HỘI THẢO “GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG CHO DOANH NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI KINH TẾ SỐ” (12/01/2023)

06/07/2023 2:56:34 CH

Ngày 12 tháng 01 năm 2023, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với một số cơ quan của Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo: “Giải pháp nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp trong thời đại kinh tế số”. Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin và đóng góp cho việc cung cấp các giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng trong thời đại kinh tế số. Đồng chủ trì hội thảo có TS. Nguyễn Tùng Lâm – Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Năng suất Việt Nam và PGS.TS. Bùi Quang Tuấn – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Tham dự Hội thảo, có ThS. Vũ Hồng Dân – Trưởng phòng Tư vấn cải tiến năng suất, Viện Năng suất Việt Nam; Ông Chu Quang Thái –Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia; Ông Nguyễn Ngọc Kiên – Ban chất lượng sản phẩm, Công ty CNTT, Tập đoàn VNPT; Bà Nguyễn Thị Thu – Trưởng làng Công nghệ Nông nghiệp thông minh Techfest Quốc gia, Sáng lập Hệ sinh thái MEVI; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh – Nguyên PCN Ủy ban KH&CN MT Quốc hội; TS. Hoàng Văn Tuyên – Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cùng toàn thể cán bộ của Viện Kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của các đại biểu đến từ một số cơ quan nghiên cứu và các tổ chức khác.

(Toàn cảnh Hội thảo)

Sau lời phát biểu khai mạc, các đại biểu đã nghe bài tham luận với chủ đề “Đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất trong một số ngành công nghiệp ở Việt Nam”, TS. Hà Huy Ngọc đã trình bày thực trạng đổi mới sáng tạo trong ngành cơ khí chế tạo. Theo đó, nghiên cứu ban đầu cho thấy các doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo đang có những nỗ lực trong đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp có hoạt động R&D có xu hướng chậm, năm 2015 là 12,16%, đến năm 2018 đạt 11,96%; tỷ lệ các doanh nghiệp có theo đuổi chiến lược đổi mới sản phẩm tương đối cao, bình quân giai đoạn 2015-2018 đạt 90,68%/năm; tỷ lệ doanh nghiệp có theo đuổi chiến lược cải tiến, đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh đạt bình quân 86,36%/năm.

(TS. Hà Huy Ngọc trình bày tại Hội thảo)

ThS. Vũ Hồng Dân trình bày tham luận “Ứng dụng mô hình và công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất doanh nghiệp trong bối cảnh mới”. Theo diễn giả, để thúc đẩy tăng năng suất lao động doanh nghiệp cần cải tiến và đổi mới bằng các công nghệ tiên tiến, tự động hóa, cải tiến quy trình,…Ngoài ra, ThS. Vũ Hồng Vân đã đề cập đến các mô hình như quản lý tinh gọn (LEAN), chỉ số hoạt động chính (KPI), mô hình nhóm huấn luyện (TWI), hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM) và các mô hình khác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số.

(ThS. Vũ Hồng Dân trình bày tại Hội thảo)

Tham luận “Phát triển sản phẩm và thị trường cho doanh nghiệp công nghệ số” được ông Chu Quang Thái trình bày tại hội thảo. Theo ông Thái, để tăng năng suất chất lượng cần gắn với đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở. Từ nhận định trên, diễn giả để đề xuất các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy năng suất chất lượng gồm (i) thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở cho các doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp; (ii) thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo ngoài doanh nghiệp, tập đoàn; (iii) mô hình kinh tế tập thể số từ chuỗi cung ứng được phân công hóa kết hợp sản xuất truyền thống và sản xuất số (hợp tác xã số).

(Ông Chu Quang Thái trình bày tại Hội thảo)

Bài tham luận “Nâng cao trải nghiệm khách hàng dịch vụ số doanh nghiệp” của ông Nguyễn Ngọc Kiên đã cho thấy tập đoàn VNPT đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tuy vậy vẫn còn tồn tại một số tồn tại về chất lượng sản phẩm dịch vụ như còn một số yêu cầu hỗ trợ dịch vụ kéo dài do chưa được tự động hóa, khả năng tư vấn cho khách hàng phụ thuộc vào trình độ nhân viên,…Do vậy cần tăng cường tự động hóa cũng như tích hợp hệ thống phân tích dữ liệu hỗ trợ quá trình tư vấn cho khách hàng.

(Ông Nguyễn Ngọc Kiên trình bày tại Hội thảo)

Bà Nguyễn Thị Thu đã trình bày tham luận với chủ đề “Đổi mới sáng tạo trong mô hình phát triển nông nghiệp bền vững”. Diễn giả đưa ra những phương án giảm thiểu chi phí sản xuất, nâng cao năng lực, năng suất và tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Cụ thể, để giảm chi phí đầu vào cần áp dụng công nghệ xanh, giải pháp xanh; Tự động hóa trong sản xuất; sử dụng Block chain và Metaverse vào khâu sản xuất, lưu trữ, kiểm định sản phẩm. Ngoài ra, nên ứng dụng tri thức văn hóa bản địa vào nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm trên thị trường.

(Bà Nguyễn Thị Thu trình bày tại Hội thảo)

Trong phần bình luận, PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh cho rằng năng suất chất lượng gắn liền với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được nâng cao thì chất lượng cũng sẽ tăng. Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng gắn liền với doanh nghiệp, trong khi đó, doanh nghiệp Việt đang đối mặt với nhiều thách thức từ chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, startup. Do vậy, doanh nghiệp cần có những giải pháp thích nghi và phát triển phù hợp trong bối cảnh hiện tại. PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh cũng cho rằng Việt Nam đang thiếu khuôn khổ pháp lý cho các quá trình kinh tế số.

(PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh bình luận tại Hội thảo)

Trong phần bế mạc, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn tổng kết một số điểm như sau (i) Hội thảo đã đưa ra những nhận định, nhận diện vấn đề, cơ hội và thách thức về năng suất chất lượng dưới góc độ quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các bên liên quan; (ii) Với những khó khăn, thách thức đặt ra đòi hỏi có sự tham gia của nhiều chủ thể đặc biệt là vai trò của tập đoàn và các bên tư vấn. Cuối cùng, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn chân thành cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và đưa ra những ý kiến đóng góp cho Hội thảo.

Hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp.

Việt Hà