Hội thảo khoa học “Định hướng và giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững thành phố Hải Phòng trong bối cảnh tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu”

26/07/2022 6:03:09 CH

Trong khuôn khổ thực hiện chương trình trọng điểm cấp Bộ “Khoa học xã hội và nhân văn phục vụ phát triển nhanh và bền vững kinh tế xã hội địa phương” của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, sáng ngày 21/7/2022, tại Hội trường tầng 12, nhà B, số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cùng với Sở Khoa học Công nghệ thành phố Hải Phòng tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Định hướng và giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững thành phố Hải Phòng trong bối cảnh tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu”. TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình dự và chủ trì Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học, các doanh nghiệp và các tổ chức đến tham dự.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và TS. Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng  đồng chủ trì Hội thảo

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và TS. Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng đồng chủ trì Hội thảo

Hải Phòng là thành phố đô thị loại 1 trung tâm cấp quốc gia, là 1 cực của tam giác kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là trung tâm vùng Duyên hải Bắc bộ, cửa ngõ ra biển của miền Bắc và có vị trí quan trọng về mặt an ninh quốc phòng.

Khát vọng phát triển của Hải Phòng được kỳ vọng trong Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện thực hóa khát vọng đưa Hải Phòng trở thành một đô thị phát triển của Việt Nam và mang tầm khu vực đang là trăn trở của Đảng bộ, Chính quyền và hơn 2 triệu người dân đất cảng. Nghị quyết số 45-NQ/TW đã đặt ra những mục tiêu phát triển rất lớn cho Hải Phòng. Cụ thể, đến năm 2025      tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm (GDP) cả nước đạt khoảng 6,4%; tỷ trọng đóng góp vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là 23,7%; tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2018 - 2025 tối thiểu là 13%; GRDP bình quân/người đạt 14.740 USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 180.000 đến 190.000 tỉ đồng; đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào GRDP từ 44% - 45%, và cơ bản không còn hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia). Đến năm 2030, tỉ trọng đóng góp vào GDP cả nước đạt 8,2%; đóng góp vào GDP vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ 28,3%; tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026 - 2030 thấp nhất là 12,5%; GRDP bình quân/người đạt 29.900 USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 300.000 - 310.000 tỉ đồng; đóng góp của TFP vào GRDP từ 48% - 50%.

Phát triển kinh tế Hải Phòng với mục tiêu trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; là trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế biển là nhiệm vụ đã được đặt ra trong Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh nhiệt liệt chào mừng các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp, các quý vị đại biểu đến tham dự Hội thảo.

TS. Đặng Xuân Thanh cho biết, dựa vào lợi thế sẵn có, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương cộng với những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị Thành phố, Hải Phòng hiện đang đứng trong TOP 5 các địa phương có qui mô công nghiệp lớn nhất cả nước, hạ tầng logistics ngày càng hoàn thiện, là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Mặc dù vậy, vị trí kinh tế hiện nay của Hải Phòng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thành phố, chưa đáp ứng được như kỳ vọng của Đảng bộ, Chính quyền, người dân và doanh nghiệp Hải Phòng.

Khát vọng phát triển của Hải Phòng đã được thể hiện trong Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hướng tới mục tiêu “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp CNH-HĐH; động lực phát triển của vùng bắc Bộ và của cả nước; Phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trở thành trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển”.

TS. Đặng Xuân Thanh mong muốn, Hội thảo để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá về những hạn chế, trở ngại hiện nay cũng như những cơ hội và thách thức sắp tới, từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá để đưa Hải Phòng phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

TS. Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo

TS. Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều báo cáo tham luận gửi về Ban Tổ chức, với 08 báo cáo được trình bày về các chủ đề: (i) Phát triển nhanh và bền vững thành phố Hải Phòng: Cơ sở lý luận và thực tiễn, của TS. Nguyễn Cao Đức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ; (ii) Các  giải pháp phát triển nhanh bền vững Thành Phố Hải Phòng, của PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kinh tế Việt Nam; (iii) KHCN và ĐMST góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động của thành phố Hải Phòng, của Phạm Thị Sen Quỳnh, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng; (iv) Xây dựng Hải phòng trở thành Trung tâm dịch vụ LOGISTICS quốc gia và quốc tế hiện đại, của PGS. TS Phạm Xuân DươngHiệu trưởng, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam; (v) Phát triển du du lịch thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn quốc gia, của TS. Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng; (vi) Giải pháp phát triển Hải Phòng trở thành Trung tâm nghề cá lớn của cả nước và khu vực, của TS. Cao Lệ Quyên, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản; (vii) Phát triển chuỗi sản xuất theo cụm liên kết ngành tại vùng kinh tế trong điểm Bắc Bộ, của TS. Nguyễn Quốc Việt, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc Gia Hà Nội); (viii) Các tiếp cận lý thuyết phát triển bền vững trong chuỗi giá trị toàn cầu và hàm ý chính sách phát triển nhanh và bền vững thành phố Hải Phòng trong bối cảnh tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, của PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện, Viện Xã hội học.

 

Các đại biểu phát biểu, biểu trình bày báo cáo tại Hội thảo

 

 Các đại biểu bình luận tại Hội thảo

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, chuyên gia và các nhà khoa học. Các báo cáo tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận, phân tích, đánh giá, làm rõ về những hạn chế, trở ngại hiện nay cũng như những cơ hội và thách thức sắp tới, từ đó đề xuất các cơ chế, giải pháp, chính sách đột phá, nhằm thực hiện hiện quả các chỉ đạo của Trung ương cũng như của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hải Phòng để đưa Hải Phòng phát triển nhanh và bền vững trong những năm tới.

Quang cảnh hội thảo

 

Nguồn: https://vass.gov.vn/hoi-nghi-hoi-thao/Dinh-huong-va-giai-phap-thuc-day-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-thanh-pho-Hai-Phong-1358