TS. Lê Xuân Sang: "Trong bối cảnh mới, nền kinh tế cần dựa trên đổi mới và sáng tạo"

13/03/2021 2:46:16 CH

Trao đổi với báo chí mới đây về Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, tiến sĩ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh mới hiện nay, nền kinh tế cần dựa trên đổi mới và sáng tạo.

TS. Lê Xuân Sang: Nền kinh tế Việt Nam cần dựa trên đổi mới và sáng tạo

Có thành tựu nhưng chưa thật nổi bật

Theo TS. Lê Xuân sang, Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đặt trọng tâm vào việc “phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo (innovation – ĐMST) và chuyển đổi số”. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh phát triển mới của Việt Nam trong thập niên tới.

Theo vị chuyên gia này, kể từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới kinh tế (1986) đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đáng ghi nhận, với mức tăng trưởng GDP khá cao, nhất là trong  năm 2020 (2,91%).

"Đây là thành tựu rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vị thế và thành tựu của Việt Nam vẫn chưa nổi bật so với một số nước trên thế giới. Đặc biệt, chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu (GII) tuy cải thiện đáng kể song ý nghĩa không tăng tương ứng vì không phản ánh đúng thực lực ĐMST của Việt Nam", ông nói.

Screen Shot 2021-02-23 at 12.11.21 AM

Chuyên gia kinh tế này cho rằng, nhìn chung, cho đến nay, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc nhiều vào việc tăng vốn. Đóng góp của vốn đầu tư vào tăng trưởng trung bình giai đoạn 2016 – 2019 vẫn ở mức 55%. Tỷ lệ vốn đầu trên GDP ở vẫn mức cao, trung bình khoảng 33-34%/năm từ 2016-2019.

"Tăng trưởng GDP trong thời gian dài vẫn dựa đáng kể vào nhân công giá rẻ, thiếu kỹ năng. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng mặc dù đã được cải thiện, song không ổn định, đặc biệt, thấp hơn nhiều so với nhiều nước châu Á cả về mức đóng góp cho tăng trưởng GDP cũng như tốc độ tăng", Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) (2012), Việt Nam đã trải qua giai đoạn tăng trưởng kinh tế dựa trên việc tăng các nhân tố đầu vào sản xuất (chủ yếu vốn, lao động) và hiện đang trong giai đoạn tăng trưởng dựa trên tăng hiệu quả sử dụng các nhân tố đầu vào và một phần nhỏ ở giai đoạn tăng trưởng dựa trên ĐMST (bao gồm đổi mới công nghệ, cách thức tổ chức, quản lý sản xuất, tiêu thụ,…).     

Cơ hội chuyển đổi

Theo quan điểm của ông Sang, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục có cơ hội đón các luồng đầu tư FDI, thương mại, kỹ năng và công nghệ tư bên ngoài nhờ tác động của các yếu tố như. Thứ nhất đại dịch Covid-19 (giúp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và chuyển đổi số doanh nghiệp trong nước và luồng FDI vào (để đa dạng hóa chuỗi cung ứng do Trung Quốc cầm trịch và hiệu ứng từ việc Việt Nam kiềm chế tốt Đại dịch). Thứ hai, chiến tranh thương mại/kinh tế Mỹ - Trung và  xu hướng Trung Quốc + 1 (để phân tán rủi ro kinh tế, chính trị và giá nhân công tăng. Thứ 3: Cách mạng công nghiệp 4.0; và thứ 4: Việc thực thi hai FTA thế hệ mới và RCEP.

"Đây là cơ hội hiếm có để phát triển tốt hơn công nghiệp hỗ trợ, cải cách sâu rộng hơn hệ thống thể chế giúp đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, tháo gỡ những điểm nghẽn trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà Việt Nam đã không thể thể tháo gỡ trong nhiều thập niên qua", ông sang nói.

Chuyên gia này cũng cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo nhiều cơ hội lớn, giúp doanh nghiệp tăng tiếp cận vốn, áp dụng công nghệ; giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản trị nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả điều hành, giảm tham nhũng, can thiệp, thông đồng; nâng cao tính minh bạch, công khai; tăng tính đồng bộ, nhất quán và liên kết trong quản lý nhà nước.

Thách thức nào?

Cũng theo TS. Lê Xuân Sang, việc một nước đang phát triển và chuyển đổi có thu nhập trung bình như Việt Nam đặt mục tiêu có nền kinh tế dựa trên ĐMST là khá tham vọng mục dù có một số yếu tố mới thuận lợi hơn.

"Lưu ý là ngay các nước tiên tiến, có thu nhập cao, thì đóng góp của ĐMST trong GDP cũng chỉ chiếm 30%, còn lại, tăng trưởng vẫn phải chủ yếu dựa vào tăng hiệu quả sử dụng các nhân tố đầu vào sản xuất", ông nói.

Theo vị chuyên gia này, các thách thức trong tiến vượt tới nền kinh tế ĐMST đối với Việt Nam có thể thấy như: Năng lực ĐMST quốc gia còn yếu kém; Thiếu thể chế hữu hiệu thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và ĐMST đối với doanh nghiệp nhà nước, chủ yếu do chưa có cơ chế hữu hiệu về khuyến khích – phạt, tạo áp lực cạnh tranh thực sự cũng như các cơ chế khuyến khích đầu tư ĐMST; Thiếu các thể chế, tổ chức hữu hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh, ĐMST đối với doanh nghiệp tư nhân...

"Xây dựng hệ thống ĐMST tầm quốc gia và doanh nghiệp là một quá trình lâu dài và đầy gian khổ. Những cơ hội mới và thách thức nói trên đòi hỏi doanh nghiệp và Nhà nước có những “đổi mới sáng tạo” trong nhận thức, định hướng, giải pháp phù hợp, hữu hiệu để giúp doanh nghiệp Việt vươn lên mạnh mẽ, trở thành lực lượng nòng cốt trong hành trình tiến tới nền kinh tế dựa trên ĐMST trong một vài thập niên tới", TS. Lê Xuân Sang kết luận.

Nguồn: Hà Nguyễn

https://congluan.vn/ts-le-xuan-sang-trong-boi-canh-moi-nen-kinh-te-can-dua-tren-doi-moi-va-sang-tao-post120155.html