doanh nghiệp có thể tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khác nhưng đừng bao giờ bắt chước hoàn toàn cách làm từ học. Bài toán xây dựng thương hiệu luôn có lời giải riêng cho từng doanh nghiệp.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia và TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Canh tranh thảo luận tại Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu là doanh nhân, chuyên gia và các nhà khoa học. tập trung trao đổi, thảo luận một số vấn đề như: lý luận về thương hiệu Việt; Ý nghĩa của tạo thương hiệu và giữ thương hiệu từ bên trong; Chống sa sút thương hiệu; Cách tiếp cận sở hữu trí tuệ trong bảo vệ thương hiệu; Thương hiệu với cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo: cơ hội và thách thức; Mối quan hệ giữa nhãn hiệu và thương hiệu; Bảo vệ thương hiệu gắn với phát triển bền vững…

Phát biểu kết luận, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn,Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhấn mạnh, các báo cáo tham luận được trình bày tại hội thảo đã phần nào làm sáng tỏ ý nghĩa và vai trò của bảo vệ thương hiệu Việt trong hội nhập kinh tế toàn cầu; những con đường và tư duy mới để định vị thương hiệu. Trên cơ sở đó, hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến bình luận chia sẻ và thống nhất một số nội dung sau:

Thứ nhất, nhận thức một góc nhìn về thương hiệu Việt cũng như giải pháp xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Thứ hai, trên cơ sở chia sẻ của các doanh nghiệp về xây dựng và bảo về thương hiệu từ đó có cách nhìn mới về mối quan hệ giữa xây dựng thương hiệu gắn với tư duy về “buông bỏ” của doanh nghiệp; Quá trình văn minh hóa trong “bóng tối” để chuẩn bị bước ra ánh sáng của doanh nghiệp và những thách thức gặp phải hướng đến xây dựng và bảo vệ thương hiệu theo cách bền vững hơn, có tầm nhìn và chiến lược hơn.

Thứ ba, hiểu về xây dựng và bảo vệ thương hiệu theo hướng phát triển bền vững với nghĩa rộng. Xây dựng những giá trị dựa vào văn hóa. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong đó có kết nối động lực, đổi mới sáng tạo và những trí tuệ của doanh nhân. Điều này vừa thể hiện khát vọng cũng tầm nhìn của chúng ta khi bắt đầu một cuộc chơi một cách bài bản.

ThS. Kiều Thị Thành, Chủ tịch HĐQT Quỹ đầu tư Moka fund trình bày báo cáo tại Hội thảo

Kết thúc Hội thảo, những vấn đề đặt ra mặc dù chưa có những câu trả lời đầy đủ, nhưng gợi mở cho các chuyên gia, nhà khoa học và cả những doanh nghiệp những câu hỏi để tiếp tục suy nghĩ, từ đó giúp cho các nhà hoạch định chính sách các nhà quản lý, doanh nghiệp chuẩn bị tâm thế bắt đầu “cuộc đua” mới, “cuộc đua” có tầm nhìn, có màu xanh và chuyển đổi số rất khốc liệt dành cho tất cả chúng ta khi bước vào hội nhập.

Các đại biểu và diễn giả chụp ảnh lưu niệm với Ban tổ chức Hội thảo

Nguyễn Minh Hồng

Nguồn: https://vass.gov.vn/noidung/hoinghihoithao/Pages/tin-tuc-hoi-nghi-hoi-thao.aspx?ItemID=1517